Tỉa chân nhang, bao sái ban thờ là một trong những nghi thức quan trọng dịp cuối năm nhằm thanh lọc khí trường, chiêu thêm linh lực, thu hút hưng thịnh cho gia đạo - nhưng cần được thực hiện nghiêm chỉnh và đúng quy trình.
Tầm quan trọng của việc bao sái nơi thờ cúng
Bao sái (dọn dẹp) ban thờ là một trong những nghi thức quan trọng vào dịp cuối năm nhằm mục đích thanh lọc khí trường, chiêu thêm linh lực, đem lại hưng thịnh cho gia đạo. Ông bà ta xưa nay đã có quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", nên việc dọn dẹp, bao sái nơi thờ cúng, tỉa chân nhang cần phải thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy trình.
Chuẩn bị trước khi bao sái
Khi bao sái bát hương, gia chủ cần:
- Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết (như nước sạch, khăn sạch, rượu gừng, trầu cau, hoa tươi...).
- Cần tắm rửa sạch sẽ, trang phục gọn gàng. Chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên ban thờ thắp hương (như là báo cáo Thần linh và Gia tiên). Theo đó mỗi bát hương thắp 1 nén hương xin được tỉa chân nhang để đón Tết.
- Chờ hương cháy hết thì hạ các đồ thờ cúng từ ngoài vào trong, cẩn thận tránh đổ vỡ.
- Lau chùi dọn dẹp sạch sẽ mặt ban thờ bằng nước thơm (lấy nước thơm đổ vào chiếc khăn để lau lại lần cuối).
Cách tỉa chân hương
- Tỉa hết chân hương trong bát hương bỏ vào túi sạch, hoặc khay - khi hóa vàng mã thì hóa luôn.
- Mỗi bát hương (thờ Phật, Thánh Thần bớt lại 5 chân hương (tỉa hết chân nhang ra, rồi chọn 5 chân hương (có độ dài tương đương) để riêng.
Các bát hương khác thì bớt lại 3 chân hương có độ dài tương đương để riêng (chú ý đánh dấu chân hương của bát hương vào để sau này không cắm nhầm).
- Giũ sạch tro, lau bát hương bằng nước thơm Khai Vận (các phật tử thường vừa bao sái ban thờ vừa đọc chú tịnh hóa). Nếu bát hương vơi thì bổ sung thêm tro mới (tốt nhất là tro rơm nếp mới).
- Cắm các chân hương vào bát hương (cẩn thận chân hương bát nào cắm đúng bát đó, tuyệt đối tránh bị nhầm). Sau khi làm xong rắc lên trên một ít Gạo Vàng Thần tài (thường bán cùng hộp bột Trừ tà khai vận).
Lau các đồ thờ tự khác bằng nước sạch, rồi bao sái lại bằng nước ngũ vị, các loại nước thơm.
- Đối với đỉnh đồng lau sạch sẽ đúng quy trình xong thì đặt lên ban thờ, rồi đốt trầm xông khí (nụ trầm cũng thường được bán cùng bột trừ tà Khai Vận).
Theo thứ tự cẩn thận bày lại các đồ thờ cúng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài lên ban thờ.
Sau đó xông phòng thờ bằng bột trừ tà. Rồi thắp nén hương thỉnh Phật (nếu có thờ cúng), Thần linh, Gia tiên về chứng giám.
Lưu ý là trong quá trình bao sái cần giữ tâm thanh tịnh, thành kính. Việc thờ cúng cần nhất tấm lòng thành kính hướng tới Phật, Thần linh, Gia tiên.
Lau các đồ thờ cúng bằng nước sạch, rồi bao sái lại bằng nước thơm ngũ vị. Ảnh internet.
Ngày đẹp nhất để bao sái ban thờ đón Tết Giáp Thìn 2024
Thời điểm bao sái dịp cuối năm nếu có điều kiện thời gian nên lựa các ngày Thiên Xá, ngày có Trực Trừ, hoặc các ngày có Thiên Tinh tốt đáo tới để tiến hành.
Theo Chuyên gia phong thủy - Master Phùng Phương, có 4 ngày đẹp nhất để bao sái ban thờ đón Tết Giáp Thìn 2024, bạn có thể chọn 1 trong các ngày sau đây để thực hiện công việc:
- 30/01 DL (20 tháng Chạp);
- 02/02 DL (23 tháng Chạp);
- 06/02 DL (27 tháng Chạp);
- 08/02 DL (29 tháng Chạp);
Việc chọn ngày đẹp, có nhiều thiên tinh chiếu tới để tiến hành bao sái sẽ giúp thanh lọc khí trường tốt hơn, giúp ban thờ thêm vượng khí. Từ đó những mong cầu của quý vị cũng sẽ được kết nối mạnh mẽ hơn.
Một số chuyên gia phong thủy khác cũng cho ngày 23 tháng Chạp (2/2/2024 dương lịch) tuy là ngày tiễn Táo Quân chầu trời, nhưng lại là ngày Tư Mệnh Hoàng Đạo - được cho là ngày tốt nhất để tỉa chân nhang, bao sái ban thờ. Nếu không bao sái vào ngày 23 tháng Chạp thì có thể chọn một trong 3 ngày tốt còn lại trên.
Một số trường hợp không thể sắp xếp thời gian để tiến hành bao sái trong những ngày này thì có thể thực hiện vào các ngày khác, nhưng hãy chọn giờ đẹp trong ngày đó để tiến hành công việc được thuận lợi, như ý.
Ngoài chọn lựa ngày tốt, giờ đẹp để bao sái ban thờ thì quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành kính hướng tới Phật thánh, Thần linh, Gia tiên. Bởi việc tâm linh cốt là ở tấm lòng thành kính, nên chú ý tuân theo quy trình, tránh những sai phạm, đại kị trong quá trình bao sái ban thờ.
Văn khấn khi bao sái ban thờ Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần). - Con kính lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương. - Con kính lạy ngài đương niên Thái Tuế Chí Đức Tôn Thần. - Con kính lạy ngài bản cảnh Thành Hoàng chư Vị Đại Vương. - Con kính lạy ngài bản xứ Thần linh, bản gia Thổ Địa - Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân - Con kính lạy các bậc Tiên gia, các chư vị Tôn Thần cai quản trong đất này, xứ này. - Con kính lạy Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, cô dì tỷ muội, nội ngoại dâu rể, hội đồng Gia tiên họ ................. Cúi xin các ngài cùng Gia tiên chứng lễ hiển linh chứng giám lòng thành của con cháu. Hôm này, ngày ...... tháng ...... năm ...... (âm lịch) Tên con là:……….. sinh năm ..... Cùng các các thành viên gia đình: (Họ tên........ năm sinh .......), ngụ tại địa chỉ: ....... Hôm nay, nhằm ngày lành tháng tốt cuối năm mãn khí, gia đình chúng con xin phép các chư vị Tôn Thần cùng Hội đồng gia tiên họ ....... Xin phép cho chúng con rút tỉa chân nhang, bao sái ban thờ để đón Tết Nguyên đán ....... Chúng con xin phép chư vị Tôn Thần: Ngài Đương Niên Thái Tuế, ngài bản cảnh Thành Hoàng, ngài bản gia Táo Quân cùng các chư vị Tôn Thần chứng giám lòng thành. Cầu xin các ngài che chở cho gia đình chúng con bốn mùa hưng vượng, có quý nhân phù trợ, tài lộc vượng tiến, tai ách đều qua, tâm cầu sở đắc, sở nguyện tòng tâm. Chúng con xin phép Gia tiên tiền tổ, hương linh nội ngoại, đồng đẳng gia quyến họ ....... Cầu xin Gia tiên phù hộ cho gia trung thuận hòa, gia đạo hưng vượng, cảnh nhà yên vui, con cháu thông minh học giỏi, vợ chồng thương yêu bảo ban nhau, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cầu xin các ngài cùng Gia tiên hoan hỉ chứng lễ. Chúng con tâm thành cẩn cáo. |
* Bài viết chỉ có tính tham khảo, chiêm nghiệm.