Cẩn thận lấy từng sợi vải trong gấu áo, rồi lại đưa từng mũi kim nhẹ nhàng sang sợi vào chỗ áo bị rách, thao tác tuy nhẹ nhàng nhưng phải thật dứt khoát để không bị lệch đường.
Ngồi dưới khung cửa gỗ cũ kỹ là một người phụ nữ lớn tuổi, tay thoăn thoắt những đường kim, mũi chỉ. Bà chính là một trong số ít những người có tay nghề mạng sang sợi lâu năm nhất còn sót lại, hiện đang trực tiếp làm và kiếm tiền từ nghề. Bà tên Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1952, ngụ tại Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội).
Hơn 40 năm qua, bà Hồng ngày nào cũng ngồi bên khung cửa gỗ trước nhà để xe chỉ, luồn kim vá áo. Đây là nghề gia truyền của gia đình và bà Hồng được mẹ chồng truyền lại.
Chỉ là khâu vá nhưng không phải cứ khéo tay là làm được
Hơn 30 năm trước, tại Hà Nội, nghề vá áo thuê từng rất thịnh hành hay còn được gọi với cái tên mạng sang sợi. Mạng sang sợi không phải là vá quần áo rách như bình thường, mà dùng chính sợi len hoặc chỉ của chiếc quần áo rồi sang sợi vào những chỗ bị rách, hỏng. Tùy từng diện tích quần áo bị hỏng, người làm sẽ rút sợi cho hợp lý. Nếu không đủ sợi để rút thì sẽ dùng chỉ cùng màu. Khi sang sợi phải thật khéo để nối những chỗ hỏng với nhau theo đúng hoa văn, họa tiết, mũi len, đường chỉ.
Ngày ấy, ngõ Thanh Miến (Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội) chính là “thủ phủ” – nơi có những người có tay nghề giỏi nhất Hà thành làm công việc này. Tìm đến con ngõ này, ngay đầu ngõ là những biển hiệu sửa chữa quần áo, nhưng giờ đây, đa số chỉ làm bằng máy, với những công việc may đo quần áo, cắt gấu, sửa khóa. Lọt thỏm trong số đó là một ngôi nhà cũ kỹ, với chiếc biển hiệu nhỏ đã cũ mèm phía trên ghi dòng chữ “mạng sang sợi - nghề gia truyền”. Đó chính là ngôi nhà kiêm nơi làm việc suốt 40 năm qua của bà Nguyễn Thị Hồng.
Dù đã ngoài 70 và điều kiện kinh tế không quá khó khăn, nhưng bà vẫn ngồi bên khung cửa mỗi ngày để sang sợi, để cố giữ nghề gia truyền và đôi khi để “vá” lại những kỷ niệm cho đời.
Bản thân bà Hồng cũng không biết gia đình bắt đầu làm nghề này từ khi nào, chỉ biết rằng mẹ chồng bà là người gây dựng lên, bắt đầu làm từ trước khi giải phóng Thủ đô năm 1954. Mẹ chồng bà tên Diệp Huệ Tề, xưa là người khéo tay nổi tiếng ở Hà Nội. Có một thời gian bà Diệp Huệ Tề làm tại một tiệm sửa chữa quần áo của người Hoa. Với sự tỉ mỉ, tinh tế của mình, sau khi học thành thạo, mẹ chồng bà Hồng đã ra mở tiệm sửa chữa quần áo riêng.
“Mẹ tôi kể rằng, ngày xưa bà từng sửa quần áo cho nhiều ông Tây, bà đầm. Đó là những bộ quần áo âu phục sang trọng, vô cùng giá trị. Sau khi sửa xong, ai cũng tỏ vẻ hài lòng và từ đó của tiệm của bà càng được nhiều người biết đến”, bà Hồng nói.
Năm 1979, bà Hồng lấy chồng và về ở, sinh hoạt cùng với cụ Tề. Thời điểm mới về làm dâu, bà Hồng không biết khâu vá, không có kiến thức gì về mạng sang sợi. Vừa chân ướt, chân ráo về nhà chồng, việc đầu tiên bà phải học đó là may vá, sang sợi và sửa quần áo. Ban đầu bà Hồng vừa đi làm ở hợp tác xã, vừa học nghề từ mẹ chồng, sau đó một thời gian thì nghỉ hẳn, ở nhà cùng mẹ chồng làm nghề sửa quần áo.
“Ban đầu làm tôi ngượng nghịu lắm, bởi công việc này không đơn giản chỉ là khâu vá đơn thuần. Chỉ khéo tay thôi là chưa đủ, mà còn cần tư duy, xử lý từng tình huống. Thời gian đầu tôi làm chưa ổn, mẹ tôi sửa lại, cho đến khi tôi làm xong một sản phẩm, mẹ tôi nói: “Trả được cho khách rồi”. Khi đó tôi mới thở phào, biết mình đã học nghề thành công và có thể bắt đầu kiếm tiền từ công việc này”, bà Hồng kể.
Đồ nghề để làm công việc này rất đơn giản, tuy nhiên không phải ai cũng làm được.
Trước đây, mẹ chồng bà Hồng truyền nghề cho 3 người con, sau đó cả ba cùng theo nghề này và từng có thời điểm rất thịnh vượng. Xong rồi vì sức khỏe và nhiều lý do khác nên giờ chỉ còn mình bà là vẫn tiếp tục bám nghề.
Xưa chỉ có những người giàu có, đại gia mới mang quần áo đi sửa, sang sợi. Người nghèo không có tiền để làm nên chỉ vá vào rồi tiếp tục sử dụng. Còn ngày nay, ai cũng có điều kiện để sang sợi, nhưng do quần áo có quá nhiều nên chỉ những người biết đến nghề này mới mang đồ đến sửa.
“Mạng sang sợi không phải là khâu vá đơn thuần, mà phải lấy đúng sợi vải ở chiếc áo đó (thường lấy ở chỗ kín, hoặc trong gấu quần, áo) rồi sang sợi vào chỗ rách, hỏng. Làm như vậy vừa không bị lộ chỗ rách, vừa đúng chất vải, giá cả tùy thuộc vào điểm rách. Thông thường sẽ có giá khoảng 20.000 đồng/cm”, bà Hồng chia sẻ.
Nhiều lần trả lại tiền, vàng... khách bỏ quên trong túi quần áo
Đến nay bà Hồng đã làm nghề hơn 40 năm và bà sẽ tiếp tục cho đến khi nào sức khỏe không cho phép. Điều bà mừng nhất là hiện con dâu bà đã học được nghề từ bà, dù chưa mở cửa hàng vì đang làm công chức nhà nước rất bận rộn, nhưng đó cũng là niềm an ủi lớn nhất với người phụ nữ này.
Hơn 40 năm gắn bó với mũi kim, sợi chỉ, bà Hồng đã gặp nhiều tình huống bất ngờ và cả những câu chuyện cảm động. Đôi khi bà cũng gặp phải những chuyện khiến bà phiền lòng, nhưng rồi bà cũng cho qua vì bà tâm niệm làm nghề này cũng giống như là “làm dâu trăm họ”.
Bà Hồng kể, quá trình làm việc bà nhiều lần phát hiện trong túi quần áo có tiền, số lượng không phải ít trong thời điểm đó, hay thậm chí có lần còn thấy cả nhẫn vàng của khách để quên. Thế nhưng bà chẳng mảy may tơ hào đến tài sản không phải của mình, luôn thông báo để trả lại khách. “Khi tôi làm xong đồ trả lại họ, kèm theo đó là tiền, vàng họ rất bất ngờ. Thậm chí không hề biết mình quên tài sản trong đó. Tôi lấy thì họ cũng không biết được nhưng đó là lương tâm nghề nghiệp, mình không thể làm thế được”, bà Hồng tâm sự.
"Vá" những kỷ niệm vô giá
Rồi câu chuyện khiến bà nhớ và vô cùng cảm động, đó là một cụ bà hơn 80 tuổi đội mưa đến với tiệm sửa chữa của bà trong một ngày đông lạnh giá. Đồ vật bà mang đến là một chiếc áo len đã cũ mèm. Nhìn chiếc áo, bà Hồng khuyên khách không nên sửa vì tiền sửa nhiều hơn tiền mua, vì đó chỉ là chiếc áo bình thường chứ không đắt tiền.
Thế nhưng cụ bà ở phố Khâm Thiên năn nỉ sửa giúp, dù bao nhiêu tiền bà cũng đồng ý trả. Hỏi kỹ hóa ra đó là chiếc áo do người con trai mới mất vì ung thư tặng bà cách đây 20 năm. Khi dọn tủ bà phát hiện bị rách và đem sửa lại bằng mọi giá, vì đó là kỷ vật vô cùng ý nghĩa với bà.
“Sau khi sửa xong, tôi không thấy cụ đến lấy đúng hẹn, đợi vài ngày cũng không thấy nên gọi điện vào số bà đã để lại. Đầu dây bên kia cho biết, bà cụ đổ bệnh ốm liệt giường đang nằm trong bệnh viện. Biết tin, tôi mang chiếc áo đến tận giường trao cho cụ, cụ lúc đó môi chỉ mấp máy như muốn cảm ơn mà không nói thành lời”, bà Hồng kể lại.
Công việc “làm dâu trăm họ” được nhiều người quý mến, dành tình cảm nhưng cũng có người lại “lật mặt” rất nhanh. Ví dụ như một cô gái trẻ mang chiếc váy đắt tiền đến sửa, khi cả hai đã đồng ý phương án bà Hồng bắt tay vào sửa chữa. Sau hai ngày mới xong chiếc váy đó, nhưng khi nhận cô gái lại không đồng ý, nói là chưa đẹp dù nhìn kỹ cũng không biết là áo đã sửa. “Cô gái ấy sau đó ném tiền xuống khay đựng kim chỉ của tôi và cầm áo bỏ đi. Tôi chạy theo đưa tiền cho cô ấy và nói rằng mình làm ăn chân chính, không phải ăn xin. Coi như tôi làm tặng cô”, ánh mắt bà Hồng nhìn xa xăm hồi tưởng lại.
Trăm nghìn câu chuyện đã trải qua nhưng bà chưa khi nào cảm thấy hết yêu nghề, chỉ mong sao có nhiều bạn trẻ theo học những nghề thủ công có ích như may vá, thêu thùa, sang sợi… Không phải chỉ để kiếm tiền, mà để giữ lại bản sắc, văn hóa mà cha ông ta gìn giữ và truyền lại.