Trong một lần kết hoa cưới cho anh trai bạn học, chị Thu Hà khiến mọi người không ngớt lời khen khi nhìn thấy. Từ đó đều đặn chị có thêm việc và thêm tiền nhờ “nghề tay trái này”.
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana của Nhật Bản đã du nhập vào Việt Nam vài năm nay và được rất nhiều người yêu thích. Chị Nguyễn Thu Hà hiện đang công tác tại một công ty Điện tử và Tin học Việt Nam cũng là một trong những người yêu thích và theo học nghệ thuật này 3 năm nay. Chính vì vậy, mỗi bình hoa chị cắm khiến mọi người đều phải thích thú bởi vẻ đẹp giản dị, thanh tao giống như một bức tranh tuyệt đẹp.
Chị Thu Hà.
Chị Thu Hà chia sẻ, chị đã có sở thích dành cho hoa từ rất lâu. Ngay từ những năm học phổ thông trung học, chị đã tham gia thi cắm hoa, làm hoa giấy và đạt giải Nhất cuộc thi trường, lớp tổ chức. Hồi ấy, chị mê hoa đến nỗi còn bớt tiền đi chợ để mua hoa hồng vườn về cắm.
“Mình thích trang trí nhà cửa, cắm hoa, nấu ăn. Mê hoa mình còn bớt tiền đi chợ để mua mấy bông hồng vườn về cắm. Có lẽ sở thích, sự khéo léo của mình từ gen di truyền vì chị gái mình cũng rất khéo tay trong thêu thùa, may vá... hơn cả mình”, chị Thu Hà mỉm cười.
Bình hoa đầu tiên chị Thu Hà cắm cũng là bình hoa chị nhớ nhất khi cắm hoa và kết hoa cưới cho anh trai bạn học cùng. Thời đó, chỉ có hoa hồng bạch với lá măng bàn tay, cốt hoa làm bằng bèo tây, chị phải loay hoay mất gần tiếng mới xong. Mặc dù mệt nhưng mỗi lần mọi người đi qua ngắm nhìn khen đẹp như ở hàng khiến chị vui và hạnh phúc. Cũng kể từ đó, tài khéo léo cắm hoa của chị được mọi người biết tới nhiều hơn. Chị đều đặn có thêm việc và thêm tiền nhờ “nghề tay trái này”.
“Mình không biết làm kinh tế, chỉ làm vì đam mê và chủ yếu làm giúp bạn bè, người quen. Mình nhớ bình hoa mình ấn tượng nhất là bình lay ơn không cắm theo kiểu truyền thống mà cắm dáng tròn trong đám cưới người bạn, mọi người đều thích”, chị Thu Hà mỉm cười.
Những bình hoa thiên điểu của chị.
Chị Thu Hà tâm sự, chị yêu thích nghệ thuật cắm hoa Ikebana của Nhật Bản từ những năm 1980. Tuy nhiên hồi đó còn nhỏ, chưa có đủ kinh tế theo học, gánh nặng cuộc sống khiến chị tạm gác lại niềm đam mê đó của mình. Và phải đến thời gian gần đây chị mới trở lại với nghệ thuật này. Chị tham gia một hội Ikebana do thầy Thái sáng lập và thực sự nghiêm túc học Ikebana 3 năm trở lại đây. Sau 3 năm nghiêm túc theo học, sắp tới sau khi đạt được các chứng chỉ cần thiết chị sẽ trở thành giáo viên dạy Ikebana.
Đối với chị Thu Hà, cắm hoa không chỉ mang lại sự yên bình, làm đẹp không gian sống và làm việc mà còn giúp chị thỏa sức sáng tạo, thư thái hơn sau một ngày làm việc căng thẳng. Chị thường chọn các loài hoa theo mùa để cắm trong nhà. Chính vì vậy ngôi nhà chị quanh năm luôn ngập tràn hương sức của các loài hoa. Đặc biệt yêu thích hoa sen, hoa hồng và hoa thiên điểu nên chị luôn thỏa sức sáng tạo để cắm những bình hoa đẹp nhất, mới mẻ nhất cho căn nhà nhỏ của mình.
Ngày nào cũng vậy, cứ mỗi tối là chị lại cắm từ 5-7 bình hoa, mỗi bình khoảng 15-30 phút tùy theo sự đơn giản hay kỹ lưỡng của mỗi bình như một cách luyện tập cắm Ikebana và thỏa sức với niềm đam mê của mình.
Hiện nay, chị Thu Hà sở hữu khoảng 200 bình hoa các loại và trồng lá trên ban công để cắm hoa. Vì kiểu cắm Ikebana không tốn hoa mà tốn lá, cành và bình cắm, chính vì vậy chị đầu tư dành một phần diện tích trong ngôi nhà nhỏ để thuận tiện hơn cho mỗi lần cắm hoa.
Những bình sen cắm theo phong cách truyền thống và Ikebana.
Tư vấn về cách cắm hoa và chọn bình, chị Thu Hà chia sẻ, để có một bình hoa đẹp, yếu tố hoa và bình đều quan trọng như nhau. Mọi người có thể chọn hoa theo bình và ngược lại.
Về cách chọn hoa, mọi người nên chọn hoa tươi, đẹp, lá cành xanh tốt. Quan trọng nhất là khâu làm sạch, dưỡng hoa, vì vậy khi mua hoa mua về, mọi người cần làm sạch lá, cành phần cắm trong bình, cắt chút gốc và lưu ý cắt trong nước cho hoa dẫn nước nuôi lá cành. Điều này sẽ làm hoa đẹp lâu.
Bên cạnh đó, tuỳ từng loại hoa mà cắm nhiều hay ít nước, đặc biệt mọi người nên chú ý có những loại hoa phải “dưỡng” bằng nước sôi như hoa chuông, hoa bất tử...
“Với kinh nghiệm của mình, các loại hoa đồng nội, hoa truyền thống như lay ơn, cúc, mỏ két... rất hợp các bình gốm mộc, bình sành của gốm Bát Tràng, Phù Lãng...; hoa hồng, hoa thủy tiên, mao lương... lại hợp với bình thuỷ tinh trong suốt. Đặc biệt, với bình Ikebana, mỗi dáng bình lại hợp với một kiểu cắm từ truyền thống (Shoka, Rikka) đến hiện đại (Jiyuka) lại thể hiện từng chủ đề hoa mà người cắm muốn truyền tải”, chị Thu Hà cho hay.
Yêu thích nghệ thuật cắm hoa Ikebana nên ngày nào chị Thu Hà cũng tranh thủ dành thời gian sống trong niềm đam mê ấy. Niềm vui mỗi ngày của chị là được cắm hoa, chia sẻ những bình hoa đẹp để có thêm động lực sống và làm việc tốt hơn.
Một số bình hoa của chị Thu Hà.