Ông Kim Văn Dũng, bản 83 (xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) trồng rau muống Nhật Bản trên 1ha ruộng giữa bốn bề đồi núi hoang sơ. Rau muống Nhật Bản là loại rau lạ nên hái mớ nào bán hết mớ đó, mỗi năm ông Dũng thu lãi gần 70 triệu đồng.
Giống rau muống Nhật Bản là loại rau rất mới lạ đối với bà con ở xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu. Ông Kim Văn Dũng là hộ đầu tiên trong xã mang giống rau ngoại về trồng trên 1ha nương rẫy để phát triển kinh tế, tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Rau muống Nhật Bản của gia đình ông Kim Văn Dũng được trồng trên 1ha nương rẫy.
Trao đổi với PV Dân Việt về cơ duyên đưa loại rau muống Nhật Bản về trồng, ông Dũng cho biết: Tôi làm nghề trồng rau ngắn ngày cũng được gần chục năm nay. Trong một lần xuống Hà Nội tìm đầu ra cho sản phẩm rau cải bẹ Đông Dư, tôi thấy nhiều nhà vườn dưới xuôi trồng rau muống Nhật Bản này rất nhiều và cho thu nhập cao.
Sau khi biết tên loài rau muống lạ, ông Dũng đến các nhà vườn lớn, hỏi về cách trồng và đặc tính sinh trưởng của loại rau muống Nhật Bản như thế nào. Ông mua hạt giống về trồng thử trên 4.000m2 nương rẫy. Sau 2 tháng, ông thấy rau muống Nhật phát triển xanh tốt, rất thích hợp với khí hậu ở địa phương. Ông đã liên hệ với nhà vườn dưới xuôi mua thêm hạt giống về trồng trên 1ha nương rẫy.
Ông Kim Văn Dũng là hộ đầu tiên đưa giống rau muống Nhật Bản về trồng tại xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu (Sơn La).
Ông Kim Văn Dũng cho biết: Trước khi gieo hạt rau muống Nhật Bản, tôi lên luống đất trồng như rau muống ta rồi ngâm hạt giống rau muống Nhật khoảng 8h, ủ tiếp 2 ngày cho hạt nứt nanh. Tôi gieo hạt cách hạt khoảng 5cm, hàng cách hàng 15cm và lấp 1 lớp đất mỏng.
Để tạo điều kiện cho rau phát triển tốt, ông Dũng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động trên 1ha nương rẫy. Thời điểm rau đang nảy mầm, ông tưới 2 lần trong ngày vào sáng sớm và chiều mát đối với mùa hè, tùy theo điều kiện thời tiết để điều chỉnh lượng nước.
Theo ông Dũng: Loại rau muống Nhật Bản này rất dễ sống. Có thể trồng ở vùng đất dốc, khô cằn đều phát triển xanh tốt.
“Khi rau muống Nhật có 2 - 3 lá thật, tôi tiến hành bón các loại phân hữu cơ sinh học định kỳ 7 - 10 ngày/lần. Ngoài ra tôi còn dùng phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục, bón cho vườn rau. Trong quá trình chăm sóc, tôi thấy đặc tính của loại rau này bò lan như rau muống ta, trồng khoảng 2 tháng là cho thu hoạch. Cứ hái là lên ngọn non rất nhiều. Điều đặc biệt ở loại rau muống Nhật, không cần tưới nước nhiều như rau cải bắp và các loại cây ngắn ngày khác. Rau muống có thể trồng ở vùng đất dốc, khô cằn đều sống khỏe...” – ông Kim Văn Dũng chia sẻ thêm.
Từ khi trồng rau muống Nhật Bản, cuộc sống của gia đình ông Dũng ngày càng khá giả.
Ông Dũng nói với PV Dân Việt: Rau muống Nhật trồng 1 lần có thể cho thu hoạch quanh năm, không phải trồng từng lứa như các loại rau ngắn ngày khác, nên không tốn nhiều công sức chăm sóc. Tôi trồng rau muống Nhật chủ yếu bán cho công ty ở dưới Hà Nội. Họ bao tiêu sản phẩm cho gia đình tôi nên đầu ra luôn được ổn định và bán được với giá cao. Bình quân một năm tôi thu lời khoảng 70 triệu đồng từ bán rau muống Nhật Bản, cuộc sống ngày càng khá giả hơn.
Ngoài trồng rau muống Nhật Bản, ông Kim Văn Dũng còn trồng thêm 1.000 gốc bưởi Da Xanh trên 2ha nương rẫy để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.