Đảm bảo sau khi sử dụng thì hiệu quả sẽ tăng gấp đôi, lá cây kim tiền sẽ sáng bóng như bôi mỡ, tràn đầy sức sống.
Cây kim tiền là loài cây cảnh phong thủy tương đối dễ trồng và rất được ưa chuộng, vì thân cây mập mạp, lá có màu tươi sáng, lá cây như từng đồng xu được xâu lại với nhau nên có ý nghĩa thu hút của cải, tài lộc. Loại cây này rất thích hợp để trồng trong nhà, hoặc dùng trang trí ban công hay trong phòng làm việc.
Cây kim tiền ưa đất hơi chua, thoáng khí, thoát nước tốt và thích hợp trồng ở nơi thoáng gió, ánh sáng dịu nhẹ. Loại cây này không cần tưới nước quá thường xuyên, chịu hạn tốt nên rất thích hợp với những người lười.
Hầu hết những người đã trồng cây kim tiền đều nói rằng nó dễ chăm sóc, nhưng cũng có trường hợp bảo dưỡng không tốt khiến cây chết hoặc phát triển còi cọc, không mọc ra chồi mới. Đây có thể là do thiếu chất dinh dưỡng.
Để khắc phục, nhiều người khi tưới có thể cho thêm vào một ít nước vo gạo hoặc nước vỏ trái cây lên men. Chúng cũng có tác dụng kích thích cây sinh trưởng ở một mức độ nhất định, nhưng đối với cây kim tiền thì không lý tưởng mấy. Bạn nên dùng 3 loại “nước tăng lực” này, đảm bảo sau khi sử dụng thì hiệu quả sẽ tăng gấp đôi, lá cây sẽ sáng bóng như bôi mỡ, tràn đầy sức sống.
Thứ nhất: “Nước béo”
Một khi cây thiếu đạm, cây sẽ chậm lớn, lá vàng úa và còi cọc. Hạt mè hỏng, đậu nành mốc, đậu phộng hư thối bạn có thể tận dụng để làm phân bón cho cây trồng, vì trong quá trình ủ lên men, chúng sẽ phân hủy ra nhiều nguyên tố đạm, chất vi lượng,… cần thiết cho cây trồng.
Để tạo ra thứ nước béo này, bạn hãy lấy những “sản phẩm hết hạn” kể trên nấu chín rồi nghiền nhuyễn, thêm một lượng nước thích hợp vào, cho vào chai nước khoáng và ủ men. Sẽ có mùi khó chịu nên cần cho thêm vỏ trái cây họ cam, chanh để át đi mùi hôi khó chịu. Đồng thời, chúng cũng có thể thúc đẩy quá trình lên men và tăng gấp đôi hiệu quả của phân bón.
Thứ hai: Bia
Ai cũng biết cho một ít “nguyên liệu” vào nước chắc chắn sẽ có tác dụng tốt hơn là chỉ tưới nước lã. Với cách thứ hai này sẽ tiện lợi hơn cách thứ nhất.
Bia giống như một loại “nước tăng lực”, có thể thúc đẩy quá trình sinh trưởng và nảy mầm. Nếu cây kim tiền nhà bạn kém phát triển, lá bị vàng thì khi tưới nước bạn có thể pha loãng bia với nước theo tỷ lệ 1:80 rồi tưới cho cây. Hoặc, bạn có thể phun đều dung dịch này lên hai mặt lá, lá cây sẽ trở nên rất sáng, to và dày, càng để lâu lá sẽ càng bóng như bôi mỡ, siêu đẹp.
Thứ ba: Nước ủ từ ruột cá
Cây kim tiền cũng cần bón thêm một ít lân để cây cao lớn hơn, lá có màu xanh đậm và bóng. Nếu thiếu phân lân, lá cây sẽ bị mềm oặt đi, thiếu sức sống và lá không to dài ra được.
Lúc này bạn có thể dùng ruột cá để nuôi cây kim tiền. Thứ này chứa nhiều nguyên tố phốt pho, canxi và nhiều chất dinh dưỡng khác rất tốt cho sự phát triển của cây.
Do đó khi chế biến cá, bạn nên giữ lại ruột cá, dùng kéo cắt thành từng đoạn nhỏ rồi cho vào lọ đậy kín. Thứ này có thể lên men hoàn toàn trong khoảng 30 ngày. Khi sử dụng, nên pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:200 rồi tưới cho cây kẻo làm cháy rễ. Lưu ý, khi ủ phân bón bằng ruột cá sẽ có mùi hôi rất khó chịu, bạn cần bổ sung thêm men vi sinh phân giải protein để át đi mùi hôi và chỉ nên áp dụng cách này với những chậu cây kim tiền trồng ngoài trời.