Thay vì bị bỏ hoang, căn nhà này đã may mắn được “phù phép” và trả lại giá trị sử dụng vốn có của nó.
Căn nhà đã có 70 năm tuổi đời này chỉ rộng vỏn vẹn 40m². Không gian hẹp và sâu nên vô cùng bí bách. Do lâu năm không tu sửa nên nó đã xuống cấp trầm trọng. Tường bị tróc vữa, bồn nước và ống nước rỉ sét, ố vàng. Những mảng mốc xuất hiện ở khắp nơi, rất dễ gây hại đến sức khỏe.
Khu vực đầu tiên khách thấy khi bước vào nhà là phòng bếp. Căn phòng này chỉ có diện tích 3m², bàn thao tác bếp vừa nhỏ lại vừa cáu bẩn, trong phòng cũng không có chỗ để bàn ghế hoặc tủ lạnh. Chủ nhà chỉ có thể đặt một chiếc bàn nhỏ trong phòng ngủ để ăn cơm, thật sự vô cùng bất tiện. Vì vậy, chắc chắn chủ nhà rất mong có thể cơi nới nhà bếp để có những bữa cơm quây quần đầm ấm với gia đình.
Cùng chung “số phận” với gian bếp, phòng ngủ cũng chỉ có chiều rộng vỏn vẹn 3 mét. Nếu đặt một chiếc giường 2 mét trong phòng, phần không gian ít ỏi còn lại xem như bị mất trọn và chỗ để kê bàn ăn cơm cũng không còn. Tường trong phòng ẩm mốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh dị ứng, hô hấp.
Phòng vệ sinh cũng không kém cạnh với hình ảnh làm “nhức mắt” người nhìn. Trừ phần bồn cầu được cọ rửa thường xuyên, tường, sàn và ống nước đều thể hiện rõ sự xập xệ. Ngoài ra, nhà vệ sinh chỉ có bồn cầu và vòi hoa sen, còn chủ nhà rửa mặt, đánh răng, giặt quần áo ở đâu thì… không cần biết.
Căn nhà này còn có một phòng nữa được xây ngoài sân, nhưng lại không đón nắng, không thông gió nên cuối cùng trở thành một gian phòng tối. Khu vực sân ban đầu vốn rộng 11m² nhưng giờ chỉ còn lại khoảng sân chật hẹp chưa đầy 1m². Có lẽ giờ chủ nhà chỉ dùng nó để làm chỗ… đổ rác.
Nói chung, với kết cấu dài, hẹp, chia làm nhiều gian nhỏ và tình trạng xuống cấp hiện giờ, việc cải tạo, trả lại sức sống cho căn nhà này không hề dễ dàng. Nhưng may mắn thay, một nhà thiết kế đã giúp căn nhà có cơ hội “đổi đời”, biến mọi căn phòng lại thành một, tạo nên không gian mở đa chức năng.
Sảnh chính được ngăn đôi, một bên là phòng khách, một bên là tủ giày kiêm bồn rửa tay. Khách vào nhà sẽ có thể thay giầy ngay và rửa tay sạch sẽ. Đặc biệt, ở phòng khách có một chiếc giường “âm tường”, chỉ khi cần nghỉ ngơi mới kéo ra sử dụng, giúp tiết kiệm không gian tuyệt đối.
Phòng bếp cũ được cải tạo thành không gian 2 trong 1: tủ để quần áo và phòng làm việc. Nhà thiết kế còn bày biện thêm cây cối, bố trí đèn dưới từng giá để cây, tạo nên không gian xanh, sáng sủa và khá thoáng. Vậy còn phòng bếp mới ở đâu?
Nhà thiết kế đã “hy sinh” diện tích sân, cải tạo thành phòng bếp rộng tới 9m². Phần trần nhà bằng kính lộ thiên giúp tạo thêm độ sáng cho căn phòng. Bàn bếp là loại có thể gấp mở tùy ý, sức chứa đủ cho 8 người. Phòng bếp này được ngăn cách với phòng khách bằng một tấm rèm trang nhã.
Nhà vệ sinh được thay cửa và lát gạch mới cho tường. Lớp gạch mới được sơn màu trắng để tạo cảm giác không gian rộng rãi hơn, kết hợp tinh tế với cửa trượt màu nâu gỗ và vòng treo trang trí. Sàn tắm trong nhà vệ sinh được lát bằng ván gỗ để tránh trơn trượt và tạo thêm màu sắc cho căn phòng.
Cuối cùng là đến lượt “khu đổ rác” xấu xí, bốc mùi lúc trước. Nhà thiết kế đã cho sơn lại tường thành màu hồng tươi tắn, xếp thêm bộ bàn ghế, lò nướng BBQ. Đây chắc chắn sẽ là nơi tắm nắng, thưởng thức trà nóng, cà phê lý tưởng dành cho chủ nhà.
>> XEM THÊM: Ông lão xin cây đổ về đầy nhà làm sàn, ai cũng trầm trồ khi thấy thành quả