Kim tiền là một trong những cây cảnh phong thủy được ưa dùng nhiều trong các gia đình Việt vì dáng cây đẹp lại không tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, khi trồng loài cây này cần cẩn trọng nếu trong nhà có trẻ nhỏ và vật nuôi.
Là một loài cây bụi lá xanh mướt, có thể phát triển tốt nơi ánh sáng thấp, râm mát, không cần tưới nước thường xuyên và đặc biệt có biệt tài thanh lọc không khí, loại bỏ khói bụi, khí độc - nên loài cây "kim phát tài" này rất được ưa chuộng để trồng trong gia đình.
Không những thế, cái tên "kim phát tài" hay còn gọi là cây kim tiền - đã thể hiện sự phú quý giàu sang và tiền bạc - nên khiến cho không ít người "gật đầu lia lịa" chọn loại cây này trồng trong nhà.
Tuy nhiên, ít ai ngờ, ẩn sau vẻ ngoài "long lanh" đó lại ẩn chứa một sự thật khiến bạn khóc thét. Đó là cây này chứa độc tố trong thân, lá... có thể gây hại cho con người, đặc biệt là trẻ em nếu không may tiếp xúc.
Kim phát tài có tên khoa học là Zamioculcas zamiifolia, là một loài cây thuộc vùng nhiệt đới lâu năm, có nguồn gốc từ miền Đông châu Phi.
Kim phát tài là loài cây mọc thành từng bụi, trong môi trường tự nhiên, cây có thể đạt đến độ cao từ 30-100 cm. Hình dáng cây kim phát tài được tạo thành từ một tập hợp các nhánh lá.
Đây chính là cuốn lá chung, với chiều dài từ 20-40 cm. Các cuốn lá này có màu xanh với những đốm màu tối hơn, mọng nước, mập mạp, có hình trụ dày ở phần gần rễ, thon nhỏ khi đến ngọn và từ từ uốn cong.
Những chiếc lá mọc thành từng cặp xung quanh cuốn lá, mỗi cuốn lá lại gồm 5-8 cặp lá dày, chiều dài từ 5-15cm, chiều rộng từ 1,5-5cm, hình elip. Lá kim phát tài có màu xanh đậm sáng bóng, mịn màng và cũng mọng nước.
Z. zamiifolia chứa một lượng nước cao bất thường - 91% ở lá và 95% tại cuống lá nên chúng có thể hoàn toàn "sống thảnh thơi" 4 tháng mà không cần tưới nước.
Một điểm đặc biệt mà ai cũng thích ở Z. zamiifolia đó chính là khả năng làm sạch không khí trong nhà. Một nghiên cứu của các chuyên gia thực vật, môi trường học ở ĐH Copenhagen năm 2014 chỉ ra, Z. zamiifolia có thể loại bỏ 0,01 mol/m2 các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như benzene, toluene, ethylbenzene và xylen mỗi ngày.
Tuy nhiên, nhiều tài liệu chỉ ra trong cuống và lá Z. zamiifolia chứa nhiều tinh thể canxi oxalat. Chất này có thể gây kích thích các phần da nhạy cảm, niêm mạc môi, lưỡi, màng nhầy trong họng hoặc kết mạc mắt khi ta ăn nhầm hoặc chạm phải phải dịch do cây tiết ra rồi bôi lên mắt.
Các chuyên gia cho rằng, loài cây này đẹp thì có đẹp nhưng cũng là mối nguy hiểm tiềm tàng với gia đình có trẻ nhỏ. Lý do là bởi trẻ em thường nghịch ngợm chạm, ngắt lá cây và "nếm".
Chỉ cần một lượng nhỏ canxi oxalat cũng đủ gây ngứa, nóng rát trong miệng, họng, sưng và ngạt thở. Đặc biệt với trẻ nhỏ, phần da còn mỏng, nên sự kích ứng mà canxi oxalat có thể gây hại sẽ tăng hơn.
Với liều lượng lớn, canxi oxalat sẽ gây ra trạng thái nôn nao khó chịu mạnh với hệ tiêu hóa, có thể làm khó thở và nếu nhiễm quá nhiều có thể dẫn đến co giật, hôn mê..
Tuy nhiên, bạn nên biết rằng Oxalat canxi cũng được tìm thấy trong mùi tây, sắn, rau bina, cà rốt, củ cải, đậu, cải bruxen, tỏi, rau diếp, cải xoong, khoai lang, bông cải xanh, cần tây, cà tím, súp lơ, măng tây, bắp cải, cà chua, đậu, khoai tây, hành tây, đậu bắp, hạt tiêu, bí ngòi, dưa chuột, ngô và các loại rau khác hầu hết chúng ta ăn hàng ngày. Thực tế, mọi thứ đều an toàn nếu trong liều lượng nhất định.
Trong trường hợp không may ăn phải mà gặp triệu chứng ngứa, rát trong miệng, bạn nên cho trẻ súc miệng ngay để loại bỏ độc tố ra khỏi miệng. Nếu da hoặc mắt tiếp xúc với chất dịch, bạn cần rửa sạch bằng nước, thuốc nhỏ mắt để tẩy sạch độc tố.
Do có khả năng gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ nên người dùng cần cân nhắc khi đặt cây trong nhà khi có trẻ em. Tuy nhiên, nếu nhà chỉ có người lớn và mỗi khi ngắt lá, tỉa cành bạn đeo găng cẩn thận để không chạm vào dịch thì đây là loài cây an toàn để trồng đó.