Làm việc nhà thì chẳng có gì là sai, nhưng nếu các chị em làm 3 công việc nhà này thường xuyên sẽ khiến phổi bị ảnh hưởng nặng, dễ mắc các bệnh về phổi, viêm phổi… thậm chí là ung thư.
Có những người coi việc dọn nhà như một “thú vui”, là cách để giải tỏa stress hiệu quả, tuy nhiên, đối với đa phần các chị em thì làm việc nhà dường như là “kẻ thù truyền kiếp”, đặc biệt là sau những giờ làm việc căng thẳng mệt mỏi.
Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Bergen (Na Uy), việc thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn, các sản phẩm làm sạch hay chất tẩy rửa,… khi làm việc nhà là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi đối với chị em phụ nữ.
Tiếp xúc với bụi bẩn hay hóa chất thường xuyên khi dọn dẹp nhà cửa sẽ khiến chị em dễ mắc các bệnh về phổi.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều các sản phẩm vệ sinh nhà cửa được giới thiệu là thân thiện với môi trường ra đời, nhưng vấn đề đặt ra là liệu những sản phẩm này có thể thay thế được thói quen dọn nhà theo kiểu truyền thống với các dụng cụ truyền thống và chất tẩy rửa độc hại? Kèm theo đó là những thiệt hại về sức khỏe mà chúng gây ra?
Dưới đây là 3 công việc chị em thường xuyên làm trong quá trình vệ sinh nhà cửa nhưng nếu không thay đổi cách thức ngay, sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến phổi, nguy hiểm đến sức khỏe.
1. Quét nhà bằng chổi truyền thống
Việc quét dọn nhà cửa tưởng chừng như là một công việc vô hại, nhưng bạn đã lầm! Hãy tưởng tượng mỗi lần bạn dùng chổi quét nhà, bụi bẩn và vi khuẩn bay lên không trung, sau đó mỗi lần hít thở, bạn đã vô tình để chúng “chui vào” cơ thể.
Bạn nên sử dụng chổi quét kết hợp lau thay vì chổi truyền thống để tránh bụi bẩn.
Nếu làm việc này thường xuyên, đồng nghĩa với việc bạn hít phải quá nhiều bụi bẩn, theo các nghiên cứu khoa học thì việc này là nguyên nhân chính gây nên bệnh hen suyễn và các vấn đề về hô hấp. Đặc biệt, khi bạn quét nhà mà không đeo khẩu trang, vấn đề càng trở nên nghiêm trọng.
Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này, là thay vì sử dụng chổi quét truyền thống, hãy đổi sang loại chổi quét kết hợp lau (được gọi là Swiffer). Chúng không khiến bụi bẩn bay tứ tung như khi bạn quét nhà bằng chổi thông thường, mà sẽ miết chặt xuống sàn nhà rồi lau, thấm sạch bụi bẩn.
Chị em có thể tìm hiểu kĩ hơn về kiểu chổi quét kết hợp lau này tại đây.
2. Dùng bình xịt hóa chất vệ sinh các thiết bị
Sử dụng các loại chất tẩy rửa có thể khiến cho các đồ dùng trong nhà bạn nhanh chóng sạch sẽ và sáng bóng, nhưng chúng sẽ gây tổn hại không ít cho cơ thể bạn và các thành viên trong gia đình sau thời gian dài. Mùi của các loại chất tẩy rửa rất nguy hiểm, chúng được xịt ra rồi giải phóng ra không khí, bạn, người thân và vật nuôi trong nhà sẽ là những người đầu tiên hít phải.
Chị em hoàn toàn có thể tự chế các dung dịch vệ sinh nhà cửa từ nguyên liệu tự nhiên thay vì sử dụng hóa chất độc hại.
Theo thống kê, tác hại của việc hít phải các sản phẩm làm sạch độc hại tương đương với việc hút 20 điếu thuốc mỗi ngày trong một năm, đủ để thấy chúng có hại tới sức khỏe đến mức nào.
Thay vì sử dụng các hóa chất độc hại, hãy thay thế bằng các nguyên vật liệu làm sạch tự nhiên có sẵn trong nhà như chanh, giấm,… Axit trong chanh, giấm có tác dụng làm sạch và kháng khuẩn, sát trùng rất tốt, thậm chí hương chanh còn tạo ra bầu không khí tươi mát cả ngày cho ngôi nhà của bạn. Bạn có thể pha loãng nước cốt chanh hoặc giấm với một ít nước để không gây ảnh hưởng đến chất lượng những đồ vật trong nhà.
Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm các cách tự chế dung dịch tẩy rửa như tự chế nước rửa bát, nước lau kính, nước lau nhà bếp,... từ những nguyên liệu tự nhiên an toàn cho sức khỏe.
3. Đốt gỗ hoặc than để nấu ăn
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2030, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là nguyên nhân thứ ba gây ra số lượng tử vong lớn trên toàn thế giới. Các nhà khoa học dự đoán rằng một trong những nguyên nhân xuất phát từ ô nhiễm do sử dụng nhiên liệu sinh học để nấu ăn và sưởi ấm.
Đốt than, gỗ để nấu ăn hay sưởi ấm là vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe bạn và người thân, gây ra các bệnh như tắc nghẽn phổi mãn tính.
Các phương pháp sưởi ấm bằng cách đốt nhiên liệu rắn như gỗ và than đá vô cùng nguy hiểm, khiến không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là trong không gian sống nhỏ và bí bách. Bạn có thể sử dụng các loại bếp nấu sử dụng than hoặc gỗ ngoài trời, hoặc tốt nhất là thay hoàn toàn bằng bếp ga, bếp từ hoặc bếp điện. Điều này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các vấn đề hô hấp khác.