Vôi sống, than củi,...có thể giúp hạn chế tình trạng nhà 'chảy mồ hôi' những ngày gần đây.
Tình trạng mưa phùn đã kéo dài suốt nhiều tuần qua ở miền Bắc Việt Nam. Sau khi những cơn mưa phùn khó chịu kết thúc là lúc các gia đình đối mặt với nỗi lo nhà nồm. Dù ít dù nhiều thì chắc hẳn những ngày qua nhiều nhà gặp phải tình trạng tường nhà 'chảy nước', cửa sổ 'mờ hơi sương' và sàn nhà nhơm nhớp nước. 'Thật kinh khủng' là cảm nhận của mọi người khi bước về nhà thấy tổ ấm của mình bốc mùi hôi rình và chảy nước.
Tại sao nhà lại 'chảy nước'?
Hiện tượng nhà xây sát đất thường bị ẩm ướt, dính dấp khó chịu được mọi người gọi là 'nồm'. Thực ra nguyên lý này rất đơn giản. Ví dụ cốc nước đá sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về hiện tượng nhà 'chảy nước':
- Khi đặt một cốc nước đá ở ngoài nhiệt độ bình thường, nhanh chóng bạn sẽ thấy thành cốc lấm tấm nước. Đây không phải là do nước từ trong cốc rỉ ra ngoài là do lúc này nhiệt độ trên thành cốc thấp hơn nhiệt độ môi trường khiến hơi nước trong không khí ngưng tụ lại đọng thành giọt trên cốc.
Do đó, hiện tượng 'nồm' xảy ra khi trong không khí có nhiều hơi nước và nhiệt độ sàn/tường/cửa nhà thấp hơn nhiệt độ không khí. Các chất liệu như gạch lát sàn, cửa kính không có khả năng hút ẩm, lại dẫn nhiệt kém nên càng khiến cho không khí bị lạnh đi, đọng thành sương. Thông thường, tầng 1 thường bị ẩm ướt nhiều hơn vì độ ẩm cao, còn tầng cao hơn ít bị hơn do không khí trên cao ít hơi nước hơn.
Do vậy, để giảm bớt vấn đề này, bạn cần phải hoặc là giảm lượng hơi ẩm trong không khí trong nhà của bạn, hoặc ngăn chặn nó tiếp xúc với bề mặt lạnh.
Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp gia đình.
Cách khắc phục nhà ẩm ướt
1. Khắc phục chung.
- Cách tốt nhất hạn chế nồm ẩm là đóng kín cửa, nhất là vào buổi sáng. Đóng chặt cửa hàng ngày và bịt kín các khe hở ở cửa sổ, cửa ra vào để hạn chế tối đa không khí ẩm từ bên ngoài tràn vào trong nhà. Buổi trưa khi có ánh nắng hoặc nhiệt độ tăng hơn thì tranh thủ mở cửa để thoáng nhà.
Đóng cửa sổ và rèm cửa để ngăn bớt không khí ẩm từ ngoài tràn vào khiến nhà 'chảy nước'
- Nếu gia đình có quạt trần có thể bật số nhẹ. Gió từ quạt trần sẽ giúp phân tán không khí đều hơn và sẽ ngăn chặn không khí ngưng tụ do gặp lạnh từ sàn nhà.
- Đựng 10-15kg vôi sống, chia nhỏ vào các thùng các-tông rồi để dưới gầm ghế, gầm giường hoặc góc phòng. Phản ứng hóa học giữa vôi sống (CaO) và hơi nước trong không khí (H2O) giúp hút bớt lượng hơi ẩm trong không khí. Ngoài ra than củi khô cũng có tác dụng hút ẩm, tuy nhiên hiệu quả không bằng vôi sống.
Vôi sống tác dụng nhanh nhưng chỉ sử dụng được một lần, trong khi than củi khô có thể dùng đi dùng lại nhiều lần.
- Trong những ngày này, tuyệt đối không lau nhà bằng giẻ ướt mà hãy dùng khăn khô để thấm hút hết nước ẩm ướt trên sàn. Lau nhà bằng nước lúc này chẳng những không những không sạch nhà mà còn càng làm tình trạng trầm trọng hơn.
- Gia đình có thể lắp đặt máy hút ẩm trong nhà. Máy hút ẩm làm việc bằng cách hút không khí trong nhà và loại bỏ độ ẩm, rồi thổi ra khí khô. Máy hút ẩm có thể được mua tại các cửa hàng điện máy, các siêu thị với kích thước khác nhau dựa vào diện tích phòng.
- Nếu gia đình sử dụng điều hòa để hút ẩm thì nên bật điều hòa ở nhiệt độ cao hơn ngoài trời để chống ướt và khử mùi.
2. Thiết bị điện tử.
- Cắm điện ở chế độ chờ với các thiết bị điện trong nhà như TV, máy tính,...trong những ngày nồm để tránh thiết bị không bị ẩm mốc. Mỗi ngày, nên bật ít nhất một lần TV, máy tính,...để làm nóng từ bên trong máy giúp chống ẩm.
- Các thiết bị nhỏ như máy ghi âm, máy ảnh,...nên cất vào hộp chống ẩm riêng. Ngoài tủ chống ẩm bán sẵn, bạn có thể tự tạo hộp chống ẩm bằng cách sử dụng các hộp nhựa đựng thực phẩm và cho vào các túi hạt hút ẩm. Sau một thời gian, khi các hạt hút ẩm đã hút đầy nước, có thể đổ ra rang lại cho khô vào tiếp tục sử dụng.
Hộp chống ẩm là loại hộp nhựa có nắp bán nhiều ở các siêu thị và cho thêm các túi hạt chống ẩm
- Không được đặt các thiết bị điện dưới sàn nhà hoặc sát tường để tránh trường hợp rò điện hoặc ẩm mốc. Thậm chí, chẳng cần phải vào những ngày mưa phùn mà bình thường bạn cũng nên bài trí các thiết bị điện cao hơn mặt đất 1 mét và cách tường 10 - 15cm.
3. Phòng tắm
Nhà tắm và phòng vệ sinh bình thường vốn đã có độ ẩm cao hơn các không gian khác trong nhà. Gặp thời tiết nồm, các khe, kẽ càng có cơ hội mọc nấm mốc. Một chiếc quạt thông gió trong phòng tắm sẽ giúp hút không khí ẩm ướt từ phòng vệ sinh ra bên ngoài.
Bật quạt thông gió trong phòng khi bạn tắm vòi sen hoặc bồn tắm, và để nó tiếp tục chạy 15 phút sau đó. Hãy chắc chắn rằng công suất của quạt đủ lớn với diện tích phòng để thông được nhiều hơi ẩm ra ngoài.
4. Phòng bếp
Giảm bớt các món ăn khi chế biến tạo ra nhiều hơi nước như món hầm, món lẩu,...trong thời gian này để tránh nhà 'chảy nước'.