Khi chủ nhà làm… kiến trúc sư, có nghĩa kiến trúc sư làm… thợ vẽ, hay họa viên.
Câu chuyện về chủ nhà là câu chuyện kiến trúc sư thường "tám" với nhau trong lúc trà dư tửu hậu, và nhiều khi xen lẫn cả vào lúc trao đổi chuyên môn. Khách quan mà nói, đó là câu chuyện khá thú vị và không thể tách rời vấn đề thiết kế ngôi nhà.
Song những chuyện vui thì hình như ít, mà những chuyện bi hài dường như nhiều hơn. Có rất nhiều dạng chủ nhà làm kiến trúc sư… sợ; mà hầu như ai làm thiết kế công trình nhà ở cũng gặp phải.
Chủ nhà làm… kiến trúc sư
Khi chủ nhà làm… kiến trúc sư, có nghĩa kiến trúc sư làm… thợ vẽ, hay hoạ viên. Chủ nhà muốn phải như thế này, phải như thế kia, và kiến trúc sư chỉ có nhiệm vụ triển khai ý tưởng, yêu cầu của chủ nhà qua bản vẽ.
Thường những chủ nhà này hay thuộc loại có nhiều tiền, đi nhiều, thấy nhiều, cũng như có biết các thông tin liên quan… nên thường tự cho mình cái quyền như vậy và nghĩ rằng thế là đúng, là đủ; cũng như nhìn nhận không đúng vai trò của kiến trúc sư. Có lẽ dạng chủ nhà này làm các kiến trúc sư sợ nhất, bởi vai trò của kiến trúc sư là sáng tạo; mà bị triệt tiêu.
Nhưng cũng không ít trường hợp chủ nhà này lại làm kiến trúc sư thích, bởi lý do chủ nhà có nhiều tiền, làm ít phải nghĩ, và cũng không phải chịu trách nhiệm lớn với sản phẩm của mình, với lý do: tôi có thiết kế đâu, tôi chỉ vẽ theo ý ông chủ thôi!
Hành kiến trúc sư
Là các chủ nhà khó tính, đòi hỏi nhiều và thiếu niềm tin ở kiến trúc sư. Họ luôn nghi ngờ và không tin tưởng, luôn muốn được thấy mọi thứ trực quan nhất; luôn muốn có nhiều phương án nhất để chọn lựa như kiểu đi siêu thị mua đồ. Thật ra đây cũng là nhu cầu chính đáng, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng thông cảm.
Bởi khi đưa ra một giải pháp, kiến trúc sư đã có sự chọn lựa, chắt lọc về mặt chuyên môn rồi. Nhưng chủ nhà (dù đã ưng) vẫn muốn thêm phương án, thêm giải pháp; có thể chỉ là một yếu tố rất nhỏ không đáng kể, mà làm mất nhiều công sức và thời gian.
Những chủ nhà này cũng không tin cả… bản thân, thường đem phương án thiết kế hỏi hết người này người kia, và ôm lấy thêm một đống băn khoăn thắc mắc; sau đó lại đòi kiến trúc sư sửa đổi, thêm thắt. Kết quả những trường hợp này hay rơi vào tình trạng "đẽo cày giữa đường", chắp vá lộn xộn.
Chủ nhà tập thể
Thường thì khi làm việc với kiến trúc sư, khách hàng sẽ có một đại diện. Với những dạng công trình nhà ở gia đình thì người đó là người đàn ông trong nhà, người chủ gia đình. Người đó sẽ tổng hợp các ý kiến của các thành viên, đưa ra định hướng chung để đề xuất yêu cầu với kiến trúc sư cho ngôi nhà của mình. Song không phải lúc nào cũng vậy, có nhiều khi cả hai vợ chồng, hoặc cả nhà cùng tham gia trao đổi với kiến trúc sư; và "chín người mười ý", không ai chịu ai, ai cũng muốn phải theo ý mình. Làm việc với chủ nhà tập thể quả thật là rất khó khăn và mệt mỏi!
Bảo sao cũng gật
Ngược lại với kiểu chủ nhà làm kiến trúc sư, thì có kiểu chủ nhà "bảo sao cũng gật". Lúc đầu, trong quá trình tư vấn, thiết kế thì nghe có vẻ suôn sẻ, nhanh chóng vì không phải đưa nhiều phương án, không phải sửa đổi, không phải thuyết phục nhiều. Nhưng thực tế trong quá trình thi công lại phát sinh nhiều vấn đề. Khi công trình lên hình hài, chủ nhà lúc đó mới "Ơ, cứ tưởng…" Nhiều thứ, nhiều điều, nhiều chỗ không như họ nghĩ, họ tưởng tượng, mong đợi; và họ không thích, thậm chí thất vọng.
Những yêu cầu kỳ quái
Chủ nhà đưa ra những yêu cầu kỳ quái khác thường, phi logic, phi khoa học và vô lý với thực tế thiết kế – xây dựng. Có rất nhiều nguyên nhân như sở thích, thói quen, vấn đề tâm sinh lý… khác thường; nhưng có một nguyên nhân nữa góp phần – đó là phong thuỷ. Chủ nhà tin thầy phong thuỷ hơn kiến trúc sư, và dứt khoát bắt kiến trúc sư làm theo một "thiết kế phong thuỷ" mơ hồ nào đó.
Ví dụ như ngay chỗ lối vào thì làm bếp, mà như lẽ thường thì là sảnh, nơi để xe; hoặc đất đang vuông vắn nhưng lại cứ bắt xoay xở vẹo vọ đi… Có trường hợp kiến trúc sư thiết kế hoàn thiện biệt thự có mái dốc. Ở một số khu vực áp mái, chủ nhà muốn che mái dốc; kiến trúc sư đề xuất làm trần phẳng bằng thạch cao; thì chủ nhà không đồng ý, đòi đổ bản sàn bêtông cho chắc, vì sợ trần thạch cao… dễ bị sập!? Khi ấy, kiến trúc sư chỉ có chào thua!