Cây đinh lăng là loại dược liệu quý giá từ thiên nhiên với nhiều công dụng đối với sức khỏe. Vậy cách trồng cây đinh lăng và kỹ thuật chăm sóc loại cây này thế nào, hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Cây đinh lăng là loại thực vật quý giá có tên khoa học là Polyscias Fruticosa, thuộc vào họ ngũ gia bì. Đây là loài cây rất dễ trồng và phát triển, được nhiều gia đình ở nước ta trồng xung quanh nhà, chùa chiền, bệnh viện,... để làm cảnh hoặc thu hoạch làm dược liệu chữa bệnh.
Cây đinh lăng là loài thân thảo, có chiều cao trung bình từ 1-2 mét, lá cây thường mọc so le và có răng cưa xung quanh. Hoa của đinh lăng thường có màu xanh nhạt hoặc xám trắng, hoa có thể phát triển tạo thành quả có màu trắng bạc đặc trưng.
Hình ảnh cây đinh lăng thông thường
Đinh lăng có họ với nhân sâm, cho nên nó thường được coi là “nhân sâm Việt” và có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Bên cạnh đó, đinh lăng cũng xuất hiện trong nhiều công thức nấu ăn nhằm tăng giá trị dinh dưỡng cho món ăn.
Cách trồng cây đinh lăng bằng cành đúng kỹ thuật
Cây đinh lăng cũng như nhiều loại cây khác, nếu biết cách nuôi trồng, chăm sóc sẽ giúp cây có thể sinh trưởng và phát triển đạt năng suất khi thu hoạch. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, do đó cách trồng cây đinh lăng cũng đòi hỏi đúng kỹ thuật, phương pháp.
1. Giống cây đinh lăng
Cây đinh lăng thường được chia làm hai loại chính là cây đinh lăng nếp và cây đinh lăng tẻ.
- Với đinh lăng tẻ: Có vỏ sần sùi, lá khá to và thẳng, cây cho rễ có củ kích thước rất nhỏ, do đó không hề có giá trị kinh tế và không được nuôi trồng rộng rãi.
- Với đinh lăng nếp: Có vỏ khá nhẵn, lá xoăn và nhỏ khác với lá đinh lăng tẻ. Ngược lại, cây cho bộ rễ có củ kích thước lớn, đem lại giá trị kinh tế cao và được nuôi trồng rộng rãi.
Do đó khi chọn giống cho cây đinh lăng, người ta thường chọn cây nếp để trồng và chăm sóc.
Lựa chọn giống cây đinh lăng để trồng là điều quan trọng trong kỹ thuật trồng
2. Thời vụ trồng cây
Cây đinh lăng là loại cây có khả năng thích ứng với môi trường tốt, sống bền bỉ và có thể chịu hạn trong một thời gian dài. Do đó loài cây này thường mọc quanh năm và người trồng cây có thể lựa chọn bất kỳ thời điểm nào để trồng cũng được mà không lo ảnh hưởng đến năng suất.
Tuy nhiên để hạn chế công sức và tiết kiệm thời gian, thu được thành quả tốt thì nên trồng cây đinh lăng vào mùa mưa. Đặc biệt trồng vào thời điểm tháng 5 trở đi để cây có thể tiếp nhận nước và dinh dưỡng tốt hơn. Do đó, bạn cần ươm mầm cây giống từ trước đó khoảng 4-5 tháng để khi trồng cây có thể phát triển rễ khỏe hơn.
3. Chuẩn bị đất trồng
Cây đinh lăng có thể mọc ở nhiều điều kiện đất trồng khác nhau, do đó không hề kén chọn đất trồng. Bạn nên chọn loại đất có độ tơi xốp và thông thoáng tốt để giúp thoát nước tốt cho cây. Đối với khu vực các tỉnh miền núi khi trồng cây hoàn toàn có thể trồng trực tiếp xuống đất mà. Tuy nhiên tại khu vực đồng bằng yêu cầu phải làm luống trước khi trồng, bởi đồng bằng thường trũng và dễ bị ngập nước khi mùa mưa đến khiến úng rễ và chết cây.
4. Kỹ thuật trồng cây
Ban đầu, cây đinh lăng được trồng trong các bầu đất bằng phương pháp giâm cành. Đất trong bầu cần phải được loại bỏ hết các tạp chất và được ủ cùng với phân chuồng và phân lân trong vài tuần trước khi trồng nhằm tăng giá trị dinh dưỡng của bầu đất.
Vỏ của bầu đất được làm bằng túi nilon có chọc thủng phần góc và cạnh. Chọn kích cỡ bầu đất phụ thuộc vào thời gian cây non ở trong và kích thước của cành giâm. Thông thường người ta lựa chọn 2 loại kích cỡ bầu đất gồm 9x10cm hoặc 16x18cm. Kế đến, bạn tiến hành cho đất vào khoảng hơn ¾ túi bầu rồi giâm cành vào để bắt đầu chăm sóc.
Nếu bạn trồng cây với số lượng nhiều để thu hoạch phục vụ cho việc kinh doanh, hãy thiết kế các luống đất để đặt bầu cây với chiều cao từ 30-50cm, sâu khoảng 15-20cm, khoảng cách giữa các hố cần đều nhau là 50cm. Cuối cùng, đặt bầu đất cây đinh lăng vào trong hố để trồng, thực hiện tưới tiêu thường xuyên để giúp cây phát triển.
Cây đinh lăng trồng trong các bầu đất trước khi trồng trên luống
Cách chăm sóc cây đinh lăng đem lại năng suất tốt
1. Nước tưới
Nên tưới nước thường xuyên trong 6 tháng đầu tiên kể từ khi bắt đầu trồng nhằm giúp cho cây có thể ra rễ to khỏe hơn và giúp bám đất tốt hơn. Tuy nhiên không được tưới quá nhiều nhằm tránh gây ra tình trạng úng ngập rễ và khiến chết cây. Tưới nước thường xuyên vào mùa hè và tưới bớt lại vào mùa mưa hoặc mùa đông.
2. Phân bón
Việc bón phân là cần thiết nhằm giúp cây sinh trưởng nhanh, ra rễ to khỏe giúp đạt năng suất cao. Lúc đầu khi trồng, bạn cần bón phân lót cho toàn bộ vườn cây đinh lăng, tuy nhiên sau đó cần có những đợt bón thúc cho cây để kích thích rễ phát triển:
- Bón thúc lần 1: Thực hiện khi cây bắt đầu ra lá, đâm chồi, bón với tỷ lệ 80kg ure/1 hecta hay 8kg/1 sào.
- Bón thúc lần 2: Tiếp sau lần bón thúc thứ 1 khoảng 6 tháng với tỷ lệ 20kg lân-supe + 8kg ure + 4kg kali trên 1 sào, chú ý bón phân cách gốc khoảng 20cm rồi đem đất để phủ kín lại.
- Bón thúc lần 3: Tiếp sau lần bón trước khoảng 1 năm với tỷ lệ 3 tạ phân chuồng ủ + 10kg phân NPK trên 1 sào đất. Các năm tiếp theo duy trì tỷ lệ như vậy cho đến lúc thu hoạch.
3. Chăm sóc, tỉa cây
Với những cây đinh lăng có tuổi đời từ 2 năm trở lên, bạn hãy tiến hành tỉa bớt cành lá mọc quá dài và thừa để giúp tiết kiệm dinh dưỡng cho cây phát triển tốt hơn. Mỗi một gốc cây bạn chỉ nên giữ lại từ 1-2 cành chắc khỏe và to để nuôi dưỡng bộ rễ giúp nuôi củ. Bạn cũng cần nên loại bỏ các loại cây dại, cỏ dại mọc xung quanh cây đinh lăng để tránh các loại bệnh phát triển.
4. Phòng ngừa sâu bệnh
Hãy để ý những loại sâu bệnh, rệp, côn trùng xuất hiện trong vườn của bạn gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây đinh lăng. Sử dụng các loại thuốc trừ sâu hoặc chế phẩm sinh học nhằm loại bỏ sâu bệnh.
5. Thu hoạch
Những cây đinh lăng được nuôi trồng có tuổi đời cây từ 3 năm trở lên có thể cho thu hoạch. Bạn nên lựa chọn thời điểm để thu hoạch là từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm để cây đạt chất lượng tốt nhất. Nhớ phân loại các cây khỏe mạnh để sau này lấy giống phát triển tiếp.
Rễ cây đinh lăng sau khi được thu hoạch