Hoa đỗ quyên có nhiều màu sắc sặc sỡ, được nhiều người ưa chuộng để trồng làm cây cảnh trong nhà mỗi dịp lễ đặc biệt. Vậy bạn có biết ý nghĩa của hoa đỗ quyên, cách trồng và chăm sóc ra sao?
Hoa đỗ quyên hay còn được biết dưới cái tên là hoa sơn trà, mãn sơn hồng,... có tên khoa học là Rhododendron. Đây là một trong những loài hoa phổ biến nhất và được ưa chuộng trên toàn thế giới. Ngoài ra hoa đỗ quyên còn là quốc hoa của đất nước Nepal.
Cây đỗ quyên loại nhỏ để trồng trong chậu thường có chiều cao trung bình khoảng 30-100cm, còn những loại cây siêu lớn có thể cao đến hàng chục mét.
Hình ảnh hoa đỗ quyên
Hoa của cây nở thành chùm từng bông với đủ các loại màu sắc khác nhau như đỏ, tím, trắng,... Cây đỗ quyên có sự phân bố rất rộng ở hầu khắp tất cả các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, ở SaPa, Đà Lạt, Tam Đảo và Huế là những nơi mà hoa đỗ quyên mọc tự nhiên và xuất hiện nhiều nhất. Người ta thường trồng chậu hoa để chơi ngày lễ tết hoặc vào một số dịp đặc biệt.
Ý nghĩa hoa đỗ quyên
Hạnh phúc tròn đầy cũng chính là thông điệp mà đỗ quyên gửi đến cho những đôi tình nhân, những cặp vợ chồng.
- Hoa đỗ quyên là biểu tượng của tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng chung thủy, son sắt. Ở Trung Quốc đỗ quyên là biểu tượng cho sự ôn hòa, dịu dàng và nữ tính.
- Loài hoa này là biểu tượng của vận khí may mắn. Cây hoa đỗ quyên chính là loại cây tốt nhất dùng để trang trí và xua tan những luồng khí độc hại đem đến luồng sinh khí mới và hồng vận cho gia chủ.
Hình ảnh hoa đỗ quyên vàng
Cách trồng hoa đỗ quyên theo từng bước
1. Chọn lựa giống hoa
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều giống hoa đỗ quyên khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất là giống hoa của Bỉ bởi giống này cho cây nhỏ nhưng có nhiều hoa to, lâu bị phai màu. Thường thì người hay nhân giống và trồng cây đỗ quyên bằng phương pháp gieo hạt giống, chiết hoặc giâm cành. Tuy nhiên với phương pháp giâm hoặc chiết cành sẽ cho thời gian cây phát triển nhanh hơn.
Thời điểm để gieo hạt giống trồng cây là vào đầu xuân, còn chiết cành sẽ vào tháng 4-5, giâm cành sẽ vào giai đoạn từ tháng 5-10.
2. Chọn lựa đất trồng
Nên lựa chọn loại đất trồng hoa đỗ quyên có đầy đủ các yếu tố như sau: Đất có độ tơi xốp giúp thông thoáng và thoát nước tốt; đất trồng có nhiều mùn và đủ dinh dưỡng; độ pH của đất nên trong khoảng từ 4-5.
Cách pha đất để trồng cây đỗ quyên:
- Cách 1: Lấy khoảng 2 phần đất mặt trên núi phong hóa trộn cùng với 1 phần phân động vật ăn cỏ đã qua xử lý và 1 phần lá rụng, trộn đều và tiến hành ủ trong 1 năm.
- Cách 2: Lấy 3 phần đất mặt trên núi phong hóa với 3 phần lá rụng, 3 phần phân động vật ăn cỏ đã qua xử lý và 1 phần nước tiểu, trộn đều và phân thành từng lớp rồi ủ trong 1 đến 2 năm.
3. Cách chọn chậu và trồng cây
Cây đỗ quyên là loài cây mọc cạn, do đó bạn nên chọn các loại chậu nông thay vì chọn chậu cao khi trồng cây. Đồng thời nên sử dụng loại chậu có lỗ dưới đáy sau đó sử dụng một lớp nilon để lót phía dưới đáy chậu cây. Kế đến bạn xếp đá sỏi và gạch vụn lên trên sao cho độ dày khoảng từ 2-3cm. Tiến hành đổ đất vào trong chậu sao cho chỉ chiếm tối đa từ ½ đến ⅔ chậu. Nhớ để cho bộ rễ được phát triển tự do rồi rải thêm một lớp đất mỏng, sau đó dùng tay nén nhẹ.
Trồng hoa đỗ quyên ở trong chậu
Cách chăm sóc hoa đỗ quyên giúp hoa nở đẹp
1. Thay chậu
Nên thay chậu cho cây đỗ quyên trong những trường hợp sau:
- Trồng cây vào trong chậu thay cho việc trồng cây ngoài các luống đất.
- Cây non đã phát triển bộ rễ quá lớn vượt quá giới hạn của chậu, dưới đáy chậu phát hiện rễ đã đâm ra ngoài.
- Sau khi trồng cây được 2-3 năm, các thành phần dinh dưỡng trong đất đã suy giảm, không còn phù hợp để trồng cây.
Nên lựa chọn những loại chậu có kích thước to hơn chậu cũ và phù hợp với quá trình phát triển của đỗ quyên. Trước khi bỏ cây vào chậu mới, cần loại bỏ rễ xấu, rễ mọc quá dài và đất cũ đã trồng trước đây. Sau khi thay chậu xong cần tưới đẫm cho cây để đảm bảo độ ẩm của đất.
2. Tưới nước
Nên sử dụng nước tự nhiên để tưới cho hoa đỗ quyên, kế đến là nước từ sông hồ rồi đến nước máy trong sinh hoạt. Ngoài ra để giúp đảm bảo độ chua của đất, bạn nên pha loãng và trộn thêm dung dịch sắt sulfat 1% vào nước hoặc cho thêm giấm ăn 10%. Bạn nên sử dụng nước tự nhiên và nước pha loãng phân để tưới thay phiên cho cây.
Tùy theo điều kiện thời tiết khác nhau mà cách tưới nước sẽ khác nhau. Nên tưới cây vào thời điểm buổi sáng hoặc cuối chiều, đó là lúc nhiệt độ mát mẻ. Trong giai đoạn hoa đỗ quyên phát triển, bạn cần tưới nước nhiều hơn. Kể cả lúc thời tiết nóng hoặc hanh khô cũng cần phải tưới đẫm để đảm bảo độ ẩm cho đất và cho cây.
3. Bón phân
Thường thì người ta chỉ bón phân cho cây đỗ quyên từ 2 năm tuổi trở lên. Thời gian thích hợp nhất để bón phân đó là cuối mùa xuân cho đến đầu mùa hè. Sau khoảng từ 15-20 ngày bạn có thể sử dụng phân NPK hòa tan để tưới xung quanh gốc cây. Bên cạnh đó, bạn có thể bón thêm các loại phân khác nữa như: phân chuồng, phân trùn quế,...
Không nên bón phân nhiều vào mùa hè bởi rất dễ gây ra tình trạng vàng lá cho cây. Vào mùa đông bạn cũng nên dừng việc bón phân lại, thay vào đó cần xới xáo đất giúp giữ vững độ thông thoáng và tơi xốp để thoát nước tốt hơn.
4. Cắt tỉa
Thường xuyên theo dõi và cắt tỉa các cành lá bị yếu, khô héo hoặc bị mắc bệnh để đảm bảo cho quá trình sinh trưởng của hoa đỗ quyên. Vào thời điểm cây phát triển mạnh, hãy ngắt bớt ngọn, tạo hình, uốn nắn cành cây để có được một chậu hoa đẹp.
5. Kỹ thuật giúp mau nở hoa
Chăm sóc thường xuyên nhằm giúp cho các cành mới mọc nhanh. Cho đến thời điểm cây kết thúc phân hóa chồi hoa thì bạn nên tưới ít nước lại, đưa cây vào chỗ râm mát tránh ánh nắng trực tiếp, giữ cho độ ẩm của đất ở mức vừa phải.
Chăm sóc hoa đỗ quyên tốt sẽ giúp hoa nở đẹp và rực rỡ
Hoa đỗ quyên có độc không?
Theo như nghiên cứu khoa học cho thấy cây đỗ quyên có khả năng hấp thụ các chất độc hại như: oxit nitric, lưu huỳnh, nito dioxit và một số chất độc hại khác giúp mang lại nguồn không khí trong lành cho ngôi nhà của bạn. Do đó mà bản thân cây đỗ quyên sẽ bị tích tụ nhiều độc tố theo thời gian. Nếu như thú nuôi trong nhà hay trẻ em ăn phải hoa hoặc lá đỗ quyên dù là một lượng rất nhỏ cũng có thể lâm vào tình trạng bị ngộ độc với các dấu hiệu như: buồn nôn, khó thở, chóng mặt, nhức đầu,...
Vì vậy nhiều chuyên gia thực vật và cây trồng đã khuyên rằng, nên trồng cây đỗ quyên ở xung quanh nhà thay vì trồng trong phòng để giảm bớt nguy cơ trúng độc từ cây gây nên.