Kể từ khi sang nước ngoài cùng chồng, chị Huyền Trân và chị Thu Hà lại hòa nhập vào những phong tục tập quán ở đây, cả 2 chuẩn bị từ sớm để trang trí nhà cửa chào đón năm mới.
Tết Dương Lịch được coi là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm ở các nước phương Tây. Mặc dù sang Pháp sinh sống được 5 năm, không được đón không khí Tết ở Việt Nam nhưng chị Huyền Trân vẫn cảm nhận được hương vị Tết trong ngày đầu năm mới ở đây.
Con gái chị Huyền Trân.
Chị Huyền Trân cho biết, 5 năm nay cứ đến dịp cuối năm Noel và Tết Dương lịch, vợ chồng chị lại làm tiệc, trang trí ở nhà mẹ chồng. Cả nhà cùng nhau ăn uống, chúc tụng ngày đầu tiên của năm mới giống như ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Thông thường, chị cùng mẹ chồng trang trí, chuẩn bị cho lễ Noel và Tết Dương lịch trước 10 ngày. Chị và mẹ chồng cùng hỏi sở thích của các thành viên trong gia đình và sắm sửa những món quà để tặng mỗi dịp năm mới đến.
Những hộp quà được chuẩn bị sẵn cho các thành viên trong gia đình được đặt dưới cây thông.
Chị Huyền Trân kể, ngày xưa, khi chị còn bé, khi cha vẫn sống, mỗi mùa Giáng sinh, Tết Dương lịch đến chị lại được cha mua cho một cây thông giả được phủ trắng những lớp keo tuyết và những hộp quà giả để trang trí trong nhà.
Đặc biệt nhất, trong đó có một chiếc bánh kem hình khúc gỗ thông được làm từ chocolate rất đáng yêu. Năm này qua năm khác chị điều được đón Noel như vậy cùng với cha. Thế nhưng từ khi cha mất, do cuộc sống cần phải mưu sinh, ngày Noel hay Tết Dương chị cũng không mấy quan tâm.
Tuy nhiên, đến khi theo chồng về Pháp, những cảm xúc của thuở bé bên cha lại ùa về trong chị, chị cảm nhận được những ngày cuối năm, khoảnh khắc giao thừa đặc biệt như thế nào.
Chị vẫn còn nhớ như in mùa Noel, Tết Dương đầu tiên tại Pháp được đi phiên chợ Giáng sinh vào đầu tháng 12 sắm phụ kiện, đồ trang trí và thức ăn. Lúc đó chị cảm giác như lạc bước vào xứ thần tiên.
“Họ bán những quả cầu tuyết từ nhỏ đến to rất là đẹp, những gian hàng bày bán đèn nến và những vật dụng trang trí rất lung linh, những quầy bánh kếp thơm nức và những quầy rượu vang nóng hổi rất là ngon. Cả nhà chị đã đi phiên chợ đó để sắm đồ và chuẩn bị cho một mùa giáng sinh, năm mới đến”, chị Huyền Trân chia sẻ.
Sau Tết Dương lịch cây thông sẽ được hạ xuống. Mọi người sẽ cùng tụ tập lại và đốt những cây thông rồi uống rượu vang nóng.
Không những vậy, lần đầu tiên chị biết đến cây thông thật để trang trí nhà dịp cuối năm mà ở Việt Nam hiếm có.
“Tầm giữa tháng 12 bố mẹ chồng mình mua về một cây thông khá lớn và đặt ngay ngắn vào giữa phòng khách để chuẩn bị trang trí. Mình ngửi thấy một mùi hương phát ra từ cây thông dễ chịu vô cùng, không giống cây thông mà trước đây cha vẫn thường chuẩn bị cho mình.
Khi đưa tay lên chạm vào những nhánh thông mới biết đó là một cây thông thật. Mình quay sang hỏi với cả nhà chồng là “Cả nhà ơi! Cái cây thông này là thật hay sao?”. Cả nhà nhìn mình và cười phá lên rồi trả lời rằng “Cây thông mà không thật, không lẽ có cây thông giả hay sao con!”.
Mình nói rằng “Từ lúc cha sinh, mẹ đẻ cho tới giờ con mới biết cây thông thật là như vậy đó ạ!”. Vậy là cả nhà mình đã hiểu ra ý nghĩa những cái đầu tiên mình khám phá ra được.
Trang trí cho cây thông xong là đến trang trí một cái vòng nguyệt quế thật to để treo ngoài cửa và rồi trang trí những góc trong nhà để chào đón năm mới”, chị Huyền Trân chia sẻ.
Những góc trang trí trong nhà chị Huyền Trân.
Bàn tiệc trong ngày lễ cuối năm chào đón năm mới được trang trí vô cùng đẹp mắt.
Theo chị Huyền Trân chia sẻ, ở Pháp mọi thứ sẽ được chuẩn bị trước khoảng 2 tuần hoặc 10 ngày trước Giáng sinh. Mọi người sẽ sắm những bộ đồ thật đẹp và lịch sự, mua những món quà để tặng cho người thân, và chuẩn bị những món ăn ngon cho 2 bữa chính. Sau đó tặng nhau những tấm thiếp được viết bằng tay kèm theo tiền mừng.
Với gia đình chị, Noel sẽ được tổ chức ở nhà bố mẹ chồng vì nó giống như Tết Nguyên Đán ở Việt Nam. Còn Tết Dương lịch, vợ chồng chị sẽ tổ chức riêng tại nhà, mời bạn bè đến cùng nhau ăn tối, tổ chức trò chơi đợi đến giao thừa.
Mọi người sẽ mở rượu sâm panh uống và cùng nhau chúc mừng năm mới xuống đường đốt pháo hoa mừng năm mới. Tuy 5 năm nay không có dịp tận hưởng không khí Tết ở Việt Nam nhưng ngày Tết ở Pháp cũng khiến cho chị ấm lòng hơn, vơi đi nỗi nhớ xa quê trong dịp sum vầy này.
Cũng giống như chị Huyền Trân, Tết Dương lịch ở bên trời Âu cũng khiến chị Thu Hà (ở Đức) khỏa lấp nỗi nhớ quê hương hơn. Đặc biệt những ngày Tết muộn được hội đoàn tổ chức cũng khiến cho chị cảm nhận chút Tết quê hương, được xem múa lân, vui chơi, hát hò, diễn hài và ăn những món truyền thống người Việt.
Con gái chị Hà trong tà áo dài truyền thống.
Chị trang trí cho vườn hoa của mình thêm phần lung linh hơn chào đón năm mới 2019.
Cây thông Noel và những hộp quà được chị trang trí lung linh.
Mặc dù ở Đức nói riêng và các nước phương Tây nói chung Noel là ngày lễ lớn nhất trong năm nhưng Tết Dương lịch - khoảnh khắc giao thừa chào năm cũ đón năm mới cũng là dịp sum vầy đoàn tụ ý nghĩa của mọi người.
“Tết Dương bên này được nghỉ một ngày. Nhà mình sẽ ăn uống đồ Tây. Hai vợ chồng uống một chút rượu chúc mừng năm mới. Sau đó 12h đêm đi xuống đường bắn pháo hoa. Ở Đức bắt đầu từ ngày 28/12 là các siêu thị được phép bán pháo hoa cho người dân đến mua.
Ngày Tết, mình cũng có giữ phong tục Việt Nam tặng tiền mừng tuổi cho anh xã và con gái. Hai mẹ con sẽ mặc áo dài truyền thống Việt”, chị Hà kể.
Tuy Tết ở Đức không to bằng Tết Việt Nam, đã nhiều lần chị Hà buồn khi thèm nhớ đến Tết Việt nhưng nó cũng giúp chị tận hưởng một phần, vơi đi nỗi nhớ Tết quê hương.
Chị thích trang trí nhà chào đón năm mới từ sớm. Thường khoảng ngày 10 – 15/11 nhà chị đã chuẩn bị trang trí.
Mọi đồ trang trí trong nhà đều do một tay chị chọn.