Đã lâu lắm sáng nay, cũng là ngày cuối tuần tôi mới đi lại trên phố Hàng Bông, chợt nhận ra ngõ Tạm Thương Hà Nội. Rồi như một "quán tính" vô hình, tôi vội xuống xe, dắt vào con ngõ, như thể dối lòng, để mong bắt gặp chút lắng đọng xưa về nhịp sống chầm chậm của Tạm Thương.
Trong ký ức tôi về con ngõ Tạm Thương Hà Nội xưa là đình Yên Thái, là giếng nước cổ, Hợp quán… Và cả câu nói ví von đã một thời tôi thuộc nằm lòng: “Ngõ Tạm Thương, thương em thì ngỏ…”.
Chỉ rẽ từ phố Hàng Bông vào con ngõ này thôi, mấy bước chân mà xúc cảm đã như khác hẳn nhau. Tạm Thương vẫn thế, có những nét riêng và mang sắc thái của một trong những con ngõ hiếm hoi đậm chất Hà Nội xưa, sót lại đến ngày nay.
Người Hà Nội vốn dĩ nặng lòng, khi những giá trị cũ - mới đã đan xen, đổi thay, người ta lại muốn tìm về với ngõ xưa. Mà Tạm Thương là tên gọi quá đỗi dịu dàng, như Nhà thơ Chế Lan Viên đã trải lòng về con ngõ:
"Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương/ Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm/ Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/ Thương một đời đâu phải Tạm Thương!”.
Quả thật ngõ Tạm Thương Hà Nội hẹp lắm, dài đâu chừng 800m ăn thông sang ngõ Yên Thái. Ở chính giữa ngõ lại gấp khúc hình chữ "chi", nơi mà ngày nay còn lưu giữ được là ngôi đình thờ Nguyên phi Ỷ Lan - một phụ nữ trung liệt, vị hoàng hậu từng buông rèm nhiếp chính, có tài trị quốc thay chồng đánh giặc phương xa. Theo sử sách thì tên gọi Tạm Thương có từ đầu thế kỷ XIX vào thời triều Nguyễn. Lúc đầu ngõ có tên Trạm Thương, khi tại đây có đặt một kho thóc chứa tạm thóc thuế của dân nộp trước khi chuyển vào kho chính. Trải qua thăng trầm lịch sử, cái tên Trạm Thương đó đã chuyển thành Tạm Thương như chúng ta biết đến ngày nay.
Ngõ Tạm thương ngày nay.
Một buổi sáng trong bảng lảng sương giăng kín ngõ, người lữ khách bỗng như thấy lại cả một trời thương nhớ xưa, một không gian hoài niệm cũ. Hiếm hoi lắm giữa đô thị sầm uất còn lưu giữ đủ hình ảnh cây đa, quán nước, sân đình, giếng cổ của một ngôi làng đặc trưng Bắc Bộ. Cho dù cũng có những ngôi nhà đã cách tân mới, nhưng vẫn không thiếu những nét kiến trúc của ngõ xưa còn hiện hữu. Như chiếc giếng cổ còn sót lại trong con ngõ này, mà niên đại đã lên đến hàng trăm năm tuổi.
Thực tế ngõ Tạm Thương Hà Nội ngày nay bắt đầu chỉ nhộn nhịp từ khoảng 4 giờ chiều, kéo dài đến nửa đêm. Nhịp sống cũ tạm thời cất lại, để bắt đầu một nhịp sống hối hả hơn dành cho những người mới, một thế hệ giới trẻ phần đông biết Tạm Thương là nơi nổi tiếng bởi các hàng nem chua rán, quán nhậu bình dân. Cũng rẻ thôi, chỉ cần vài chục nghìn lẻ là các "nam thanh nữ tú" đã có thể ngồi kề cà thưởng thức nem chua rán nóng hổi, ăn kèm dưa chuột, củ đậu, khoai tây chiên... Còn với "đệ tử lưu linh", có lẽ chẳng gì thú vị hơn là một buổi đưa cay trong không gian ngõ phố, giữa mùa đông sương giăng hay chút mưa thu đang vẫn vũ ngoài kia...
“Giấc mơ trôi dạt giữa đêm…
Về phố…
Thương suốt đời sao còn đặt tên ngõ…
…Tạm Thương?".