Cô Bùi Thị Nga – người giáo viên về hưu hàng ngày vẫn dành rất nhiều thời gian để tự tay chăm sóc vườn rau quả tốt um, sai trĩu trên sân thượng.
Dù đã nghỉ hưu, nhưng cô Bùi Thị Nga (Hà Nội) vẫn không chịu nghỉ ngơi mà vẫn mải mê với niềm đam mê trồng rau của mình. Sáng tối cô đều dành thời gian lên sân thượng tầng 4 để chăm sóc và ngắm những luống rau chính tay mình trồng.
Kể từ ngày về hưu, góc sân vườn tầng 4 chỉ rộng 40m2 là nơi để cô Nga bầu bạn với những luống rau, nụ hoa. Công việc này giúp cô vui, khỏe hơn mỗi khi cả nhà đi làm.
Khoảng vườn trồng nhiều rau và trồng cây cảnh của cô Nga.
Đam mê trồng rau từ nhỏ đến khi về hưu
Mặc dù chỉ sở hữu khu vườn trên sân thượng rộng 40m2 nhưng cô Nga vẫn thấy rất vui và hạnh phúc mỗi khi nhìn ngắm thành quả lao động của mình. Khu vườn tuy nhỏ nhưng ngập tràn màu xanh tươi tốt của các loại rau: cải mào gà, su hào, cải chíp, xà lách, rau muống, mùng tơi, bầu sao, bí dân tộc, bí đao xanh, mướp, su su,... cùng nhiều loại rau gia vị và cây cảnh có sức chịu nhiệt, chịu hạn như ngọc bút, mẫu đơn, đinh lăng, lan mẫu tử, cẩm cù, quế lan,....
Su hào được cô Nga trồng trong giỏ treo.
Cô Nga kể, cô đã trồng rau và hoa từ rất lâu. Những lần cùng với mẹ và chị gái trồng rau trong vườn của gia đình hay đi theo bố chăm sóc cây trồng xung quanh nhà đã ươm mầm đam mê trồng trọt sau này của cô.
Chính bởi vậy, cả khi dạy học, bận rộn với với giáo án, chấm bài kiểm tra, cô vẫn cố gắng cùng chị em trồng rau ở vườn trường, vừa góp phần cho không gian sinh động vừa cung cấp rau sạch cho mọi người.
Vào năm 2000 khi có nhà riêng, cô đã cải tạo sân thượng tầng 4 thành một khu vườn nhỏ để thoả niềm đam mê trồng trọt. Ban đầu, chưa có thời gian, cô dành khoảng sân thượng trước rộng hơn 10m2 để trồng cây cảnh. Về sau, khi ổn định, cô tiếp tục cải tạo và hoàn thành khu vườn trồng rau ở khoảng sân thượng phía sau rộng 30m2.
Su hào tốt tươi trong chậu treo.
Bí dân tộc nặng 3kg/quả.
“Mình là người sống nội tâm, yêu vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên nên có đam mê trồng trọt từ thuở bé. Mỗi khi có thời gian rảnh là mình lại chăm sóc và trồng thêm cây mới để khu vườn nơi mình ở luôn có màu xanh tươi mát và có thêm sắc màu tươi đẹp của các loại hoa.
Niềm đam mê đó theo suốt với mình đến tận bây giờ. Khi nghỉ dạy học về hưu có nhiều thời gian hơn, mình càng thoả sức tạo một khu vườn nhỏ trên tận nóc tầng 4.
Công việc trồng rau khiến mình vui và có nhiều bạn bè hơn. Còn nhớ, mình được một người bạn ở Sơn La gửi tặng quả bí dân tộc. Mình ăn thấy ngon đã lấy hạt trồng thử, không ngờ cây cho ra 5 quả, mỗi quả nặng 3kg. Ai nhìn cũng tưởng là dưa hấu”, cô Nga chia sẻ.
Tự mày mò làm nước enzyme diệt mọi sâu bọ
Thời gian đầu xây dựng khu vườn trên cao, cô Nga gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là việc đi lại từ tầng 1 lên tầng 5 mang giá thể, chậu, hộp trồng. Không những vậy, do thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, không ít lần cô “xót ruột” khi thấy cây ăn quả trên giàn cao bị ruồi vàng châm, hay cây ăn lá sau một đêm trụi chỉ còn gốc mà không hiểu lí do.
Rau cải, mồng tơi lên xanh tốt.
Ngoài trồng rau trong thùng, cô còn trồng rau trong giỏ treo. Mỗi lần chăm sóc chúng mất khá nhiều thời gian.
“Sau này, mình ngăn không cho ong bướm đến hại cây bằng cách treo lồng bẫy ruồi vàng và phun sương nước enzyme lá cây vào lúc buổi sớm để ngăn bướm đến đẻ trứng sâu. Cùng với đó, mình lựa chọn giống rau phù hợp theo mùa, dễ trồng nên các loại rau củ quả luôn lên xanh tốt mặc dù được trồng trên cao.
Mình nhớ mãi một kỉ niệm vui hồi đầu mới trồng rau, mình chỉ chăm chú tìm sâu trên mặt lá mà không chú ý đến sâu hại nằm dưới đất, không chỉ ăn rau mà còn ăn lá cây cảnh. Yên trí rau sẽ không sao nhưng chiều hôm sau đi làm về mình ngỡ ngàng khi vườn rau bị ăn trụi hết lá chỉ còn trơ gốc. Mình hỏi mọi người mới biết được đó là do ốc xoắn vàng nhỏ li ti, ốc dẹp và sên trần lẫn trong đất.
Hồi đó, mình phải mua mồi về nhử chúng. Sau này, mình làm được nước enzyme pha tưới rau nên muỗi, rệp sáp, bọ nhảy, sâu vẽ bùa,… hay cả các loại ốc không còn phá rau nữa”, cô Nga tâm sự.
Thành quả sau bao ngày vun trồng của cô Nga.
Vườn nhỏ nhưng trồng được rất nhiều loại rau củ quả.
Cà chua sai trĩu.
Hàng ngày, cô Nga dành thời gian buổi sáng và buổi chiều để tưới, chăm sóc khu vườn nhỏ xinh của mình. Mặc dù công việc này vất vả nhưng mỗi lần nhìn các chậu cây cảnh, các chậu rau cải, xà lách, dền Nhật xanh tốt hay su hào tạo củ trên các chậu treo, cô lại thấy vơi đi những mệt nhọc.
“Mình làm vườn treo nên việc chăm sóc khá bận rộn. Ông xã mình cũng "nhiễm bệnh yêu cây" nên đã nhờ thợ đến lắp giàn tưới thông minh tự động. Vài năm gần đây, công việc chăm sóc rau cũng đỡ bận hơn”, cô Nga cho biết.
Mỗi mùa cô trồng nhiều loại rau khác nhau.
Dẫu việc trồng rau và cây cảnh lấy đi nhiều thời gian rảnh rỗi nhưng nhìn khu vườn khởi sắc mỗi ngày, cô Nga lại quên đi những mệt nhọc của mình. Việc chăm sóc rau không chỉ cung cấp rau quả an toàn trong mỗi bữa cơm gia đình mà còn giúp cô tập luyện để có sức khoẻ. Chính bởi vậy, dù nắng gió hay mưa rét, cô vẫn cố gắng lên vườn mỗi ngày. Đối với cô đó là niềm vui lớn nhất khi về hưu.
“Nhìn rau xanh tốt, cây ăn quả trồng đơm hoa kết trái, cây cảnh cho hoa đẹp, mình lại quên hết bận rộn và thấy lòng nao nao nhớ về kí ức tuổi thơ, nhớ mỗi khi mùa vải chín đỏ ối cả vườn và mỗi chiều tối hoa huệ từ ngoài vườn đưa hương thơm ngát đầy nhà. Những kỉ niệm ấy tiếp thêm động lực để mình tiếp tục trồng rau và chăm sóc vườn cây thêm đẹp hơn”, cô Nga tâm sự.
Rau mồng tơi tốt ngập một góc vườn.
Khu vườn nhỏ nhưng cô Nga trồng được cả chanh leo.
Giàn bí sai quả.
Những chậu trồng su hào được treo ngay ngắn rất đẹp mắt.
Cô trồng ớt vừa để ăn vừa lấy nguyên liệu xua đuổi sâu bọ.
Hoa cẩm cù được cô lựa chọn trồng vì dễ thích nghi với điều kiện khí hậu.
>> XEM THÊM: Vườn rau Việt thân thương giữa phồn hoa nước Đức của cặp vợ chồng xa quê