Bồn cầu ở Nhật có rất nhiều nút bấm giúp vệ sinh, mát-xa mông hay phát nhạc khi đang "giải quyết nỗi buồn".
Khi nhắc đến Nhật Bản, mọi người sẽ nhớ đến những thiết kế hiện đại để giúp cuộc sống của con người trở nên tiện lợi và thú vị hơn. Mẹ Việt Mira Chan đã sinh sống và làm việc ở xứ sở hoa anh đào trong suốt nhiều năm qua. Thời gian rảnh rỗi, chị chia sẻ rất nhiều bài viết hay về ẩm thực, văn hóa và đời sống của người dân xứ Phù Tang. Tiếp theo loạt bài về bồn tắm của Nhật, chị Mira hé lộ về chiếc bồn cầu độc đáo được yêu thích ở đây.
"Ngày nay, khi bạn qua xứ hoa anh đào du lịch thì sẽ có nhiều cơ hội được thử nghiệm chiếc bồn cầu hiện đại như trong hình ở khắp nơi như trung tâm thương mại, siêu thị, sân bay, nhà ga… Đây là hình chụp toalet nhà mình, lấy ra làm ví dụ nhé.
Bạn có thấy cái tay cầm…có mấy cái nút trên cái bồn cầu không? Đó là bảng điều khiển, nơi bạn có thể lựa chọn những chức năng như: xịt rửa phía trước rồi phía sau,… Khi bạn chỉnh chế độ với các kiểu rửa khác nhau thì từ bên trong bồn sẽ chạy ra một ống nước rất nhỏ có kiểu xịt nước và độ dài ống khác nhau để có thể hoàn thành nhiệm vụ: xịt đúng chỗ cần xịt một cách chính xác và hiệu quả nhất. Khi bạn đã xài quen mấy chức năng này thì bạn ghiền luôn, không có là khó chịu lắm. Và sau khi bạn bấm nút "Dừng" thì cái ống sẽ tự động rút vào bên trong, nên rất sạch sẽ và vệ sinh.
Ngoài ra, bồn cầu hiện đại của Nhật còn có chức năng sưởi ấm nên vào mùa đông, khi ta ngồi xuống sẽ không bị lạnh mông mà rất ấm áp, dễ chịu. Bên cạnh những chức năng cơ bản đó, nhiều cái bồn còn có những chức năng “kì quái” khác như: sấy khô sau khi rửa, rồi massage mông bằng tia nước hay chế độ tạo âm thanh gây tiếng ồn,...
Nói về chế độ tạo âm thanh tiếng ồn này thì thời gian đầu khi mình mới đến Nhật thì mình thật không hiểu chức năng này dùng để làm gì luôn. Vì khi bạn bấm nút…thì lập tức có âm thanh như tiếng xối nước hay tiếng chim hót, hay nhạc phát ra khoảng vài giây rồi ngưng. Lúc đầu, khi mình bấm lộn nút đó thì thấy hết hồn, tưởng cái bồn cầu bị hư. Rồi một thời gian sau khi mình vào nhà vệ sinh chung với mấy cô bạn Nhật thì thấy lúc mấy cô ấy “làm việc” thì thỉnh thoảng lại bấm cái nút đó tạo ra âm thanh rè rè suốt.
Thế là mình bèn hỏi ông chồng và tìm hiểu thì mới biết là mấy cô gái Nhật ngại là khi đi vệ sinh sẽ phát ra âm thanh lạ. Người ngoài nghe được thì bất lịch sự, nên lúc nào cũng phải bấm cái nút đó để phát ra âm thanh át những tiếng động nhạy cảm...Người Nhật họ nhạy cảm đến mức độ vậy luôn.
Ngược dòng lịch sử, tiền thân của cái bồn cầu hiện đại ngày nay là một cái bồn không mấy đẹp đẽ và hơi khó sử dụng, vì phải ngồi xổm. Ngày nay, ở nhiều nhà ga cũ hay trong nhiều ngôi nhà cổ, bạn vẫn có thể bắt gặp những chiếc bồn cầu kiểu cũ này, thường được gọi là Washiki Benki.
Hố xí ngày xưa của người Nhật
Ngoài ra, toalet ngày xưa trong tưởng tượng và ký ức của người Nhật là một nơi tối tăm, dơ dáy và ẩm thấp. Họ cho rằng nơi đây luôn có những con ma núp phía dưới ống cống giương đôi mắt đen ngòm hay đôi tay ghẻ guốc lên để vớ lấy chúng ta. Thật vậy, trong những câu truyện ma nổi tiếng ở Nhật có câu truyện về Toire no Hanako-san, một cô gái bị bạn bè bắt nạt và nhốt trong nhà vệ sinh. Cô đã chết một cách bí ẩn ở nơi đấy và thường xuyên hiện về để hù dọa và trả thù đám học sinh.
Tuy nhiên, nhờ kĩ thuật khoa học hiện đại ngày nay, người Nhật đã dần dần cải thiện hình dáng cũng như chức năng của cái bồn cầu trở thành một phát minh thú vị và tiện ích cho nhu cầu vệ sinh của con người. Không những thế, bồn cầu ngày nay trong ý thức của người Nhật phải là một nơi vô cùng sạch, đẹp. Họ có thể trưng bày hoa, sách, hương khử mùi, chứ không còn như nỗi ám ảnh trong kí ức ngày xưa về một nhà vệ sinh tăm tối và ma quái nữa.
Bên Nhật thường là họ sẽ vệ sinh bồn cầu hàng ngày vào buổi sáng. Có rất nhiều loại thuốc xịt rửa hay những loại khăn giấy ướt có tẩm chất tẩy rửa dùng để lau sàn và bàn cầu (chứ không cần dùng khăn lau bình thường). Do vậy, bồn cầu ngày nay của người Nhật không những hiện đại, mà rất sạch, đẹp.
Công việc lau chùi nhà vệ sinh được xem là công việc cao quí của người phụ nữ. Thậm chí, vào năm 2010, có một bài hát rất nổi tiếng và trở thành best-sellers ở Nhật nói về chuyện lau chùi nhà vệ sinh, ca khúc đó tên là Toire no Kamisama – The Toilet God. Bài hát là nói về lời dạy của người bà dành cho cô cháu gái đó là phải dọn dẹp nhà vệ sinh hằng ngày, vì đó là bổn phận của người phụ nữ. Khi nhà vệ sinh trở nên sạch đẹp thì giá trị và vẻ đẹp của người chủ nhân ngôi nhà cũng sẽ được nâng cao lên.
Bồn cầu trong trung tâm thương mại ở Nhật.
Bồn cầu ở nơi công cộng thường có rất nhiều nút bấm lạ. Như trong hình, phím có hình bàn tay là nút xả nước có gắn chế độ cảm ứng. Nút màu xanh có dây giật là nút khẩn cấp phòng trong trường hợp cần cấp cứu. Hộp màu trắng kế bên có chữ "seat cleaner" là chất để lau ghế ngồi bồn cầu. Nếu mọi người ngại không dám ngồi trực tiếp thì mọi người sẽ dùng để lau sạch mặt bồn trước khi ngồi xuống.
Ngoài ra, ở bên Nhật trong nhà vệ sinh công cộng có nhiều kiểu giật nước xả bồn cầu khác nhau và cũng ít chỗ có viết chữ tiếng Anh. Hồi xửa hồi xưa lúc Mira chưa lấy chồng mà chỉ qua Nhật chơi thăm người yêu và cũng không biết một chữ tiếng Nhật thì đã rất bối rối vì không biết chỗ nào là nút xả toilet. Thế là Mira bèn bấm cái nút khẩn cấp. Bấm xong bảo vệ chạy qua liền xem có chuyện gì xảy ra không! Còn cô bạn khác của mình cũng không biết nút xả là nút nào nên không thể chui ra khỏi toalet được vì “chiến trường” chưa dọn dẹp xong. May là cô có mang từ điển và cũng biết vài từ tiếng Nhật nên đứng trong buồn vệ sinh dò một hồi cũng ra.
Hầu hết hai nút khẩn cấp và xả nước gần nhau quá nên mấy bạn Nhật sau khi “xả” xong cũng mắt nhắm mắt mở nhầm khá nhiều. Vậy nên, hầu hết đều có dán giấy cảnh báo rất nổi bật: "Chú ý không bấm nhầm nút". Thế mới biết, hiện đại nhiều quá nên lắm lúc cũng hại điên!.