Chuyện nhà cửa oi bức nóng nực không chỉ đơn thuần do thời tiết, khí hậu và không thể hạ nhiệt cho ngôi nhà chỉ bằng cách bật máy lạnh.
Có nhiều cách làm mát cho ngôi nhà thuận với phong thủy.
Hỏa (sức nóng) tại nơi cư ngụ phát sinh từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài bởi nhiều căn nguyên: dịch lý, vật lý và cả tâm lý. Lẽ thường theo ngũ hành thì “Mộc sinh Hỏa”, nhưng thực ra trong giải pháp phong thủy nếu biết tăng Mộc thì hoàn toàn có thể giảm Hỏa cho ngôi nhà.
Mộc ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng – đó là cách thức cư xử trong xây cất và bài trí biết tôn trọng thiên nhiên, cũng là nguyên tắc cơ bản của trào lưu kiến trúc xanh đang thịnh hành hiện nay.
Học theo cách nhà xưa
Không phải là học kiểu dáng hay sao chép lại chi tiết của ngôi nhà truyền thống, cũng không phải mô phỏng, bắt chước những biệt thự kiểu “Tây”, mà cần đúc kết tinh thần thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng của dân Việt trên đất Việt vốn ở trong vùng nhiệt đới gió mùa nóng ẩm.
Khoảng trống quanh nhà được “mềm hóa” bởi cây cỏ và mặt nước – để cho “đất thở” cũng là giúp con người dễ thở hơn.
Tinh thần đó thực ra được ứng dụng khá phổ biến cách nay chưa xa, ví dụ như những kiến trúc hiện đại ở Sài Gòn thập niên 1960-1970 với các nguyên tắc chọn hướng nhà, vật liệu, cách thức che nắng, thông gió… tới giờ vẫn không hề lỗi thời về giải pháp cũng như hình thức của hệ lam chắn nắng, lọc bớt sự chói chang, cản được oi bức mà vẫn cho gió vào ra đủ đầy.
Hình nào thì tạo ra thế ấy, khoa học phong thủy luôn nhắc nhở người làm nhà và người cư ngụ quan tâm đến việc tạo thế trước khi tạo hình. “Vợ hiền hòa – nhà hướng Nam”, nếp nhà xưa tạo thế rất khôn khéo nhờ biết mở cửa, xoay mặt nhà dài về hướng Nam để các mảng tường đầu hồi và công trình phụ sang trục Đông – Tây.
Nhờ vậy, các phòng ốc sinh hoạt chính trong nhà luôn được hưởng đủ nắng gió cần thiết nhưng không bị quá nóng hay quá lạnh. Mái nhà và hàng hiên kiểu Việt cũng là nét đặc trưng trong cách ứng đối uyển chuyển với cái nóng gay gắt: vươn rộng nhẹ nhàng, ngăn bức xạ trực tiếp, tạo bóng đổ xuống thấp và thoát khí nóng lên cao.
Nội thất được bài trí gọn ghẽ, ít “trưng bày” tạo cảm giác “dịu mắt” hơn.
Sau nhà mượn chuối lá to thân xốp che gió lạnh, trước ngõ nhờ cau thân thẳng dáng xinh đón nắng lành. Cha ông ta trong cái khó ló cái khôn, chỉ với hàng hiên giản dị, mấy tấm liếp đóng mở linh hoạt là đã tạo được vùng đệm giảm nhiệt hữu hiệu.
Nhiều công trình hiện đại như Thư viện Khoa học Tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất)… đã biết kế thừa khá hiệu quả kinh nghiệm này.
Nhưng hình như việc thiết kế nhà ở tư nhân hay chung cư cao tầng hiện nay lại hay bị “quên”, khi khá nhiều mặt ngoài nhà hướng Tây chói chang nắng chiều cũng cứ mở cửa sổ rộng, hoặc việc dùng mấy mảng lam chỉ để thuần trang trí, không quan tâm mỗi hướng khác nhau cần có hình thức lam đứng, lam ngang, hay lam xiên khác nhau.
Do tính chất Mộc sinh Hỏa nên nếu lạm dụng vật liệu gỗ trong nhà sẽ khiến tăng thêm cảm giác nóng nực, nhất là trong nhà phố hẹp. Nên học tập mô hình nhà vườn truyền thống: Mộc bên trong thì phải có Mộc bên ngoài làm xiêm áo che chở.
Nhà đứng trong vườn, vườn che chở nhà, đó là trường hợp có đất rộng, chứ nếu vào nhà ống hun hút không có vườn thì phải khéo mở những khoảng rỗng để đan cài cây xanh vào trong những khoảng giếng trời ít ỏi không thể thiếu.
Dùng Thủy để khắc Hỏa cũng là cách hiệu quả, từ việc bố trí hồ nước, quan hệ nhà – ao – vườn theo mô hình sinh thái khép kín truyền thống cho đến đặt hòn non bộ, làm thác nước nhân tạo… trong điều kiện đất đai phố thị chật hẹp.
Bớt cứng, tăng mềm, nhà sạch thì mát
Khoa học đã chứng minh các bề mặt bê tông hay kim loại luôn tích nhiệt và nhả nhiệt nhiều hơn là các bề mặt “mềm”, rỗng, xốp, có khoảng đối lưu khí bên trong và chung quanh. Vì thế, thay vì lát gạch kín mít, hãy dành chỗ để đất thở và thấm nước, để cỏ cây len lỏi, tỏa bóng.
Thay vì làm những mảng tường mảng kính bít bùng, tại sao không tăng cường các mảng đặc đan xen với rỗng, đặt lam đúng chỗ, đóng mở tùy theo công năng?
Nguyên tắc thông gió tốt cho nhà là phải có lối cho gió vào gió ra, luân chuyển đối lưu, nếu thấy nhà nóng bức khó chịu thì cần kiểm tra lại các giải pháp nội ngoại thất để nhận diện nguyên nhân làm cản trở sự lưu thông không khí, như một số trường hợp cần tránh dưới đây:
- Nhà dùng nhiều mảng kính cố định, gây ra hiện tượng bẫy nhiệt tích tụ bên trong. Việc chia nhiều phòng cũng góp phần cản gió, đồng thời gây cảm giác chật chội và ngăn cách, tạo thêm nhiều bề mặt tỏa nhiệt.
- Trồng cây dĩ nhiên góp phần làm dịu mát, che nắng tốt, nhưng nếu trồng quá nhiều thì cũng gây ra cản gió, lưu bụi trên bề mặt lá. Cần chọn lọc loại cây trồng theo hướng nhà cụ thể, ưu tiên cho những chỗ bị nắng gắt, có phối hợp cây xanh và mặt nước.
- Bố trí vật dụng lộn xộn thiếu quang đãng, nhất là các thiết bị máy móc tỏa nhiệt nhiều. Ngay cả rèm cửa bằng vải dày, bàn ghế nệm cũng đều là các vật tích bụi và cản gió.
Vật liệu che nắng dù là cừ tràm, tre nứa… giản dị, giá rẻ nhưng dùng đúng chỗ vẫn đem lại hiệu quả cao
Mỗi khi dọn dẹp nhà cửa, bụi bặm sẽ được… tung lên mù mịt rồi tiếp tục lưu lại trên các bề mặt đồ vật gây nên nhiều nguy cơ mầm bệnh. “Nhà sạch thì mát” cần hiểu theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng để môi trường ở trong lành hơn.
- Thiếu các bề mặt “mềm” như thảm cỏ, mặt nước… cũng khiến ngôi nhà dù có gió vẫn bị nóng do các bề mặt cứng như sân gạch, vỉa hè, đường sá… hấp thu nhiệt rồi phản xạ vào nhà. Do vậy, ngôi nhà “sạch” về vệ sinh và thẩm mỹ đồng nghĩa với việc chủ nhân biết chắt lọc các vật liệu, kết cấu, bố trí đồ đạc… sao cho hợp với điều kiện khí hậu chung quanh.
Chủ nghĩa tối thiểu (minimalism) hay phong cách Thiền (Zen) trong kiến trúc gần đây đang phát triển mạnh chính là xuất phát từ thực tế mong muốn giảm thiểu vật dụng trang trí rườm rà, tạo nhiều khoảng trống để ngôi nhà dễ hô hấp hơn.
Trồng cây trên mái, một giải pháp hữu hiệu chống nóng, chống thấm, tăng mảng xanh đáng kể cho không gian đô thị.
- Việc bố trí ánh sáng hợp lý cũng giảm Hỏa tốt hơn. Ví dụ ban đêm (âm thịnh) dùng nhiều ánh sáng vàng, chiếu sáng điểm và bổ sung đèn pha vào các góc khuất, trong khi ban ngày (dương thịnh) cần bổ sung ánh sáng trắng, ánh sáng khuếch tán để làm dịu không gian.
Việc lạm dụng đèn mắt ếch, đèn pha và đèn chùm cũng gây ra những mảng sáng gắt và nóng. Có thể kiểm soát cường độ ánh sáng bằng cách dùng chụp đèn, dùng các bề mặt hắt sáng gián tiếp và giấu đèn trong các chi tiết trang trí như hồ cá cảnh, quầy bar…
Dùng đủ đèn vào các không gian cần thiết chứ không nên bật nhiều đèn cùng một lúc vì sẽ làm nhiệt độ trong nhà tăng cao đáng kể.