"Tôi chưa dám nhận là thầy phong thủy vì chữ thầy cao quý quá, tôi chỉ nhận mình là chuyên gia phong thủy, một họa sĩ, kiến trúc sư về phong thủy", anh Tưởng chia sẻ.
Nhà kỳ quái nên chủ nhân bị đồn là "thầy phong thủy"
Anh Trần Văn Tưởng (chủ nhân ngôi biệt thự có một không hai ở mặt đường quốc lộ 39A địa phận xã Ngũ Lão, Kim Động, Hưng Yên) cho biết, một số tờ báo đưa tin anh là “thầy phong thủy” là chưa đúng. Anh chỉ dám nhận mình là chuyên gia mỹ thuật phong thủy, một họa sĩ, nhà điêu khắc trong lĩnh vực phong thủy, chưa dám nhận là “thầy phong thủy” vì chữ thầy cao quý quá. Hơn nữa, từ trước đến giờ anh xem phong thủy cho mọi người nhưng không lấy bất kỳ tiền công hay chi phí nào.
Mặc dù được thiết kế theo phong cách nhà ống phổ thông như nhiều ngôi nhà khác nhưng ngôi nhà của anh Tưởng vẫn nổi bật và gây ấn tượng mạnh mẽ bởi phần mặt tiền khác biệt. Được biết, ngôi nhà được anh Trần Văn Tưởng cùng bố xây dựng vào năm 2011.
Ngôi nhà xanh dương của anh Tưởng nổi bật ở quốc lộ 39A.
Anh Trần Tưởng trao đổi với phóng viên.
"Năm 2011, tôi quyết định đập hết đi để xây dựng ngôi nhà này"
Anh Trần Văn Tưởng chia sẻ, ngôi nhà được xây dựng trong vòng 1 năm và được anh lên ý tưởng từ rất nhiều năm trước, khi anh còn đang đi học và làm việc ở nước ngoài.
“Tôi đi nước ngoài năm 2004 và đến năm 2009 về nước. Trong suốt thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài, nhờ được tiếp cận với nhiều nền văn hóa cũng như kiến trúc ở các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc,… mà tôi đã có nhiều ý tưởng cho việc xây dựng ngôi nhà tương lai của mình khi về nước.
Hồi đầu về nước tôi chỉ có 1 triệu trong túi, phải đi vay mượn để xây dựng cái lán nhỏ. Về sau, khi có điều kiện tôi sửa sang dần và năm 2011, tôi quyết định đập hết đi để xây dựng ngôi nhà này. Chi phí xây dựng ngôi nhà này lên tới vài tỷ và tôi phải nghiên cứu kỹ để có thể tạo được sự độc đáo thể hiện đúng phong cách của mình. Đến giờ sau 6 năm xây dựng, ngôi nhà vẫn được tôi thay đổi, tu sửa lại mỗi năm. Có lẽ về sau, ngôi nhà chưa chắc được bài trí như hiện nay.”, anh Tưởng chia sẻ.
Anh Tưởng xây dựng ngôi nhà này vào năm 2011 và hoàn thành trong năm đó.
Là người làm mỹ thuật phong thủy nên từng kiến trúc, từng nét vẽ trên tường hay từng vật dụng trong nhà đều được anh chăm chút kỹ lưỡng và tính toán cẩn thận. Chính bởi vậy, mỗi năm anh đều chỉnh sửa và sắp đặt phong thủy lại cho ngôi nhà của mình.
"Sau mỗi năm tôi lại chỉnh sửa theo sự sắp đặt phong thủy của mình để hoàn thiện hơn theo từng chu kỳ, từng vòng xoáy âm dương của từng năm".
Chia sẻ về cơ duyên đến với mỹ thuật phong thủy, anh Tưởng kể, từ năm lớp 7 sau khi tiếp cận với Đạo Phật, anh đã đam mê nghiên cứu về vấn đề này. Nhìn thấy mọi thứ, anh luôn đặt câu hỏi tại sao và tìm cách giải đáp những thắc mắc của mình.
Anh cứ miệt mài tìm hiểu và nghiên cứu say mê, để rồi những điều đó “ngấm” vào người anh lúc nào chẳng hay biết. Và rồi anh “vỡ” ra một điều, mọi thứ trên thế giới này xuất hiện và tồn tại đều có nguyên do, không phải tự nhiên mà có.
Ngôi nhà nổi bật với thiết kế độc đáo ở mặt tiền.
Chia sẻ về ngôi nhà đặc biệt có phần “kỳ quái” của mình, anh Tưởng cho biết, ngôi nhà của anh thuần Việt có pha chút chất Trung Hoa trong đó. Tuy nhiên, hoa văn họa tiết Việt Nam được thiết kế 100%, lấy ý tưởng từ kiến trúc cung đình hòa quyện với phong cách phong thủy Phật pháp. Trong ngôi nhà, anh bài trí rất nhiều bức tượng và đồ vật được chạm trổ công phu.
Cổng nhà anh được ghi dòng chữ vô cùng ý nghĩa: "Địa thiên thái" với 2 câu đối ở 2 bên “Môn nghinh xuân hạ thu đông phúc” (Mở cửa đón tứ quý bốn mùa xuân hạ thu đông đều có phúc) và “Hộ nạp đông tây nam bắc tài” (Nghinh đón người tài của 4 phương trời đông tây nam bắc đến nhà chơi).
“Điểm nhấn của ngôi nhà được tôi chú trọng nhất khi xây dựng đó là cửa. Vì muốn cổng nhà có sự đặc biệt nên tôi đã đặt tượng trâu mặc áo giáp bằng đồng trên cổng nhà. Đây là thần kim ngưu đang nhìn về hướng Tây Nam rất tốt cho tôi bởi tôi tuổi Sửu.
Hơn nữa, cổng nhà tôi càng trở nên đặc biệt hơn khi ở bên có 2 ngôi chùa, trên là Phật nhìn vào và có Đức Quốc tổ Hùng Vương dang tay che chở cho các con”, anh Tưởng cho biết.
Có thể nói, dù nhiều người cho rằng ngôi nhà của anh Tưởng là “kỳ dị” nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã mang đến một không gian mới, một phong cách mới, độc đáo mà không phải ai cũng có thể tạo dựng được.
Theo anh Tưởng, cổng, hệ thống phòng khách, vườn chơi, hồ chơi là điều anh chú trọng và hay thay đổi.
Các tác phẩm của anh Tưởng đặt ở các triển lãm đều có dấu ấn riêng, khiến nhiều người nhận ra mảnh đất Hưng Yên ở đó.
Anh Tưởng cho biết, anh dự định mai sau sẽ biến ngôi nhà của mình thành bảo tàng tư nhân.
Tác phẩm Sắc mơ của anh Tưởng được treo ở phòng khách. Tác phẩm này được anh vẽ trong một cuộc thi của Hàn Quốc về chủ đề “Những họa sĩ nhìn về đất nước tôi”. Bức tranh của anh Tưởng truyền tải thông điệp: "Hàn Quốc là giấc mơ của anh, Hàn Quốc bay vào những đám mây trong giấc mơ của anh".
Tác phẩm "Sự kìm hãm" của anh Tưởng.
Không chỉ phía bên ngoài mà cả bên trong ngôi nhà cũng được trang trí bằng hàng chục bức tượng và các đồ vật được chạm trổ một cách công phu. 2 con nghê ở cổng biểu tượng cho tĩnh động âm dương.
Anh Tưởng có rất nhiều tác phẩm mang đi tham gia các triển lãm Mỹ thuật trong nước và quốc tế.
Mỗi tác phẩm của anh đều có một câu chuyện riêng gắn với văn hóa, lịch sử, tâm linh và cả chính trị.
Anh Tưởng cho biết, tác phẩm của anh đều có những nét riêng. Nhiều năm qua dù đào tạo hàng trăm học sinh thành đạt nhưng anh Tưởng vẫn khẳng định được vị trí bằng chất riêng của mình.
Anh Tưởng cho biết anh chỉ là chuyên gia mỹ thuật phong thủy, chưa dám nhận mình là thầy phong thủy.