KTS Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ những giải pháp hiệu quả xua tan cái nóng mùa hè cho nhà bạn.
Mùa hè đến kéo theo cái nắng oi ả khiến không ít ngôi nhà phố thêm ngột ngạt, khó chịu. Nhiều chị em Eva than thở rằng, làm cách nào mới có thể để xua tan cái nóng, mang đến cho không gian sống không khí mát lành, dễ chịu? Để phần nào giải đáp được câu hỏi này cho các độc giả Eva.vn, kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng (người có 8 năm kinh nghiệm làm nghề) đã chia sẻ những bí quyết để giải nhiệt nhà phố trong ngày hè cháy bỏng.
Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng.
Thưa anh, trong những ngày nắng nóng thì kiểu nhà phố nào thường hấp thụ nhiệt cao nhất?
Theo tôi, nhà phố được coi là hấp thụ nhiệt cao nhất có thể liệt kê một số dạng như sau:
- Nhà phố hướng Tây, vì nắng buổi chiều thường gắt nhất nên những nhà hướng Tây sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn so với những nhà khác.
- Nhà phố có xu hướng xây tường (không tính tường ngăn phòng) có dộ dày 110mm (dân ta hay gọi là xây tường 10). Đặc biệt, vì mặt tiền nhà là nơi chịu nắng nhiều nhất nên khi xây quá mỏng sẽ làm nhà hấp thụ nóng nhanh. Nếu như tường nhà xây dày khoảng 220mm (xây tường 20), và xây bằng gạch ống thì cũng là một biện pháp giảm bớt nhiệt.
Mặt tiền nên xây tường dày khoảng 220mm với gạch ống rỗng (nhà thiết kế bởi KTS Nguyễn Thanh Tùng)
- Nhà phố thường 2 bên đã có nhà xây, phía sau cũng tiếp giáp nhà khác nên trong nhà cần có khoảng không đối lưu không khí (như khoảng thang rộng, giếng trời…) vì khí nóng thường có xu hướng thoát lên trên ra ngoài. Vậy nên những nhà không để ý tới việc tạo khoảng thoáng đối lưu hiệu quả thì sẽ bị hấp nhiệt nhiều. Khí nóng ở trong nhà không thoát được sẽ tạo cảm giác nóng bức hơn.
- Nhà phố sử dụng quá nhiều kính ở mặt tiền, không có giải pháp hiệu quả sẽ bị dễ dàng hấp thụ nhiệt cao.
Sử dụng kính mặt tiền hợp lý để ít bị hấp thụ nhiệt cho nhà (nhà thiết kế bởi KTS Nguyễn Thanh Tùng).
- Nhà phố đối diện với tòa nhà cao tầng sử dụng nhiều kính sẽ dễ bị phản nắng.
- Nhà phố đứng độc lập trên khu đất, 2 bên không có (hoặc chưa có) nhà.
Với những ngôi nhà dễ hấp thụ nhiệt như trên thì giải pháp cơ bản nhất và dễ làm nhất theo anh là gì?
Đối với những ngôi nhà dễ hấp thụ nhiệt, giải pháp cơ bản và dễ làm nhất theo tôi là nên tạo khoảng đối lưu không khí để có thể thoát được khí nóng, đối với mái nên tạo thêm một lớp (có thể mái tôn cách nhiệt) phía trên để giảm sức nóng trực tiếp xuống mái nhà.
Đối với các mảng tường có thể làm thêm vật liệu chống nóng (hiện có nhiều loại trên thị trường) hoặc những mảng tường xanh, mục đích để giảm thiểu tối đa lượng nhiệt bị hấp thụ. Và tất nhiên, trong nhà những ngày nắng nóng nên sử dụng thiết bị giảm nhiệt như quạt sương, điều hòa.
Thông thường, các cửa sổ giúp không gian sống thêm thoáng mát nhưng cũng là nơi ánh nắng có thể trực tiếp chiếu vào nhà làm nhiệt độ trong các phòng tăng lên đáng kể. Vậy theo anh, cần khắc phục tình trạng này như thế nào?
Như đã trao đổi ở câu hỏi về giải pháp cơ bản chống nóng, cửa sổ có tác dụng giúp không gian sống thêm thoáng đãng nhưng ngược lại cũng là nơi làm tăng nhiệt độ về mùa nóng, đặc biệt đối với cửa sổ nhiều kính.
Vì vậy giải pháp cơ bản là thiết kế thêm rèm 2 lớp bên trong, một lớp rèm ngoài là loại rèm phản nắng, rèm trong là trang trí, màu sắc lựa chọn màu mát mẻ như tông xanh, các tông màu dịu mát.
Nhà sử dụng 2 lớp rèm (thiết kế bởi KTS Nguyễn Thanh Tùng)
Cây xanh hẳn là cũng sẽ giúp ích nhiều cho công cuộc "giải nóng"?
Ngoài những giải pháp cơ bản mình đã nêu ở câu hỏi trên, một số bí quyết nữa để nhà phố thêm mát mẻ là chúng ta nên tạo thêm những khoảng không gian xanh trong nhà để tạo cảm giác mát mẻ. Đối với những nhà có khoảng giếng trời, có thể trồng thêm những cây leo và bám tường, tạo khoảng xanh trong nhà. Quan tâm đến các tiểu cảnh trong nhà, nước và cây sẽ làm cân bằng dịu bớt đi cơn nóng của mùa hè.
Thiết kế những khoảng xanh trong nhà phố luôn giúp không gian sống mát mẻ, dễ chịu
Ngoài những khoảng xanh trong nhà, đối với một số nhà có khoảng sân trước cũng nên quan tâm tới vấn đề “phủ xanh” để khi ánh nắng chiếu xuống, khoảng xanh ở sân sẽ làm dịu bớt đi sự hắt nắng lên nhà.
Nhưng nhiều gia đình lại e ngại vấn đề không hợp phong thủy khi trồng cây trong không gian sống, có đáng lo chăng?
Về vấn đề này, quan điểm của tôi là phong thủy và công năng sử dụng, mục đich sử dụng phải hài hòa và bổ trợ lẫn nhau. Không nên bị “lạm dụng” việc áp dụng phong thủy quá để mất đi công năng và hiệu quả khi sử dụng thực tế. Phong thủy áp dụng vào thiết kế là cần thiết, nhưng phải đảm bảo sự hài hòa và hợp lý, như là về kích thước cửa, hướng bếp, hướng thờ, hướng giường phù hợp tuổi của gia chủ. Còn cây xanh và nước (bể cá cảnh…) biết kết hợp thì sẽ đạt được hiệu quả về sử dụng và cả phong thủy.
Khi thiết kế, anh Tùng luôn tận dụng diện tích, đưa những khoảng xanh vào không gian sống.
Cây xanh giúp không gian sống luôn thoáng đãng, mát lành
Bản thân anh là một KTS có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, khi thiết kế, anh thường đưa ra những điểm nhấn đặc biệt gì để những công trình nhà phố mát mẻ, thoáng đãng vào mùa hè?
Trong thiết kế của mình thường đưa ra các giải pháp tạo những điểm nhấn như các nan chớp kết hợp khoảng xanh, hay những mảng trang trí tạo khoảng âm cũng là khoảng chắn nắng cho cửa sổ. Mình đặc biệt quan tâm đến không gian sân thượng, vì đó là điểm kết của ngôi nhà. Trên sân thượng sẽ biến thành không gian xanh cho ngôi nhà phố, có thể làm tiểu cảnh, trồng cây… cũng là giải pháp giảm nhiệt cho tầng dưới.
Sân vườn xanh mướt giúp nhà phố thêm xinh
Một vấn đề nữa đó là màu sắc, những màu sắc lựa chọn cho mặt tiền ngôi nhà mình thiết kế thường thiên về gam trung tính, màu trắng kết hợp với màu nhấn; tạo cho công trình cảm giác nhẹ nhàng và thoáng đãng.
Đó là những kinh nghiệm của tôi muốn chia sẻ với độc giả mục Nhà đẹp, chúc các bạn đọc Eva.vn hè này luôn được mát mẻ trong nhà phố xinh.