Lưỡi hổ có 2 điểm yếu chí mạng là thừa nước và nhiệt độ quá thấp (dưới 5 độ C).
Lưỡi hổ là cây mọng nước, thân dẹt, trên lá có những đường viền màu vàng hoặc màu trắng khá bắt mắt. Trong phong thủy, loại cây này có tác dụng trấn trạch, xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo, mang lại sự bình yên cho gia đình, giúp gia chủ gặp nhiều may mắn và thuận lợi trong công việc cũng như cuộc sống.
Ngoài ra, cây lưỡi hổ còn được mệnh danh là “máy lọc không khí mini” vì nó có thể hấp thụ các khí độc hại trong nhà và tia bức xạ từ các thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, nó còn có thể hấp thụ khí CO2 và giải phóng oxy vào ban đêm, rất có lợi cho quá trình hô hấp của con người. Chính vì thế, nhiều người thường đặt 1-2 chậu cây lưỡi hổ trong nhà.
Tuy nhiên ngày càng nhiều người đưa cây lưỡi hổ vào danh sách đen, tại sao vậy? Đây là 3 lý do.
1. Cây dễ bị thối
Lưỡi hổ có 2 điểm yếu chí mạng là thừa nước và nhiệt độ quá thấp (dưới 5 độ C). Đối với vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam, nền nhiệt trung bình tháng trên 18 độ C, thì bạn không cần lo lắng về việc nhiệt độ quá thấp sẽ làm chết cây lưỡi hổ. Vì vậy, việc bạn cần quan tâm nhất chính là kiểm soát lượng nước tưới cho cây.
Nếu tưới quá nhiều nước hoặc tưới nước trong điều kiện bí, đất lâu khô như phòng kín không có ánh sáng tự nhiên hoặc rất ít ánh sáng vào mùa đông thì cây rất dễ bị thối. Vết thối nhũn thường sẽ nằm ở nơi tiếp xúc với nơi nước đọng như cuống lá, gốc rễ cây.
Ngược lại nếu thiếu nước, lá cây sẽ dễ bị nhăn nheo, mềm oặt xuống và trông rất thiếu sức sống. Vì vậy, việc kiểm soát lượng nước tưới cho cây lưỡi hổ cũng không hề đơn giản, cần phải hợp lý.
2. Lá dễ bị cháy viền, vàng lá
Nhiều người nhận thấy sau một thời gian trồng cây lưỡi hổ, lá của nó không còn xanh, đường viền không còn rõ ràng như trước mà lá sẽ chuyển sang màu vàng, đường viền mờ nhạt đi. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là cây bị thiếu ánh sáng.
Mặc dù lưỡi hổ có thể trồng trong nhà, trong điều kiện thiếu ánh sáng nhưng nếu để cây ở trong môi trường này lâu ngày thì cây sẽ kém phát triển và ngày càng xấu đi, thậm chí là chết cây. Sở dĩ như vậy vì cây lưỡi hổ cũng cần ánh sáng để phát triển.
Tuy nhiên, nếu thừa ánh sáng thì cây cũng sẽ gặp vấn đề, đó là lá bị khô nhăn, cháy viền lá. Ngoài ra, vì cây có khả năng hấp thụ tia bức xạ từ các thiết bị điện tử nên thường đặt lưỡi hổ gần tivi. Tuy nhiên nếu đặt cây lưỡi hổ quá gần tivi thì khi thiết bị này hoạt động, nó sẽ thoát ra một lượng nhiệt, có thể khiến cây bị héo lá, cháy lá.
Cách giải quyết là thay đổi vị trí sang nơi có ánh nắng dịu hơn như gần cửa sổ, ban công có mái che, không nên để cây tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, cũng không nên đặt cây quá gần tivi.
3. Cây hiếm khi ra hoa, hoa nở cũng không đẹp
Cây lưỡi hổ trồng chủ yếu là để ngắm lá, khả năng nở hoa hiếm. Thông thường, cây lưỡi hổ có tuổi thọ trên 5 năm và phải chăm sóc đúng cách thì cây mới ra hoa.
Tuy nhiên hoa lưỡi hổ không được đẹp mắt cho lắm. Lần đầu nhìn thấy hoa lưỡi hổ, ngoài sự mới lạ thì nó có thể khiến bạn thất vọng trước vẻ bình thường của nó. Ngoài ra, hoa còn chảy ra một loại chất nhầy, một khi rơi xuống lá hoặc chậu cây thì rất khó để làm sạch.
Bên cạnh đó, khi cây lưỡi hổ ra hoa, cây sẽ tiêu tốn rất nhiều chất dinh dưỡng khiến cây ngày càng gầy yếu, lá mỏng, đường vân không rõ ràng, làm ảnh hưởng tới giá trị làm cảnh của cây.
Tuy nhiên, những tác dụng mà cây lưỡi hổ mang lại là hoàn toàn không thể phủ nhận được. Nếu vẫn yêu thích và muốn trồng loại cây này trong nhà, bạn nên nhớ những lưu ý sau để cây phát triển khỏe mạnh:
- Nên thay đất, thay chậu cho cây hàng năm
Bạn nên thay đất, thay chậu cho cây lưỡi hổ mỗi năm một lần vào mùa xuân hoặc mùa thu để tránh tình trạng đất bị nén chặt gây tích nước, khó hấp thụ chất dinh dưỡng, từ đó dẫn đến tình trạng cây còi cọc, thối rễ và chết cây.
Tuy lưỡi hổ không có nhiều yêu cầu về đất nhưng nó sẽ phát triển tốt hơn ở đất tơi xốp, thoáng khí và thoát nước tốt. Loại đất trồng lưỡi hổ tốt nhất là hỗn hợp đất mốc lá, vermiculite và cát trộn với tỷ lệ 3:3:3. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung thêm phân hữu cơ vào đất.
- Đừng tưới nước quá nhiều
Khi tưới nước cho cây lưỡi hổ bạn phải cẩn thận, đặc biệt là vào mùa hè nóng bức hoặc mùa đông lạnh giá, nếu không rất dễ gây thối rễ. Khi tưới nước, nên tuân thủ quy tắc chỉ tưới khi đất chậu đã khô.
Hoặc, bạn có thể căn cứ vào điều kiện thời tiết để tưới nước cho cây. Trong điều kiện bình thường, nên tưới 7-10 ngày một lần. Khi nhiệt độ xuống thấp, hãy tưới 20 ngày/lần. Trong điều kiện kém thông thoáng thì mỗi tháng tưới nước một lần cũng không sao.
Cách tưới nước cho cây lưỡi hổ tối ưu nhất chính là tưới vào phần gốc và xung quanh rìa chậu. Tuyệt đối không tưới vào giữa cụm lá hoặc thân cây để tránh tình trạng thối úng và làm chết cây.