Nhìn đẹp đẽ, mộc mạc là vậy, nhưng phải tốn bao công sức và nguyên vật liệu mới đan kết được một cái cổng lá dừa ấn tượng đến thế.
Cổng cưới đan kết bằng lá dừa có lẽ đã không còn xa lạ với anh chị em những năm 80, 90 ở vùng thôn quê xưa, đặc biệt là vùng miền Tây sông nước, nơi cây dừa gắn bó với người dân từ thuở lọt lòng.
Những đọt dừa được đan kết tỉ mỉ, rồng phượng hoành tráng...
Nhớ khi xưa, mỗi lần quanh xóm có đám cưới, là lũ trẻ lại háo hức theo chân thanh niên trai tráng đi hái hoa dừa, hoa cau, chặt chuối trang trí đám cưới. Những đọt dừa được đan kết tỉ mỉ, những bông hoa dừa rực rỡ không kém hoa hồng, hay con rồng hoa hoành tráng, cổng cưới như thế đâu có kém gì đám cưới chốn thành thị.
Những bông hoa, hình trái tim, tấm phên đẹp mắt trang trí cho đám cưới được đan hoàn toàn bằng tay từ lá dừa tươi.
Nhìn đẹp đẽ, mộc mạc là vậy, nhưng phải tốn bao công sức và nguyên vật liệu mới đan kết được một cái cổng ấn tượng đến thế. Lá dừa - vật liệu quan trọng nhất, phải chọn được lá đẹp, xanh, không nát quá và dài từ 1m7 trở lên thì mới có thể đan và tạo kiểu được. Rồi đến lá cây đủng đỉnh dùng để quấn thân cây, nếu nhà không có sẵn, có thể tìm mua hoặc xin những nhà xung quanh.
Tốn bao công sức và nguyên vật liệu mới đan kết được một cái cổng ấn tượng như thế này.
Có lá dừa, lá đủng đỉnh, còn phải chuẩn bị cả cây chuối lớn (tách lấy bẹ để bọc các cây trụ dựng cổng), đọt dừa để đan thành màn dừa rất đẹp, và cây gỗ để dựng cổng,... rất nhiều nguyên vật liệu mới có thể làm được một chiếc cổng cưới cầu kì như thế.
Hoa dừa đẹp đâu kém gì hoa hồng.
Ngày nay, những chiếc cổng lá dừa đã thưa dần và không còn được chuộng nhiều nữa. Người ta chuyển sang những rạp cho thuê, hoa giả, rèm màn, phông bạt hoành tráng,...nhanh gọn, tiện lợi hơn và dùng được nhiều lần. Thế nhưng, nếu có ai đã từng một lần tự tay đan cổng cưới lá dừa chân chất mộc mạc, hay chỉ là dừng xe lại và ngắm cổng cưới bên đường, sẽ chẳng bao giờ có thể quên.