Trong phong thủy, Tỳ Hưu được ưa chuộng chỉ sau Rồng. Tuy nhiên, khi bày Tỳ Hưu hút tiền tài cần nhớ một số cấm kị để tránh tăng thêm vận hạn.
Tỳ hưu là một linh vật trong truyền thuyết. Nó có hình dáng giống Kỳ Lân nhưng người dài hơn một chút vì là con thứ chín của Rồng. Theo truyền thuyết kể lại, khi sinh ra Tỳ Hưu bị dị tật không có hậu môn nên chỉ vài ngày sau khi chào đời liền về trời. Ngọc Hoàng Thượng đế thương tình thấy Tỳ Hưu còn đỏ hỏn nên đau xót ban cho thành thần.
Tỳ hưu có mặt con lân đực nhưng lại có một sừng và có râu, mình to, mông to như mông bò, đuôi dài, có chùm lông đuôi rậm. Thức ăn của chúng là vàng bạc, châu báu. Vì không có hậu môn do vậy vàng bạc chỉ có vào mà không có ra. Vì vậy, Tỳ Hưu được ưa chuộng bày trong nhà ở, văn phòng để tiền vào như nước.
Tác dụng của Tỳ Hưu trong phong thủy
Tỳ Hưu là một trong những vật phẩm phong thủy phổ biến nhất trên thị trường. Tác dụng của nó chỉ đứng sau Rồng. Tỳ Hưu có thể được coi như một sinh vật mang điềm lành, sở hữu sức mạnh thần bí có khả năng bảo vệ của cải khỏi thất thoát.
Tỳ Hưu cũng được sử dụng để chống lại những năng lượng tiêu cực của sao Thái Tuế. Chúng có thể được đặt tại các khu vực bị chiếu hoặc ngược hướng với sao Thái Tuế hàng năm để giảm nhẹ các ảnh hưởng xấu. Ví dụ, năm 2015, sao Thái Tuế ở hướng Nam và Tây Nam. Do vậy, nên đặt Tỳ Hưu ở phía Bắc, Đông Bắc hoặc Tây Nam. Năm 2016, sau Thái Tuế ở hướng Tây, Tây Nam thì phải đặt tượng ở phía Đông, Đông Bắc hoặc Tây Nam. Những tuổi bị sao Thái Tuế chiếu trong năm cũng nên mang theo Tỳ Hưu làm bùa hộ mệnh. Trong năm Ất Mùi, các tuổi phạm sao xấu cần có "bảo bối phong thủy" là Mùi, Sửu, Tuất, Tý.
Sắp đặt Tỳ Hưu mang sinh khí
Một cặp Tỳ Hưu trước cửa sẽ bảo vệ lối vào, hóa giải các luồng tà khí trước khi vào nhà. Trong quá trình xây sửa hay chuyển nhà mới, Tỳ Hưu cũng giúp gánh đỡ các vận xấu cho gia chủ.
Trong làm ăn, Tỳ Hưu là biểu tượng của may mắn và thịnh vượng. Trong các tập đoàn lớn, ngân hàng hay sòng bạc bao giờ cũng đặt tượng Tỳ Hưu lớn nhỏ để hút nhiều tài lộc. Chúng được đặt trong phòng khách hoặc phòng làm việc, tránh phòng ngủ, nhà bếp và nhà vệ sinh.
Tuy vậy, trước khi bày Tỳ Hưu cần chọn ngày đẹp để khai quang. Đặt Tỳ Hưu quay về phía Thần Tài rồi đứng phía sau chắp tay cầu nguyện những điều mình mong muốn. Sau đó, quay Tỳ Hưu quay lại phía mình rồi lấy khăn bông thấm nước chè hoặc nước muối sạch lau hai mắt Tỳ Hưu mỗi bên ba lần. Sau đó, bạn lấy tay trái giữ tai Tỳ Hưu, tay phải xoa đầu từ trước ra sau ba lần. Cuối cùng mới tháo dây vải đỏ ở cổ để bày Tỳ Hưu trong nhà. Sau khi cố định vị trí Tỳ Hưu thì không được tùy tiện thay đổi. Trước khi dịch chuyển lại phải dùng vải đỏ che phủ đầu rồi mới đem đến vị trí mới.
Cấm kị với Tỳ Hưu
Khi bày Tỳ Hưu trong nhà cần hết sức cẩn trọng. Theo truyền thuyết, Tỳ Hưu ưa sạch sẽ, tính trẻ con nên khi rước về cần nâng niu, tắm rửa sạch sẽ. Một năm cần vệ sinh Tỳ Hưu bốn lần vào các ngày 6/2, 2/6, 14/7, 12/9 âm lịch. Ngoài ra, phụ nữ đến tháng, có thai không được thắp hương, sờ vào Tỳ Hưu.
Phải đặt đầu Tỳ Hưu quay ra ngoài cửa để hướng miệng về tiền bạc. Cấm kị bày Tỳ Hưu xông chính môn (từ ngoài quay vào trong nhà).
Không bày Tỳ Hưu quay vào gương vì quang sát sẽ làm Tỳ Hưu chói mắt.
Đặt Tỳ Hưu đối mặt giường ngủ sẽ không có lợi cho chính mình. Năng lượng của bản thân sẽ bị Tỳ Hưu át vía.