Cây lưỡi mèo nhỏ nhắn, có sức sống tốt, là một loại cây trang trí được nhiều người ưa chuộng. Không những đẹp, đây còn là một cây phong thủy giúp mang lại nhiều may mắn và như bùa hộ mệnh sống cho những người sở hữu loại cây này.
Lưỡi mèo cùng họ với cây lưỡi hổ, lưỡi cọp nhưng thấp nhỏ hơn, nên nó còn được gọi là cây lưỡi cọp lùn. Loại cây này được khám phá lần đầu tiên tại miền Nam Hoa Kỳ, có khả năng thích nghi tốt với nhiều môi trường sống khác nhau, vừa sống thủy sinh, vừa có thể trồng trong đất; vừa trồng trong nhà và cũng có thể trồng ở ngoài trời được.
Hiện nay, cây phổ biến gần như khắp mọi nơi, được dùng vào mục đích làm cảnh là chủ yếu.
1. Đặc điểm của cây lưỡi mèo
Lưỡi mèo là một loại cây mọng nước, sống lâu năm. Cây gần như không có thân mà chỉ có lá và tốc độ sinh trưởng thì khá chậm. Cây thường chỉ cao khoảng từ 10 – 30 cm mà thôi.
Lá cây thon dài, có hình dạng như một thanh kiếm, trơn bóng và có các đường vằn chạy song song cắt ngang bề mặt lá. Các lá mọc xếp, cuộn vào nhau dạng ống. Những chồi lá non sẽ mọc ra từ bên trong, dần dần to và bung ra.
Hoa lưỡi mèo màu trắng, mọc thành từng chùm. Hoa thường nở vào mùa hè và mùa thu, có mùi hương thơm tỏa ngát. Cây hiếm khi ra hoa, đặc biệt nếu được trồng làm cảnh thì gần như không thể thấy được hoa của loài cây này.
Trong thành phần của lá lưỡi mèo có chứa một lượng ít saponin, nếu cho mèo ăn phải sẽ bị rối loạn tiêu hóa.
2. Ý nghĩa của lưỡi mèo
Ngoài để làm đẹp, trong phong thủy lưỡi mèo còn có ý nghĩa mang lại may mắn, bảo vệ gia chủ khỏi những điều không tốt, khỏi tai ương, trừ tà khí, ma quỷ. Chính vì thế mà người ta thường đặt một chậu cây ở bàn làm việc, góc học tập hay trong phòng khách, phòng ngủ.
Ở Nhật Bản và Trung Quốc, người ta xem cây lưỡi mèo như một loại bùa hộ thân dành cho mọi lứa tuổi.
3. Cách trồng và chăm sóc lưỡi mèo
Ánh sáng
Lưỡi mèo là cây vừa ưa sáng vừa chịu nửa râm. Trong điều kiện môi trường nhiều ánh sáng mặt trời, cây phát triển mạnh, cây sẽ phát triển chậm mà kém đẹp hơn nếu không được cung cấp đủ ánh sáng.
Trong điều kiện ánh sáng tương đối kém nhất là vào mùa đông thì cần tăng cường cung cấp ánh sáng cho cây. Vào mùa hè, ánh sáng nhiều và mạnh, nên để cây ở nơi có bóng râm để hoa lá cây có màu tươi hơn.
Nhiệt độ
Trong điều kiện nhiệt độ ẩm, thời tiết lạnh, lưỡi mèo vẫn có thể sinh trưởng tốt, cây có thể chịu được nhiệt độ xuống đến 7 độ C. Vào mùa đông, có thể đặt cây ở cạnh cửa sổ để hấp thu ánh sáng, nhưng nếu quá giá lạnh thì nên chuyển cây vào giữa phòng để bảo vệ cây.
Nước
Cây lưỡi mèo ưa khô, có khả năng chịu hạn tốt nên không cần phải tưới nhiều nước cho cây. Nhưng trong quá trình cây phát triển thì cần cung cấp đủ nước để cây có điều kiện sinh trưởng tốt còn vào mùa đông nên hạn chế bớt bởi nếu tưới nhiều nước, gây hiện tượng úng và làm thối rễ cây.
Đất
Những loại đất cát ẩm có tính thoát nước tốt, tơi xốp sẽ là sự lựa chọn tối ưu cho lưỡi mèo bởi cây sẽ cần một môi trường thông thoáng, khô ráo hơn là ngậm nước nhiều. Đồng thời, việc thường xuyên thay chậu trong thời gian nuôi cây cũng không được khuyến khích bởi nó có thể làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cây.
Phân bón
Một điều đặc biệt là đất cằn cỗi, không màu mỡ, ít dinh dưỡng thì lưỡi mèo vẫn có thể phát triển bình thường nên vấn đề bón phân không được xem trọng lắm. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là sẽ bỏ qua, cũng cần cung cấp đủ dưỡng chất cho cây. Những lúc đó, cần tránh phun phân lỏng thường xuyên, vì có thể cây sẽ phát sinh một số bệnh do phân bón.
Nhân giống
Khi trồng cây lưỡi mèo trong chậu, cây có thể mọc thêm các chồi non mới và người trồng có thể dùng chính chồi này để nhân giống. Phương pháp này thường được áp dụng thực hiện khi tiến hành thay chậu cho cây.
Người ta sẽ tách những chồi non ra khỏi gốc thân cây mẹ và đem trồng ở trong một chỗ khác. Đặt chậu trồng mới này ở chỗ nửa râm, quan tâm chăm sóc đúng cách, tưới đủ nước thì cây có thể sống được.
4. Những lưu ý khi trồng lưỡi mèo
- Cây có thể trồng trong đất hoặc trong dung dịch thủy sinh.
- Cây mới trồng chỉ nên tưới phun sương hoặc tưới lúc đất thật khô. Khi tưới nước cho cây chỉ nên tưới đều lên thân và gốc cây, rồi cho cây ra ngoài tiếp xúc với ánh sáng trong 15 – 30 phút.
- Khi trồng, cần giữ đất trồng lưỡi mèo khô ráo, thoát nước tốt.
- Nếu đặt cây trong nhà, nên tránh đặt trực tiếp bên dưới máy điều hòa hoặc nơi có ánh nắng gắt, như vậy sẽ khiến cây bị khô héo nhanh cho thiếu nước.
- Tốt nhất nên có chế độ chăm sóc định kỳ cho lưỡi mèo để đảm bảo sự phát triển bình thường của cây.
5. Bí quyết dùng cây lưỡi mèo đem lại may mắn
Như đã nói trên đây, cây giúp mang lại may mắn và bảo vệ gia chủ khỏi những điều không tốt, vậy muốn phát huy được hết công năng của loài cây này thì cần phải chú ý về vị trí, hướng đặt của cây.
Cây thường được đặt ở bàn làm việc, bàn học, phòng ngủ, văn phòng. Song theo các chuyên gia phong thủy, dù đặt ở đâu thì nên chú ý hướng đặt cây. Tốt nhất là nên đặt ở hướng Đông hoặc Đông Nam.
Và dù là ai thì lưỡi mèo đều mang lại ý nghĩa tốt, nhưng có lẽ tốt nhất thì vẫn là với người tuổi Hợi. Những đặc điểm của cây sẽ giúp người tuổi Hợi ngày càng phát huy tốt những những điểm mạnh của mình, hạn chế tối đa những điểm còn hạn chế để người này thành công hơn.