Phong tục thờ cúng gia tiên tồn tại trong dân gian Việt Nam bao đời nay. Đây là nơi con cháu tỏ lòng hiếu thảo của mình với người đã khuất và mang lại niềm tin, chỗ dựa giúp con cháu đủ sức vươn lên trong xã hội.
Với mỗi vùng miền sẽ có những cách thờ cúng khác nhau. Do không gian thờ cúng có ý nghĩa tâm linh với gia đình nên yếu tố gần gũi và giáo dục truyền thống cần được đặt lên hàng đầu. Điều này sẽ giúp kết nối các thế hệ và giữ nề nếp, gia phong của gia đình.
Trong ngôi nhà truyền thống của người Việt, bàn thờ tổ tiên thường đặt tại gian chính, gian chính lại là chỗ tiếp khách nên nhiều người cho rằng hai không gian này là một. Vì thế, một số nhà xây mới hiện nay vẫn có thói quen để bàn thờ ngay tại phòng khách. Tuy nhiên, nếu có không gian vẫn nên làm gian thờ riêng biệt bởi các lý do sau:
- Thứ nhất, tránh được việc đi từ ngoài cửa vào đã nhìn thấy bàn thờ, hình ảnh tổ tiên. Hơn nữa, bàn thờ thuộc tĩnh, không hợp với sự phô trương.
- Thứ hai, bàn thờ ngay cửa chính sẽ đón nhận nhiều sát khí từ ngoài vào, hoặc dễ có gió thổi làm động bát hương.
- Thứ ba, bàn thờ chính gian giữa, người khấn đứng quay lưng ra cửa, sẽ có cảm giác bất an, khó tập trung tư tưởng khi khấn, làm mất tính trang nghiêm.
Tốt nhất nên cân nhắc vị trí đặt bàn thờ ngay khi bắt đầu thiết kế xây nhà sao cho phù hợp. Ví dụ, muốn đặt dưới tầng một thì bàn thờ nên nằm sát giếng trời hoặc trong khoảng thông tầng, nằm ở phía sau nhà và không lộ diện ra phòng khách. Khi đặt trên tầng, bàn thờ nên kín đáo với người ngoài và gần gũi với người trong gia đình.
Với nhà chung cư, bàn thờ vẫn phải đảm bảo sự thông thoáng, nhưng kín đáo và thống nhất về hình thức sao cho tương ứng với không gian căn hộ.
Nguyên tắc chiếu sáng ở phòng thờ
- Phòng thờ của gia đình phải tạo được không khí trang nghiêm, ấm cúng, gần gũi tránh tạo cảm giác lạnh lẽo.
- Phòng thờ thường được bố trí có diện tích nhỏ, do vậy bạn nên chọn những đèn treo nhỏ cho tương xứng với phòng, tránh treo các loại đèn chùm lớn gây mất cân đối. Cần lưu ý là bố trí ánh sáng đèn không được chiếu thẳng vào người ngồi khi hành lễ cúng bái.
- Nếu tường sơn của phòng thờ có màu sáng thì không nên lắp nhiều bóng đèn sẽ ảnh hưởng đến tính chất trang nghiêm của nơi thờ cúng. Chỉ nên bố trí khoảng 2 đến 3 loại ánh sáng.
- Tường có treo tranh nên bố trí hai đèn âm tường cân xứng hai bên bức tranh.
Bài trí trên bàn thờ
Tùy theo kích thước ngôi nhà, điều kiện sinh hoạt... mà việc bày trí bàn thờ gia tiên khác nhau. Thông thường có 1 đến 3 bát hương, bát hương ở giữa thờ chung thần linh thổ địa, bát hương hai bên là thờ gia tiên và bà cô ông mãnh.
Phía trước bát hương: Ở giữa bày cái đài nhỏ, với ba chén đựng nước sạch. Hai bên là hai đĩa bày hoa quả tươi và trầu cau, hoặc tiền vàng mã.
Phía sau bát hương: Là bộ bình để hoa tươi, hương và nến. Tùy theo chất liệu mà sự bày trí cũng khác. Với đồ sứ: Bộ tam sự bao gồm bát hương, hai cây đèn (hoặc hai con hạc đội đèn), bộ ngũ sự có thêm hai bình (dựng cắm hoa tươi và để hương); bộ thất sự có thêm hai bình (đựng nước và gạo). Với đồ đồng: Tam sự có đỉnh đồng thay thế bát hương, và hai con hạc, ngũ sự có thêm hai ống hương và thất sự có thêm đôi đèn. Như vậy, bày trí của đồ đồng có tính trang trí thẩm mỹ là chính còn bày trí của đồ sứ thiên về tính thờ cúng và tâm linh hơn.
Khi bố trí bàn thờ Phật cần cao hơn và tách biệt bàn thờ gia tiên.
Bố trí hoành phi, câu đối phòng thờ
Trong không gian thờ cúng tổ tiên của mỗi gia đình người Việt đều dành một phần trang trọng nhất để treo những bức hoành phi, câu đối. Đây là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người dân.
Hoành phi thường được sơn son chữ vàng, có bức hoành phi hình cuốn thư. Chữ viết trên hoành phi đều tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên, ghi tụng công đức của tổ tiên, ghi lại những lời răn dạy con cháu, hoặc thể hiện ước nguyện cầu mong sự bình an, thái bình.
Hai bên bàn thờ còn có đôi câu đối. Ngoài dùng trang trí, đôi câu đối còn ghi lại những lời răn dạy con cháu những giá trị đạo đức truyền thống, ca ngợi truyền thống của dòng họ hoặc cầu mong thái bình, thịnh vượng.
Những điều kiêng kỵ với bàn thờ
- Ngoài những kiêng kỵ như trên, bàn thờ không đặt cạnh tường bếp đun, không dựa lưng vào nhà vệ sinh, hay không nằm dưới hay trên vệ sinh, hạn chế đặt ở ban công...
- Kiêng kỵ về cách cục, trong phong thủy bàn thờ được coi như kháo sơn, cần đặt ở nơi có sơn tinh đang vượng. Như năm nay chúng ta đang ở trong vận 8, bàn thờ nên đặt nơi có Cửu Tử hay Nhất Bạch đáo sơn.
- Kiêng kỵ về thời gian lập bàn thờ: Việc lập bàn thờ thường được tiến hành đồng thời với nhập trạch, nên việc lựa chọn thời gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sau này. Ngoài thời gian phù hợp với nhập trạch, cúng tế hay hợp tuổi gia chủ, người ta còn chú ý đến thời điểm có sao Bát Bạch để hóa giải sát khí.
- Kiêng kỵ về người lập bàn thờ: Người xưa cho rằng phụ nữ mang thai có nhiều tạp khí, không nên động chạm vào bàn thờ hay bát hương. Hơn nữa, người bốc bát hương nên là gia chủ, chứ không nhất thiết phải nhờ người khác, cốt sao là sự thành tâm và tay chân sạch sẽ khi thực hiện.
- Kiêng kỵ về bố trí trên bàn thờ: Bàn thờ là nơi thờ cúng gia tiên chứ không phải nơi phô trương hay trưng bày, những thứ không liên quan đến thờ cúng không bày lên bàn thờ, nhất là giấy công đức ở đình chùa. Nếu thờ gia tiên cùng Phật hay thờ mẫu, cần tách riêng bàn thờ Phật hay thờ mẫu, bàn thờ gia tiên để thấp hơn và tách biệt.
- Kiêng kỵ về đồ lễ trên bàn thờ: Quan trọng nhất là hương hoa, tức hương thắp, hoa quả tươi, hoa tươi và nước sạch. Tránh các loại đồ giả như hoa quả nhựa. Đồ thờ cúng xong rồi nên bỏ xuống để thụ lộc, tránh bày để từ tháng này qua tháng khác. Không nên để lễ mặn, hay tiền mặt lên bàn thờ.