Theo tục lệ cũ, những vàng mã ấy là do các gia đình tự cắt theo kiểu tượng trưng, không tốn kém và thể hiện lòng thành, tâm nguyện của người sống.
Trong tháng 7 âm lịch, người Việt thường có tục lệ cúng cô hồn (xá tội vong nhân) với ý nghĩa tưởng nhớ, cầu siêu cho các vong hồn đói khổ, lang thang, không nơi nương tựa. Ngoài ra, đây cũng là dịp báo hiếu hay còn gọi là lễ Vu Lan của những người theo đạo Phật.
Vào ngày này, các gia đình thường làm mâm cơm cúng tổ tiên và một mâm cỗ cúng chúng sinh ngoài trời. Quan niệm “trần sao âm vậy”, nên nhiều người có thói quen đốt tiền, vàng mã với mong muốn người chết có cuộc sống đủ đầy ở thế giới bên kia.
Theo tục lệ cũ, những vàng mã ấy là do các gia đình tự cắt theo kiểu tượng trưng, không tốn kém và thể hiện lòng thành, tâm nguyện của người sống. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tập tục đốt vàng mã trong ngày xá tội vong nhân đã bị biến tướng.
Người ta quan niệm rằng dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ mà sẵn sàng bỏ ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua những mô hình vật dụng đốt cho người âm. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng đốt thật nhiều vàng mã là cách để họ báo hiếu cha mẹ đã khuất và tự hào vì đã lo được một cái lễ tươm tất, đầy đủ hơn người.
Chia sẻ về quan điểm này với PV báo Dân Việt, bà Nguyễn Võ Uyên Mi (giảng viên phong thủy TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Đốt vàng mã là một trong những phong tục của người Việt Nam. Vàng mã là những loại giấy tiền in các bài kinh văn siêu độ cho vong linh. Tuy nhiên, việc sử dụng loại giấy tiền mô phỏng tiền tệ hiện đại và các vật dụng công nghệ như xe máy, điện thoại, máy tính bảng nên đã làm mất đi phần nào ý nghĩa thiêng liêng của việc đốt giấy tiền ban đầu.
Trong lễ cúng rằm tháng 7 âm lịch năm nay 2019, các gia đình nên mua số lượng vừa đủ giấy tiền vàng bạc nhiều loại xưa nay khác nhau, ưu tiên loại vàng mã có kinh văn siêu độ vong linh. Việc đốt vàng mã quan trọng nhất là thể hiện lòng thành nên việc đốt vàng mã cần chỉ mua phù hợp, vừa đủ, tránh mua quá nhiều sẽ gây lãng phí".
Ts Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cũng chia sẻ trên báo Dân Trí cho rằng, đây là những quan niệm sai lầm. Thực tế, tục lễ đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, việc cúng cho người đã mất dù đồ vật thật hay là đố tượng trưng thì người đã khuất cũng không thể nhận được mà chủ yếu là thể hiện đươc tấm lòng thành của những người còn sống. Đương nhiên, việc cúng đồ mã nhiều không những gây lãng phí tiền của mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường.
“Nếu cứ đổ xô đốt vàng mã, tốn kém cho người cõi âm với mong muốn được nhiều tài lộc, được trợ duyên thăng quan tiến chức thì cũng chẳng khác nào hối lộ người đã mất. Điều này đi ngược lại với truyền thống, văn hóa hướng về tổ tiên, trân trọng chính những người đang sống quanh mình. Vì vậy, các gia đình chỉ đốt tiền vàng một cách văn minh, vừa phải phù hợp với phong tục, tập quán của dân gian ta”, tiến sỹ Vũ Thế Khanh khẳng định.
Chuyên gia này cũng cho biết, trong dịp rằm tháng 7 và lễ Vu Lan tại các tư gia, các gia đình có thể thắp hương, làm mâm lễ cúng cầu nguyện cho người đã khuất.
Cũng có thể chuẩn bị các đồ cúng lễ theo truyền thống cho các “cô hồn” tại các khu vực công cộng như: cháo loãng, bánh kẹo, khoai sắn, muối, gạo... Lễ cúng gia tiên tốt nhất nên dùng đồ chay, thanh tịnh. Không nên đốt vàng mã, không cúng tiền giả, không cúng đồ sát sinh, các đồ tanh hôi.