Các loại rau sạch dùng để ăn lẩu như cải thảo, cải xoong,...luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Giá rau sạch tăng trong dịp Tết
Để đáp ứng nhu cầu rau Tết cho thị trường, ngay từ đầu tháng Chạp nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch trở nên tất bật hơn để chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo cho thị trường Tết không bị thiếu hụt về rau sạch.
Khảo sát tại một số cửa hàng bán thực phẩm sạch trên đường Cầu Giấy, Ba Đình, Nguyễn Trãi ở Hà Nội, đa số các cửa hàng thực phẩm sạch đều tăng cường nhập các loại củ, quả như bí, khoai tây, cà rốt, su hào, vì những loại thực phẩm này có thể dự trữ được lâu dài. Các loại rau dùng ăn lẩu như cải, cải cúc, cải xoong,.... lượng tiêu thụ tăng gấp ba, gấp bốn lần so với ngày thường.
Chị Hậu, chủ cửa hàng thực phẩm sạch “Tâm Việt” ( Ba Đình, Hà Nội) cho biết, để chuẩn bị cho thị trường rau sạch trong dịp Tết Nguyên Đán, trước đó cửa hàng chị phải lên kế hoạch tìm thêm một số địa điểm có dự án trồng rau đảm bảo tiêu chuẩn để đặt hàng.
Theo chị Hậu, các loại rau cải và một số loại củ, quả, su hào, bí, khoai lang, tây, được chị em lựa chọn nhiều trong dịp Tết. Bởi đây là thực phẩm có thể dự trữ lâu, phục vụ cho ăn lẩu nên có sức tiêu thụ lớn.
Chị Hậu cho hay, hiện giá rau tại cửa hàng chị vẫn ổn định giá, tùy vào loại rau sẽ có giá khác nhau, trung bình khoảng 8.000 – 12.000 đồng/bó, khoảng 300 – 400 gram. Tuy nhiên đối với hoa quả như cao, táo, bưởi, lê tăng từ 10 – 15% so với ngày thường.
Theo chị Hồng, chủ cửa hàng bán thực phẩm sạch trên đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân (Hà Nội), thị trường rau sạch, thực phẩm sạch tại các cửa hàng phục vụ Tết nguyên đán sẽ có sức mua lớn tuy nhiên giá cả sẽ tăng cao hơn ngày thường, bởi đợt rét đậm, rét hại vừa qua khiến cho thị trường rau bị hạn chế.
Rau sạch đắt khách dịp cuối năm
Cầm mớ cải trên tay, chị Thùy Linh (Ba Đình – Hà Nội) cho hay, để đảm bảo an toàn cho bữa ăn gia đình nên chị chỉ mua rau, thực phẩm tại các cửa hàng bán thực phẩm sạch có nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên nếu đi chợ muộn vào dịp giáp Tết sẽ khó lựa chọn được nhiều thực phẩm theo sở thích của bản thân.
“Nếu như ngày thường, tầm trưa đi ra cửa hàng mua rau, thịt có thể thoải mái lựa theo sở thích của mình nhưng ngày giáp Tết đi muộn thì có gì mua đó, không còn nhiều loại để lựa chọn”, chị Linh cho biết.
Theo chị Hậu, chủ cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Vạn Bảo, từ ngày 23 Tết trở đi,cửa hàng luôn nhộn nhịp khách mua, đặc biệt vào những ngày 27 – 29 Tết, sức mua rất lớn, cửa hàng phải nhập hàng liên tục mới đáp ứng đủ cho khách.
Theo chị Hồng, chủ cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Nguyễn Trãi, (Thanh Xuân – Hà Nội), ngay từ đầu tháng Chạp cửa hàng chị đã tiếp nhận hơn 300 đơn hàng đặt thịt gà, chưa kể những đơn hàng đặt mua lợn rừng, rau sạch cho dịp Tết. Tuy nhiên chị phải chối từ nhiều đơn hàng vì sợ không có hàng trả khách.
“Hiện tôi không dám nhận thêm đơn hàng nào nữa. Chỉ cố lo xong những đơn hàng đặt từ tháng trước. Nhiều người gọi điện đặt hàng, nhưng phải từ chối, sợ không kham nổi”, chị Hồng nói.