Chị Nguyễn Thị Thương Huyền, 38 tuổi ở Thanh Trì (Hà Nội) bắt đầu trồng các loại dưa như dưa lê, dưa bở, dưa lưới... trên sân thượng từ 2017. Với 30 m2 sân thượng có thể đặt được 70 thùng trồng dưa, mỗi lần thu vài chục trái.
Dưa lê Hàn Quốc, dưa Cabernet, dưa Thái Lan... dù trong điều kiện mưa, nắng thất thường như ở miền Bắc những quả dưa vẫn phát triển đều và dưa có kích thước lớn như trong nhà màng. Tận dụng phần sân thượng còn bỏ trống, cách đây 3 năm chị Huyền đã lên ý tưởng trồng những loại dưa này.
Chị Huyền chia sẻ: "Mình thích trồng các loại dưa vì muốn bố mẹ và các con được thưởng thức những giống dưa lạ, nếu mua ở Việt Nam rất đắt. Cảm giác lúc được thu hoạch hay khi nhìn chồng con hồi hộp thử một giống dưa mới, khiến mình hạnh phúc. Mệt vẫn cố gắng".
Chị Huyền chia sẻ: chị tham gia Hội "Thích trồng dưa lưới sân vườn" trên mạng xã hội, được mọi người hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm về cách trồng dưa sân thượng, cũng như giới thiệu một số giống dưa từ nước ngoài. Từ đây, chị bắt tay trồng thử nghiệm.
Theo chị Huyền, để trồng được các giống dưa này thì dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất. Bởi vậy, trước khi bắt tay vào trồng dưa việc ủ đất được chị chuẩn bị kỹ càng.
"Trước tiên, đất phải tơi xốp để thoát nước tốt. Sau đó là trộn các dinh dưỡng để cung cấp cho cây trong suốt quá trình sinh trưởng cho đến khi cho thu hoạch. Ngoài ra, để bổ sung dinh dưỡng cho cây, tôi thường xuyên ủ phế phẩm từ cá, trứng, chuối..." - chị Huyền bật mí.
Giống dưa được chị Huyền trồng trên sân thượng là dưa lê Hàn Quốc, dưa Cabernet, dưa Thái Lan.
Khi thu hoạch, mỗi trái đạt trọng lượng tù 1,8 đến 2,5kg/quả.
Trồng dưa trên sân thượng có bất lợi, đó là mưa gió, sương. Đặc biệt với những cây con chị Huyền khắc phục bằng những ống hút để giữ cây khi mới được gieo trồng. Khi dưa gần đến thời kỳ thu hoạch cần che chắn hoặc dùng dây buộc chặt thân cây vào hệ thống giàn.
Theo chị Huyền, 7 - 10 ngày bón phân và tưới dinh dưỡng cho cây một lần.
Chị Huyền cho biết: Thời điểm trồng các loại dưa này từ tháng 3 đến tháng 9 để tránh thời tiết bất lợi như mưa, rét. Chị cũng thường xuyên phun phòng bệnh cho dưa bằng các chế phẩm sinh học.
Trước đây, chị Huyền từng có 10 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật. Nhận thấy nông dân lạm dụng thuốc hóa học quá nhiều và thường cách ly không đúng ngày chị đã lên ý tưởng trồng rau, rồi đến trồng các loại dưa để gia đình sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe cho mọi người.
"Gia đình mình thích nhất giống dưa Thong Kham của Thái Lan, dưa giòn, ngọt, mùi thơm, ruột vàng rất đẹp", chị Huyền nói.
Một vụ dưa dao động 65 - 90 ngày, sau khi thu hoạch sẽ cho 60 đến 70kg dưa các loại. Để thử độ ngọt của dưa chị Huyền sẽ dùng máy đo độ ngọt trái cây, "Dưa sẽ có độ ngọt trung bình từ 12 đến 16" - chị Huyền chia sẻ.
Những trái dưa vàng óng, thơm ngon, nhìn bắt mắt được trồng trên sân thượng của gia đình chị Huyền.
Do diện tích hẹp, chị Huyền trồng xen canh, gối vụ. Một lứa dưa trồng 15 đến 20 cây, trung bình mỗi trái có trong lượng từ 1,8 - 2,5kg/quả. Một năm chị Huyền trồng 6 - 7 lứa dưa/năm, tương đương khoảng 3 tạ dưa/năm.
"Giá trung bình những giống dưa tôi trồng ngoài thị trường đang bán là khoảng từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, có những quả dưa giống dưa Nhật có thể bán được tới 500 nghìn đồng/trái", chị Huyền cho biết.
Ngoài những lần trúng vụ dưa thì chị Huyền cũng gặp phải những lứa thất bại. Đó là giống dưa vàng đã đậu được 25 quả, nhưng mưa nắng thất thường tháng 7 năm ngoái khiến cây sốc nhiệt. Cả vườn chỉ còn lại 2 trái thoi thóp, xấu mã.
Chị Huyền cho biết: "Dự định khoảng 2 tuần nữa sẽ thu hoạch lứa dưa lưới đầu tiên trong năm, trái từ 1,8 đến 2,2 kg. Người thân, bạn bè đều "hóng" thành quả, nên mỗi lứa tôi chỉ giữ lại 2-3 quả để ăn, còn lại biếu, tặng hết".
Ngoài trồng dưa, chị Huyền còn xen canh nhiều loại rau, quả để phục vụ gia đình.
Hiện nay, gia đình chị Huyền gần như không phải mua rau ở ngoài chợ mà sử dụng rau trồng ngay trên sân thượng của gia đình mình.
Những trái dưa to bự được trồng trên sân thượng của gia đình chị Huyền.