Không có giá trị nhiều về kinh tế và chỉ mang tính ăn cho vui là chính, thế nhưng nhiều loại trái, quả dại núi rừng luôn thu hút lũ trẻ ở vùng thôn quê, miền núi kéo nhau kiếm tìm mỗi khi rảnh rỗi.
1. Trái quăng đỏ au
Từng mọc rất nhiều ở dọc bìa chân đồi và bìa núi của Quảng Ngãi, trái quăng có hình tròn, mọc thành từng chùm, kích cỡ nhỏ hơn ngón chân cái người lớn, vỏ màu đỏ sậm.
Trái quăng
Mùa quăng chín hàng năm thường vào tầm thời gian từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6, đúng vào dịp nghỉ hè nên khá đông lũ trẻ ở các vùng quê kéo nhau mang sào đi đập trái quăng để ăn.
Một cành quăng lúc lỉu quả
Tuy lớp vỏ bao bọc bên ngoài khá dày nhưng có thể bóc tách trái dễ dàng bằng móng tay. Hạt quăng to và lớp thịt mỏng có vị ngọt pha lẫn chua chua vô cùng riêng biệt.
2. Chua ngọt trái chay
Cùng với mọc tự nhiên ở đồi, bìa rừng, cây chay hiện được người dân ở nhiều vùng đồng bằng, thành thị trong tỉnh Quảng Ngãi trồng khá nhiều để lấy bóng mát và trái để ăn. Trái chay to cỡ trái chanh, khi chín màu vàng cam, ruột hồng và có nhiều hạt.
Trái chay
Không phải do bề mặt ngoài nhìn láng mịn như nhung, hay màu vàng ươm khi chín; mà chính vị chua ngọt của phần thịt mới là điểm nhấn để loại quả dại núi rừng này hấp dẫn nhiều người, nhất là giới trẻ.
Cây chay trưởng thành thường cao trên 5m
Ngoài ăn như nhiều loại trái, quả khác; trái chay còn có thể chế biến làm thức ăn cho bữa cơm gia đình, như dầm nước rau muống luộc, nấu chua hoặc kho với cá.
3. Sim rừng tím lịm
Mọc thành bụi với chiều cao chỉ từ 1-3m, khi chín vỏ màu sẫm, cơm có vị ngọt, hơi chát và nhiều hạt nhỏ, sim rừng luôn thu hút lũ trẻ tìm hái.
Sim thường chín rộ nhất vào tầm từ tháng 6-8
Theo đó cứ đến tầm từ tháng 6-8 hàng năm, khi sim rừng chín rộ nhất, vào buổi sáng sớm hay chiều mát, không chỉ trẻ con mà nhiều người lớn ở gần các vùng đồi núi lại rủ nhau đi hái về ăn, hoặc bán với giá từ từ 5.000-7.000 đồng/lon (khoảng 250 gram)
Cơm sim có vị ngọt, hơi chát nên rất được lũ trẻ yêu thích
4. Chùm chày ngọt thanh
Theo lời một số người thì gọi tên chùm chày là bởi trái dài, có đầu tròn như cái chày và quả mọc thành từng chùm. Không như một số loại cây trái rừng khác chỉ mọc ở núi cao, chùm chày mọc nhiều ở chân đồi, ven bìa núi của đồng bằng.
Chùm chày khi chín có màu đỏ nằm ẩn trong lá
Cây chùm chày trưởng thành có chiều cao từ 0,5-1,5m, thường mọc chung với loài cây bụi khác. Trái dài bằng ngón tay người lớn và có kích cỡ to bằng đầu đũa ăn cơm. Khi còn non có màu xanh, đỏ hồng khi già và lúc chín màu đỏ sậm, lớp thịt mỏng và hạt to có vị ngọt nhẹ và thanh.
Chùm chày là thứ quả dại núi rừng thường được người lớn tìm hái để mang về cho trẻ con ở nhà ăn
Trái chùm chày không mọc riêng lẻ mà thành từng chùm, với số lượng ít thì từ 2-4 trái chùm, nhiều từ 5-12 trái/chùm.
5. Vàng ươm chùm trái dủ dẻ
Trái dủ dẻ có màu vàng ươm, cơm ngọt thanh nên lũ trẻ rất thích
Cũng như chùm chày, dủ dẻ mọc nhiều ở vùng ven đồi, bìa núi vùng đồng bằng. Loại quả dại núi rừng này có khi mọc riêng một mình hoặc xen lẫn với các loài cây bụi khác.
Hoa dủ dẻ rất thơm nên được trẻ con hái để ngửi hoặc bỏ vào túi quần, áo
Cây dủ dẻ trưởng thành cao trung bình khoảng 1m, trái mọc thành chùm, với số lượng từ 3-8 trái/chùm, khi non có màu xám nhạt và lúc chín thì màu vàng, thịt mỏng và có vị ngọt thanh, hoa có màu vàng nhạt và rất thơm.
Dủ dẻ ra trái gần như quanh năm, vì vậy mỗi khi rảnh rỗi trẻ con ở vùng thôn quê thường hay í ới gọi nhau đi tìm hái dủ dẻ để ăn, đồng thời hái cả bông để ngửi, hoặc bỏ vào túi quần áo cho thơm.