Theo lý giải của nhiều người thì khổ qua rừng ngoài việc được chế biến làm thức ăn thì còn có tác dụng chữa được khá nhiều bệnh nên được ví như một loại trái đặc sản "2 trong 1".
Đã là tháng 3, thế nhưng như thể bù lại cho một mùa đông "ấm và khô ráo như hè" vừa đi qua, trời miền núi Quảng Ngãi liên tục có những đợt mưa nhỏ. Trong điều kiện thời tiết như vậy, những dây khổ qua rừng càng thêm xanh mướt mọc chi chít trên bờ, bụi rậm nằm ven bìa đồi với vô số quả treo lủng lẳng nấp sau lá.
Khổ qua rừng - đặc sản "2 trong 1"
Khổ qua rừng, hay mướp đắp rừng... có tên khoa học là Momordica Charantia. Tuy cùng tên, loài và cũng thuộc họ dây leo... thế nhưng so với khổ qua thường, lá của khổ qua rừng nhỏ hơn phân nửa và quả khi trưởng thành có kích cỡ chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái, ước bằng 1/20 so với kích cỡ của trái khổ qua bình thường trồng dưới đồng bằng. Cũng như quả cùng loại, khổ qua rừng có màu xanh khi già và đỏ khi chín. Cách chế biến làm thức ăn chủ yếu cũng là nấu canh, hoặc trộn vào trứng để chiên.
Tuy nhiên khổ qua rừng có vị đắng hơn và theo một số tài liệu y học thì loại quả này có tính hàn, giải nhiệt cơ thể nên có khá nhiều công dụng trong chữa bệnh, như: Bổ gan, tiêu độc, chống lão hóa và phòng ngừa các bệnh tim mạch, huyết áp cao…
Đặc biệt khổ qua rừng là thực phẩm rất tốt cho người bị tiểu đường. Y học hiện đại cũng đã nghiên cứu và tìm ra nhiều tác dụng của nó trong việc chống lại một số căn bệnh nan y như ung thư....
Quả khổ qua rừng còn nhỏ và chuẩn bị thu hoạch
Dù là một loại đặc sản và có nhiều công dụng như vậy thế nhưng khổ qua rừng có giá bán khá rẻ. Theo đó chỉ cần 20-30.000 đồng là có thể mua được 300-400 gram, đủ để nấu một nồi canh thật lớn cho cả nhà ăn.
Bà Hồ Thị Viu (40 tuổi, ở xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi) cho biết: "Khổ qua rừng ở khu vực này mọc rất nhiều và có thể thu hoạch quanh năm. Nhiều hôm đi rừng gặp chỗ mọc dày hái được 2-4 kg/người là bình thường".
Cũng chính đặc tính có thể mọc bất cứ ở đâu, phát triển nhanh mà không cần sự chăm sóc gì, nên nhiều người đã gieo trồng khổ qua rừng trong vườn nhà, bờ rào của mình.
Một phần thân dây khổ qua rừng
Cùng với trái, hiện lá khổ qua rừng cũng được nhiều người hỏi mua về nấu canh
Hoa của khổ qua rừng
"Thời gian gần đây, không chỉ quả mà thân và lá non của khổ qua rừng cũng được nhiều người hỏi mua để về nấu canh ăn, với giá 6.000-10.000 đồng/bó, lọn nắm chặt tay không hết", chị Hồ Thị Bun (32 tuổi, xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi) cho biết.
Cùng với nhiều loại cây, trái khác, việc thu hoạch khổ qua rừng đã góp phần tạo thêm thu nhập cho nhiều hộ dân nghèo ở vùng miền núi Quảng Ngãi.