Không chỉ có cách thêu tranh chữ thập nhanh và đẹp, anh Nguyễn Thanh Tùng (Ninh Thuận) còn tự "sáng chế" ra khung thêu có bốn chân cực kì tiện lợi.
Tranh thêu chữ thập (hay còn được gọi là tranh thêu Cross Stitch) đã làm mưa làm gió trong cộng đồng chị em phụ nữ từ rất lâu, nhưng đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Thêu tranh chữ thập tưởng chừng đơn giản và chỉ là sở thích để “giết thời gian” lại đòi hỏi không những sự tỉ mỉ, cẩn thận mà còn cả kỹ thuật thêu tranh khéo léo.
Cần độ khéo và kiên nhẫn là vậy, nhưng niềm đam mê thêu tranh chữ thập giờ đây không chỉ của riêng chị em phụ nữ nữa, mà đã "lây" sang cả những đấng mày râu vốn chẳng yêu thích những công việc đòi hỏi sự khéo léo. Ông bố Ninh Thuận đam mê thêu tranh còn hơn cả vợ và hai con gái dưới đây chính là một "tấm gương" như vậy.
Vô tình được cô con gái kể chuyện về việc thêu tranh và chia sẻ đầy tự hào trong một bài đăng trên mạng xã hội, anh Nguyễn Thanh Tùng (Ninh Thuận) khiến nhiều chị em ngưỡng mộ vô cùng. Niềm đam mê tranh thêu chữ thập của anh tình cờ xuất hiện từ khi cô con gái lớn mang về nhà một bức tranh thêu đã hoàn chỉnh.
Các tác phẩm tranh thêu ấn tượng của anh Tùng khiến các chị em khâm phục.
Nhìn thấy bức tranh hoàn thiện đẹp đẽ đó, anh bắt đầu thấy thích thú công việc thêu tranh và muốn tự làm được thật nhiều những bức tranh thêu còn đẹp hơn thế.
Nghĩ là làm, ban đầu, anh Tùng mua hai bộ tranh thêu để mình và cô con gái nhỏ tên Uyên cùng thêu. Nhưng cuối cùng, theo lời Uyên kể, Uyên lại là người "bỏ cuộc" trước cả ba mình.
Khung thêu tiện lợi có 4 chân như chiếc bàn do anh Tùng "chế" ra.
Yêu thích thêu tranh, lại rất cẩn thận, nên công đoạn nào, anh Tùng cũng muốn tự mình làm hết. Mới đầu, anh tự làm khung thêu cầm tay để thêu nhanh hơn, nhưng cầm lâu thấy mỏi tay, không phù hợp, anh lại "sáng chế" ra một loại khung thêu có bốn chân như cái bàn. "Lúc chuyển sang làm khung bốn chân, thêu được hai, ba bức, ba em than mỏi mắt, đau lưng, thế là ba lại lấy khung thêu ra chế tiếp đến bao giờ vừa ý mới thôi" - Uyên vui vẻ chia sẻ.
Anh Tùng cặm cụi bên khung thêu.
Thêu nhiều đã quen tay, nên anh Tùng có cách thêu tranh chữ thập khá hay và nhanh. "Ba em phân rõ từng bước rồi mới thêu. Đầu tiên ba em mua thật nhiều kim, tách hết các màu chỉ của bức tranh thêu đó (đó cũng là nhiệm vụ của em - tách chỉ). Ba hơ chỉ qua bật lửa rồi làm dẹp đầu chỉ sẽ luồn kim nhanh hơn. Ba em sẽ luồn những màu sắp làm và găm sẵn lên khung, như thế vừa tiện lại nhanh hơn nhiều".
Tranh thư pháp...
... hay tranh phong cảnh, bức nào cũng được đóng khung lồng kính cẩn thận.
Uyên chia sẻ, từ Tết đến khoảng một tháng trước đây mẹ của em khuyên ba Tùng nên nghỉ thêu cho đỡ đau mỏi, chỉ đọc sách thôi. "Nhưng đọc sách mãi cũng chán, lại nhớ nghề, nên ba em lại mang về hai bức tranh thêu dài hơn một mét, rồi lại cặm cụi ngồi thêu mãi".
Ngồi thêu tranh đau lưng, mỏi mắt, cần phải thật tỉ mỉ và cẩn thận như vậy, nhưng anh Tùng vẫn rất chăm chỉ, cặm cụi ngồi thêu. Những bức tranh anh đã thêu xong được đóng khung, lồng kính cẩn thận và treo trang trí khắp nhà. Mỗi khi có đồng nghiệp hay bà con hàng xóm đến chơi và khen tranh đẹp, anh đều thấy vui lắm, lại có động lực để tiếp tục thêu.
Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Tùng và con gái lúc nào cũng đầy những bức tranh thêu lớn rất đẹp.
Mỗi khi có đồng nghiệp hay bà con hàng xóm đến chơi và khen tranh đẹp, anh Tùng đều thấy vui lắm.
Căn nhà nhỏ của anh Tùng cùng vợ và hai cô con gái giờ lúc nào cũng đầy những bức tranh thêu lớn rất đẹp và hoành tráng, tranh sông biển, thác nước, tranh phong cảnh, thư pháp,... không thiếu loại nào. Bức nào cũng được đóng khung và treo lên cẩn thận, trang trọng. Cô bé Uyên chia sẻ: "Có người hỏi mua bức tranh thêu lớn, nhưng vì bức ấy tốn công sức nhất nên ba em không muốn bán, mà để ở nhà treo cho đẹp".
>> XEM THÊM: Dân mạng "phát sốt" với chiếc ghế ăn dặm bố "tự chế" cho con, mấy năm vẫn bền chắc