Mộ kết luôn được gắn với những câu chuyện kì bí trong dân gian.
“Tôi đã bảo rồi mà chúng nó không tin, bây giờ thì có họa to rồi”, ông Long, 67 tuổi, sống ở Thủy Nguyên, Hải Phòng luôn nói như vậy khi có ai hỏi đến chuyện mồ mả nhà bà Hoài, em dâu họ của ông. Chồng bà chết vì tai nạn vào đúng ngày Rằm, được chôn ở một vuông đất khá cao ráo.
Nhân chứng lên tiếng
Sau 3 năm rưỡi, bà đi xem ngày giờ để bốc mộ cho chồng, thì ông Long cản: “Không bốc được đâu thím ơi, mộ chú nó kết rồi, tôi để ý lâu rồi, thấy cái mộ ngày càng to ra, nở nang lắm, cỏ, mấy cây hoa trồng trên mộ và cả những cây xung quanh thì tươi tốt lạ thường. Thím cứ để vậy, con cháu sẽ học hành đỗ đạt, làm ăn phát tài, hoặc được làm quan. Chứ thím mà bốc lên là chết cả nút đấy”.
Bà Hoài nghe cũng sợ, nhưng bà không biết mộ chồng mình có kết thật không. Nếu không phải mà cứ để ông nằm mãi đó, không được cải táng thì tội ông quá, vong linh ông không mát mẻ thì con cháu làm sao yên ổn được. Nghĩ thế, bà bèn đi tìm thầy để xem, cả mấy ông thầy đều khẳng định chả kết kiếc gì hết, cứ thế mà bốc.
Đâu đó trong dân gian vẫn lưu truyền các câu chuyện về huyệt mộ kết phát giúp cả một dòng họ trở nên sang giàu. Trong ảnh là mộ vua Trần ở Thái Bình.
“Đúng là đầu óc đàn bà, nói phải không nghe, giờ thì suốt ngày khóc than bảo giá như em vâng lời bác”, ông Long phẫn nộ. “Hôm bốc mộ chú nó, đưa lên thi thể gần như còn nguyên. Mẹ con nhà nó sợ quá cho lấp lại như cũ, rồi cúng vái đủ kiểu, nhưng muộn mất rồi. Chỉ hơn một năm sau đã thấy ngay tác hại. Cả hai thằng con đều khôi ngô tuấn tú, học hành giỏi giang, đùng một cái một đứa nghiện game bỏ học bỏ thi, bị đuổi khỏi trường đại học; một thằng chơi cá độ bóng đá nợ hàng tỉ đồng, bị chúng nó vác dao tìm giết, phải trốn vào Nam không dám về. Còn mẹ chúng nó nay ốm mai đau, đúng là họa tự mình rước lấy”, ông Long kể.
Họ hàng, làng xóm đều xanh mắt, coi hoàn cảnh nhà bà Hoài như một bài học xương máu về chuyện không cẩn thận về mồ mả. Nhưng cũng có người nói, hai đứa con bà vốn thừa kế cái máu ham chơi và mê cờ bạc từ ông bố, ngay cả trước khi bốc mộ, trước sau gì chẳng dẫn đến kết cục như vậy. Mà con đã thế, mẹ không ốm đau mới lạ.
Thế nhưng, không chỉ nhà bà Hoài, mà người dân còn kể cho nhau vô số chuyện ly kỳ về mộ kết, khiến ngay cả những người vô thần cũng hoang mang, nửa tin nửa ngờ, không biết nên nghĩ gì. Anh Trần Văn Kiệt, 22 tuổi, nhà ở Vĩnh Phúc, nói: “Em vốn cũng không tin, nhưng giờ thì sợ lắm rồi. Cách đây mấy năm, nhà thằng bạn thân của em bốc mộ bà nội, em cũng đến động viên tinh thần. Thực ra mẹ nó đi xem bói thấy bảo mộ kết rồi không bốc được, nhưng ông bố không nghe, bảo đừng có mê tín dị đoan vớ vẩn.
Ai ngờ lúc mở quan tài ra thấy tơ trắng như bông quấn lấy cả người bà cụ, da thịt chưa hóa tí gì. Bố thằng bạn em bảo tại đất khô nên chậm hóa là bình thường, cứ cho thợ làm. Làm xong mấy tháng thì ông ấy đau nặng, đi khám thì là ung thư giai đoạn cuối, sống được thêm có nửa năm”.
Sau chuyện đó, anh Kiệt bắt đầu để ý đến chuyện mộ kết và nghe được khối chuyện rùng mình. Chẳng hạn một nhà ở quê anh bốc mộ cho ông cố, đào lên mới thấy mộ đã kết, chuẩn bị phát, rễ cây tơ hồng đâm vào rất nhiều. Chỉ trong vòng 5 năm sau, nhà ấy có liên tiếp 3 người chết. Còn nhà khác, vì nghe lời thầy, không bốc mộ, vì ngôi mộ ấy kết rất tốt. Đúng là như có phép lạ, đứa con gái xấu như ma chỉ trong vòng một năm lấy được chồng giàu, còn anh con trai thì được thăng lên tổng giám đốc.
Cả dân gian lẫn nhiều tài liệu phong thủy đều nói về mộ kết, chung quy là nếu mộ kết mà để yên như vậy thì mấy đời con cháu đều hưng thịnh, phúc lộc dồi dào, còn nếu cứ đào lên thì phúc biến thành họa, mà là đại họa, không lụn bại về kinh tế thì cũng thiệt về sức khỏe, mạng sống, hoặc bại hoại thanh danh, hay phải “đáo tụng đình”...
Dấu hiệu mộ kết được truyền lại là: Ngôi mộ và vùng đất đặt mộ ngày càng nổi cao lên hoặc nở to ra, đất xốp mịn (có quan điểm lại nói là đất rất cứng), trong quan tài có mạng nhện hay màng tơ (màu trắng hoặc đỏ) bao bọc, di hài còn nguyên vẹn, hoặc mộ bị mối đùn lên, kết thành một khối vững chắc... Tóm lại, gặp trường hợp này thì con cháu nên để nguyên rồi xây mộ kiên cố trùm lên chứ không được bốc.
Lý giải khoa học
Trao đổi với phóng viên về vấn đề mộ kết, Giáo sư Lê Chí Quế, chuyên gia đầu ngành về văn học dân gian chia sẻ: “Những câu chuyện kỳ bí liên quan đến mộ kết tôi đã được nghe nhiều nhưng chưa có dịp nghiên cứu sâu về vấn đề này. Tuy nhiên, việc những ngôi mộ sau một thời gian hoặc vừa chôn đất, cứ đùn lên ngày càng to khác thường có thể là do tính chất vật lý của đất. Có thể đất chỗ đó có sự giãn nở khác thường hoặc do giun, mối đùn đất cao lên. Và trong mỗi ngôi mộ kết ấy thường có dây tơ hồng quấn quanh người chết. Cái này xuất phát từ suy nghĩ bên ngoài đẹp, bên trong cũng sẽ đẹp như vậy. Còn xét về góc độ tín ngưỡng, hiện tượng mộ phát liên quan đến gốc tích phồn thực. Phồn là sự sinh sôi, phát triển, nở ra: Người sinh đẻ, cây cối sinh sôi... Từ hiện tượng tự nhiên, người ta gắn với tín ngưỡng cho rằng sự sinh sôi nảy nở này gắn với những ước mơ về sự giàu sang, no ấm trong cuộc đời mỗi con người và nó kéo dài mãi mãi từ đời này sang đời khác. Nhiều người cho rằng mộ kết thì phải giữ nguyên, không được cải táng thì sự tốt đẹp mới kéo dài mãi. Ngược lại, nếu cải táng mộ kết, sự tốt đẹp biến thành điềm xấu, hủy diệt cả dòng họ... Tất cả xuất phát từ gốc tích tín ngưỡng phồn thực”.
Những nhà giàu có, mua quan tài gỗ tốt, khâm liệm nhiều lớp, trong quan tài để nhiều chất chống ẩm, lại nhờ thầy địa lý chọn được huyệt đất trên gò hay núi cao, khô ráo, nên thi thể chậm phân huỷ hơn người bình thường. Họ đã giàu thì con cháu có điều kiện học hành, việc kiếm được quan chức hoặc ngày càng giàu thêm cũng phải lẽ, nhất là khi tâm lý thư thái, tự tin vì nghĩ mộ tổ tiên mình đã kết”.
Các tài liệu của thế kỷ trước khi nhắc đến mộ kết cũng có nhắc đến loại “đất dưỡng thi”, loại đất có khả năng giữ cho thi hài trải qua nhiều năm mà da thịt không hoại. Có lẽ những thành phần đặc biệt trong loại đất này khiến các loại vi khuẩn, cả hiếu khí lẫn yếm khí, đều không sống nổi, gây “kết phát” cho những ngôi mộ vô tình được táng vào đây.