"Trước đây, mình không mê mấy việc trồng rau này đâu. Sau khi sinh bé thứ hai, muốn con có rau sạch để ăn dặm, mình mới bắt đầu dấn thân vào con đường này và thấy cực kỳ thích thú...".
Tâm sự với phóng viên Dân Việt, mẹ đảm hai con ở Đồng Nai mô tả những cung bậc cảm xúc: "Mình hạnh phúc khi nhìn thấy mầm non bắt đầu nhú lên từ mặt đất, vui sướng khi thấy cây đơm hoa kết trái, và cũng buồn khi cây bị héo rũ hoặc bệnh".
Sau khi sinh cô con gái thứ 2, chị Đặng Thị Trà My (39 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai, hiện đang làm ở một công ty sản xuất chi tiết cơ khí của Nhật) đã quyết tâm trồng rau sạch để phục vụ cho thời kỳ ăn dặm của con.
Một góc khu vườn của bà mẹ Trà My
Những chậu rau cải xanh
Không có đất vườn trồng rau, chị My tận dụng khoảng sân trống rộng 30m2 trên tầng thượng làm nơi gieo hạt trồng rau. Ban đầu, chị My không biết làm cách nào để trồng rau trên nền sân gạch. Sau đó, chị đã dành thời gian tham khảo trên các diễn đàn rau sạch tìm hiểu và học hỏi. Cuối cùng, chị đã biết cách tận dụng những thùng xốp làm bệ đỡ chứa đất.
Mùa nào thức nấy, vườn rau nhà chị quanh năm xanh mướt
“Thời gian đầu, mình thử tập tành trồng các loại rau dễ lên như mùng tơi, dền hoặc rau cải. Khi tích lũy được kinh nghiệm, mình đã trồng thêm nhiều loại rau dài ngày và theo mùa. Hiện tại, khu vườn nhà mình có đủ các loại rau quả như cà chua, cà xanh, bí, bầu, khổ qua, rau muống…”, chị My cho biết.
Những trái mướp đắng lúc lỉu trên giàn
Có rất nhiều loại rau thơm trong khu vườn rộng 30m2 này
Trên sân thượng, chi Ly trồng khoảng 40 chậu lớn nhỏ và 2 tháp trồng rau. Chị kể lại: "Năm 2012 là thời điểm mình sinh em bé gái, lúc đó thấy báo chí đăng tình hình rau bị phun thuốc, hóa chất làm mình quá hoảng. Với mong muốn tự trồng được những loại rau sạch cho con ăn dặm, mình và anh xã đã bàn về việc này nhưng anh đã phản đối mình rất nhiều vì cho rằng trên sân thượng nắng thế này thì rau nào chịu nổi".
Giàn dưa, bí và mướp giúp ngôi nhà lúc nào cũng rợp bóng xanh mát
Không được chồng ủng hộ, chị My đã lung lay ý chí rất nhiều. Tuy nhiên không vì thế mà bỏ cuộc, chị vẫn tiếp tục lên mạng để tìm hiểu những thông tin liên quan đến trồng rau sạch bằng cách tham gia vào nhiều diễn đàn rau sạch khác nhau. Từ đó, chị giao lưu kết bạn với nhiều anh chị em yêu thích trồng rau sạch trên toàn quốc và học hỏi cách thức, kinh nghiệm trồng rau. Chị hồ hởi khoe đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm của những người đi trước, biết cách làm mô hình thùng @ để hạn chế mất nước cho cây trồng. Sau khi vấn đề thùng được giải thuyết, chị lại tiếp tục bắt tay vào công cuộc gieo hạt.
Ớt chỉ thiên là một trong những gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày của gia đình chị
Nhớ lại quảng thời gian ban đầu khó khănm, chị My tâm sự: "Cây vẫn lên nhưng không tươi tốt, dần dần thối rễ chết. Không được chồng ủng hộ, rau trong vườn không lên, thất bại làm mình rất nản. Mình đã bỏ làm vườn một thời gian".
Tuy nhiên sau đó một thời gian, thấy vườn của các bạn khác vẫn xanh tốt, chị tự nhủ "người ta làm được thì mình cũng sẽ làm được". Chính suy nghĩ này đã giúp chị quay trở lại tiếp tục công việc làm vườn.
Không quản ngại khó khăn, chị tiếp tục công cuộc tìm hiểu lại từ đầu, từ khâu trộn đất, ủ phân, gieo hạt... Từng bước kiên trì, cuối cùng đất không phụ công người, chị Trà My cũng đã thành công.
GIàn bí, giàn bầu lúc lỉu quả
Chia sẻ về cách trồng thiên lý, chị My cho biết, thiên lý đòi hỏi nhu cầu nước khá cao, nhất là ở giai đoạn đầu cây con cần nhiều nước để phát triển bám giàn. Tuy là cây ưa ẩm nhưng lại không chịu được úng ngập do đó sau mỗi trận mưa to nên tiêu úng thoát nước để đất được thông thoáng.
Một vài cây đậu bắp trong vườn
Tươi cười kể lại, chị My nói: "Sau khi thành công thì anh chồng mình cũng hết can ngăn, lại còn giúp mình làm giàn, bê đất lên tầng 3, phụ mình trộn đất. Ngoài ra, anh cũng thường về quê xin phân bò và vỏ đậu phộng chở về để mình ủ hoai trộn vào đất trồng".
Ngoài các loại rau, quả còn có ngô trong khu vườn của chị Trà My
Ngày hai lần sáng tối, chị đều lên chăm sóc tưới tắm vườn rau. Đôi khi, ở trên vườn lâu quá chị bị chồng cười đùa trêu quan tâm đến vườn rau hơn cả quan tâm đến chồng con.
Cứ cuối tuần, anh chị lại cùng các con lên chăm vườn, từ khi nào khu vườn sân thượng chính là nơi ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình chị
Về kinh nghiệm trồng rau trên sân thượng, chị chia sẻ: "Mình nhận thấy rằng việc trồng rau trong thùng xốp đòi hỏi đất phải thông thoáng, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, đồng thời, hướng nắng phù hợp với cây trồng, sẽ giúp cây phát triển tốt. Đất trồng cho các loại rau ăn lá thì mình thường ủ đất với phân bò, bã đậu, vỏ đậu phộng, tro trấu theo tỉ lệ nhất định".
Những trái bí
Chị chia sẻ kinh nghiệm: "Tất cả trộn đều với nấm Trico và ủ trong khoảng thời gian 1-2 tháng cho hoai rồi đem ra trồng. Nếu không có phân bò hoai các bạn có thể trộn đất với phân trùn, phân hữu cơ. Còn đối với cây ăn quả, khi trồng nên bón lót phân lân và kali dưới đáy thùng. Sau khi cây bắt đầu ra tua quấn, các bạn nên bổ sung phân NPK, hoặc phân hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng nuôi cây và trái".
Tận dụng diện tích sân vườn, chị My còn thiết kế thêm những tháp rau xanh.
Một trong những chiến lợi phẩm chị thu hoạch được trên khu vườn sân thượng
"Thành quả mình thu được, dù ít, hay nhiều đều rất vui sướng và hạnh phúc. Trồng rau giúp mình có rau sạch phục vụ cho gia đình và giảm stress rất nhiều", chị My nói.
Mùng tơi, hành lá xanh tươi mơn mởn
Từ chỗ chỉ tính chuyện trồng rau vì con gái, hiện giờ khu vườn nhỏ 30m2 trồng đủ các loại rau quả dài ngày và theo mùa đã cung cấp đủ cho những bữa ăn hàng ngày của cả gia đình chị Trà My.
Mẹ 2 con Hà thành gây sốt với bình loa kèn 200 bông Mẹ Lào Cai trồng rau mầm kín bậu cửa sổ cho chồng con Kinh nghiệm hay trồng rau, củ, quả trong thùng xốp |