“Không thèm” giống những cây ăn quả thông thường có quả mọc ở đầu cành, một số loại cây như ca cao, đầu lân, nho đen thân gỗ, sung, vả, dâu rừng… lại chọn cách đẻ ra quả từ thân cây.
Cây đầu lân
Cây đầu lân, còn gọi là cây sala (Phật giáo), ngọc kỳ lân, hàm rồng, có tên khoa học là Couroupita guianensis (trong tiếng Anh thường gọi là Cannonball Tree). Có nguồn gốc ở châu Mỹ nhiệt đới, đầu lân hiện đang được trồng rất nhiều ở hầu hết các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Đầu lân là cây gỗ lớn cao trung bình từ 8-15m và có thể cao tới 30-35m. Vỏ thân có màu xám, phân cành nhánh nhiều, cong queo. Cây đầu lân có lá lớn mọc tập trung ở đầu cành, dạng trái xoan ngược, đầu tù, gốc nhọn với màu xanh lục đậm bóng.
Đầu lân có những cụm hoa lớn mọc ở thân cây hay trên các cành già, các cụm hoa dài đến 1,5m buông rủ xuống. Hoa đầu lân lớn giống hình cầu có màu cam tới đỏ đậm. Tràng hợp ở gốc thành ống cao 1,5cm, thùy hoa dày, rộng cong úp lên nhau mang nhiều nhị đực.
Hoa đầu lân có mùi rất thơm, tỏa hương xa dịu mát ấn tượng. Mùa hoa có thể kéo dài hơn 1 tháng, sau đó cây sẽ khoe những quả hình cầu to, tròn, độc đáo. Vỏ quả đầu lân có màu nâu nhám chứa từ 200-300 hạt. Quả có tính kháng sinh, kháng nấm, sát khuẩn và có tác dụng giảm đau.
Đầu lân thường được trồng làm cây bóng mát sân vườn, cây cảnh quan trồng trong công viên, khu dân cư đô thị, vỉa hè đường phố, khuôn viên đình chùa, miếu… Cây có hoa thơm, quả độc đáo, tán lá mát lại dễ trồng, dễ chăm nên rất được yêu thích.
Cây sung
Cây sung là loại thân cây gỗ lớn, mọc nhanh, thuộc họ dâu tằm (Moraceae). Cây mọc hoang dại ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới tại những nơi đất ẩm bìa rừng, nhiều nhất là ven các bờ nước ao, hồ, sông, suối.
Sung ưa thích sống tại các khu vực ẩm ướt, cạnh bờ sông suối, đôi khi trong lòng suối tại các cao độ từ 100 tới 1.700 m. Khu vực phân bố: Trung Quốc (miền nam tỉnh Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam), Ấn Độ, Đông Nam Á, Nepal, New Guinea, Pakistan, Sri Lanka, Australia. Ở Việt Nam cây phân bố rộng khắp ở cả 3 miền.
Sung là loại cây thân gỗ cao tới 25–30 m, đường kính thân cây tới 60–90 cm; hoa đơn tính cùng gốc. Quả sung mọc thành từng chùm ở thân cây có thể ăn được, người ta hay muối như muối dưa để ăn trực tiếp hoặc kho với thịt, cá.
Ngoài ra, cây sung còn là một cây trong tứ quý, được tin tưởng đem đến may mắn, sung túc cho chủ nhà.
Dâu rừng
Là loại quả dại màu đỏ rực, dâu rừng không chỉ làm thức uống giải khát mà còn có thể băm nhỏ nấu canh chua.
Dâu rừng có nhiều tên gọi như dâu đất, dâu da, mọc chủ yếu ở vùng núi, trung du nhiều tỉnh miền Trung. Tuy cùng họ với bòn bon, nhưng dâu rừng khi chín có màu đỏ rực, được biết đến nhiều nhất ở vùng rừng núi của Quảng Nam.
Không như các loại dâu khác mọc ra từ cành lá, lúc lỉu trên cao, quả dâu rừng lại phát triển từ thân cây và chuyển màu khi tiết trời bắt đầu sang đông. Do đó, vào thời gian này, nếu có dịp đến huyện Nam Giang, Tiên Phước, Phước Sơn, Trà My…, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng cực kỳ đẹp mắt của những chùm dâu rừng chín ôm gọn thân cây từ gốc cho tới ngọn.
Quả dâu rừng nhỏ nhưng mọc thành chùm khiến người nhìn thấy lần đầu có cảm giác vừa quen vừa lạ. Chúng đôi khi như những chùm nho chín đỏ, lủng lẳng trên cành, lúc lại mọc chi chít ở thân cây như sung bám.
Không chỉ để giải khát, ăn chơi, dâu rừng còn rất có lợi cho sức khỏe vì chứa nhiều polyphenol và anthocyane, hai loại chất chống oxy hóa quan trọng cho cơ thể. Vitamin C và chất xơ trong dâu rừng còn có khả năng ngăn ngừa cholesterol cao và bệnh tim, thích hợp cả với những người ăn kiêng.
Dâu chín đã hấp dẫn là thế, dâu non với nhiều người còn có sức hút hơn. Do dâu non có vị chua nên được nhiều người hái, băm nhỏ nấu canh chua cá. Với vị chua dịu đặc trưng của dâu rừng, canh ngon không thua kém gì so với măng, lá giang…, lại có tác dụng giải nhiệt và tăng cường đề kháng cho cơ thể.