Nếu không tìm hiểu kỹ, bạn khó có thể phân biệt được cây tầm bóp có giá trị dinh dưỡng cao với một loại cây có chứa chất độc.
Thời gian gần đây, dân Việt đang “phát sốt” với quả cây tầm bóp - một loại quả dại có giá trị dinh dưỡng cao được bán tại Nhật Bản với mức giá lên đến 700.000 đồng/1 kg. Điều đặc biệt ở đây là loại cây được bán với giá “trên trời” này mọc dại ở khắp nơi, rất dễ dàng tìm được và gắn liền với tuổi thơ của không ít người Việt.
Cần phân biệt cây tầm bóp và cây lu lu đực - một loại cây dại chứa độc.
Ít người biết rằng, cây tầm bóp thuộc giống lu lu, có hình dáng và đặc điểm tương tự như cây lu lu đực - một trong những loại cây dại có chứa độc, nên rất dễ bị nhầm lẫn. Vậy làm sao để có thể dễ dàng phân biệt được hai loại cây “sinh đôi” này?
Phân biệt về đặc điểm, nguồn gốc
Cây tầm bóp hay còn gọi lu lu cái, thù lù cạnh hay bôm bốp,… là loài thực vật thân thảo, có hoa, thuộc họ Cà. Tầm bóp mọc hoang khắp nơi, ở trên các bờ ruộng, bãi cỏ, đất hoang hay ven đường làng quê, loại cây này phổ biến nhiều hơn ở Tuyên Quang. Cây trưởng thành cao 50 – 90 cm, phân nhiều cành, thân cây có góc, thường rủ xuống. Lá mọc so le, hình bầu dục, chia thuỳ hoặc không, cuống lá dài từ 15 - 30mm. Cây có hoa mọc đơn độc, có cuống mảnh, dài khoảng 1 cm, đài hoa hình chuông, có lông.
Quả của cây tầm bóp mọng, nhẵn có hình tròn nhỏ như quả cà, bên ngoài được bao bọc một lớp vỏ mỏng như cái túi.
Quả của cây mọng, nhẵn có hình tròn nhỏ như quả cà, bên ngoài được bao bọc một lớp vỏ mỏng như cái túi, nhìn tổng thể quả rất giống hình lồng đèn, chính vì vậy nên ở một số vùng quả tầm bóp còn được gọi là quả lồng đèn. Quả lúc non màu xanh, khi chín màu đỏ, khi bóp quả vỡ phát ra tiếng bộp bộp, tách tách nghe rất vui tai.
Loại cây thường bị nhầm lẫn với cây tầm bóp về đặc điểm bên ngoài chính là cây lu lu đực, hay còn gọi là lù lù đực, thù lu đực. Cây có nguồn gốc từ đại lục địa Á – Âu, được du nhập trồng ở cả châu Phi, Úc và Nam Mỹ. Lu lu đực là cây thân thảo cũng mọc quanh năm, có thể cao đến 70 cm. Cành lá và phần non có phủ lớp lông mỏng. Cây mọc thẳng đứng chứ không rủ xuống, thân cành tròn hoặc hơi có khía cạnh. Lá đơn mọc cách chứ không mọc so le như tầm bóp, phiến lá hình trứng hoặc trứng mũi mác, mép phiến lá có răng cưa thưa.
Cây lu lu đực có lá đơn mọc cách chứ không mọc so le như tầm bóp, phiến lá hình trứng hoặc trứng mũi mác.
Lu lu đực cũng ra hoa nhưng dạng chùm mọc từ nách lá, chùm hoa thường từ 3 bông hoa. Đài hoa gồm 5 cánh đài hình trứng. Quả lu lu đực khi chín có hình cầu, đường kính từ 6 - 8 mm, thường màu tím đen hoặc đen, đôi khi có màu đỏ. Ngoài điểm đặc biệt ấy, lu lu đực khi quả chín thì lá đài hơi uốn cong, điều này giúp dễ dàng phân biệt với tầm bóp.
Phân biệt về tác dụng của hai loại cây
Tuy là một loại cây dại, nhưng tầm bóp lại khá bổ dưỡng, tương đương với giá trị dinh dưỡng của cây cà chua. Toàn cây có vị hơi đắng, tính mát, không độc, quả tầm bóp có vị chua ngọt giống cà chua. Thời xưa, loại cây này được dùng làm cây cứu đói, là thứ quả ăn vặt của nhiều đứa trẻ thôn quê, vậy mà ở thời điểm hiện nay, tầm bóp lại trở thành “đặc sản” được nhiều người yêu thích.
Quả tầm bóp "gây sốt" với người Việt vì được đóng gói bán ở Nhật Bản với giá lên tới 700.000 đồng/kg, đắt đỏ hơn giá của nhiều loại hoa quả nhập khẩu về Việt Nam như cherry Mỹ, hồng California, mận Mỹ,....
Thời gian gần đây, cây tầm bóp đang thu hút sự chú ý của nhiều người với bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một khay quả được đóng gói với trọng lượng 100gr, bán với giá 338 yên, tương đương khoảng 70.000 đồng, tính ra 1kg quả có giá lên tới 700.000 đồng, đắt đỏ hơn giá của nhiều loại hoa quả nhập khẩu về Việt Nam như cherry Mỹ, hồng California, mận Mỹ,.... Sở dĩ có giá “cắt cổ” như vậy vì tầm bóp có nhiều tác dụng không ngờ tới.
Ngoài được sử dụng để chế biến thành món ăn, cây tầm bóp còn trị được một số bệnh nhờ thành phần có tác dụng thanh nhiệt, có tính mát. Người ta thường dùng tầm bóp trị cảm sốt, yết hầu sưng đau, ho nhiều đờm, phiền nhiệt nôn nấc, hoặc giải nhiệt, trị mụn nhọt. Nhiều bài thuốc dân gian cho thấy, toàn cây được sử dụng làm thuốc lợi tiểu, lá được dùng trị các rối loạn của dạ dày, rễ tươi nấu với tim lợn dùng ăn chữa được chứng đái đường.
Cây lu lu đực được phân loại là một cây có độc, tuy nhiên hàm lượng độc rất nhỏ không gây hại. Nếu sử dụng làm thực phẩm cần chế biến loại bỏ hết độc tố.
Là “anh em sinh đôi” với cây tầm bóp, lu lu đực cũng có một số tác dụng tương tự. Tuy nhiên, vì có chứa các hoạt chất alkaloid như: Steroid, solanine, solasonine, solamargine, chaconine, đặc biệt là trong các quả non nên loài cây này thường được phân loại là một cây có độc. Nhưng bạn đừng lo, những hoạt chất này có hàm lượng rất nhỏ, không gây chết người và các biến chứng nguy hiểm, chính vì vậy nên loại cây này vẫn được sử dụng trong các món ăn hay bài thuốc chữa bệnh hiệu quả.
Lu lu đực có vị đắng, hơi ngọt, tính hàn, có độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tan ứ huyết, tiêu viêm, tiêu thũng. Để sử dụng lu lu đực như một loại thực phẩm, chị em cần chế biến kỹ để loại bỏ độc tố chứ không ăn được ngay như cây tầm bóp.
Khi chín, quả tầm bóp có màu và vị gần giống quả cà chua, còn lu lu đực có màu tím đen hoặc đen.
Lu lu đực và tầm bóp có ngoại hình khá giống nhau, nên khi các chị em đi tìm hái hoặc muốn trồng, cần nắm rõ được những đặc điểm phân biệt hai loại cây quả này để sử dụng chúng một cách hợp lý.
Có thể tham khảo thêm cách trồng cây tầm bóp tại đây!