Cây cẩm nhung là một trong những loại cây cảnh mini mang vẻ đẹp độc đáo, phù hợp để bàn làm việc. Bên cạnh tác dụng trang trí, cẩm nhung còn tượng trưng cho sự bền vững, rất phù hợp làm quà tặng cho người thân, bạn bè…
Tuy là loại cây nhỏ bé nhưng cẩm nhung cũng cần được chăm sóc bài bản để cây luôn sinh trưởng, phát triển tốt và phát huy được công dụng của mình. Do đó, đừng vì bận rộn mà lơ là việc chăm sóc chúng. Người chăm có tốt, cây mới đẹp và đem lại những điều tốt đẹp cho người sở hữu. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về cây cẩm nhung và nắm rõ quy trình chăm sóc cây sao cho khỏe, cho đẹp như mới mua nhé.
1. Đặc điểm của cây cẩm nhung
Cây cẩm nhung có danh pháp khoa học là Fittonia Argyroneura, thuộc họ Acanthaceae. Lần đầu người ta tìm thấy cẩm nhung Fittonia là ở những khu rừng đầm lầy ẩm ướt vùng Nam Mỹ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sinh trưởng, phát triển của cây sau này. Vốn bắt nguồn từ nơi khí hậu ẩm ướt nên cây cẩm nhung ưa bóng, thích mát mẻ.
Hình ảnh cây cẩm nhung
Cẩm nhung thuộc giống thân thảo, rễ chùm. Thân cây mang màu xanh lá hoặc đỏ tùy theo màu sắc của lá cây. Lá cây cẩm nhung thuộc dòng lá kép, mặt lá có nhiều phấn trắng. Lá cẩm nhung nhỏ, thường mọc đối diện, sát nhau nên tạo cảm giác khá dày dặn. Phiến lá nhẵn, méo nguyên. Lá cẩm nhung có đường kính trong khoảng 0,5-1,5 cm.
Lá cây cẩm nhung có nhiều phấn trắng, thuộc loại lá kép và lá khá nhỏ, mọc san sát nhau, phiến lá nhẵn
Trồng cây cẩm nhung cần quá trình dài thì cây mới có thể được to như mong muốn. Thông thường, nếu trồng cây được 2-3 năm thì thành quả thu được sẽ là một bầu cây to rất đáng yêu.
Căn cứ theo màu sắc của lá, người ta chia cẩm nhung thành 2 loại khác nhau là cẩm nhung đỏ và cẩm nhung xanh.
Cây cẩm nhung đỏ
Cây cẩm nhung xanh
Khi cây cẩm nhung ra hoa, chúng nở rất nhiều và rực rỡ về màu sắc, thường mọc ở nách lá. Hoa cẩm nhung là hoa đơn, cũng có khi mọc thành chùm.
Hoa cẩm nhung nở rực rỡ
2. Cây cẩm nhung hợp mệnh gì? Cây cẩm nhung hợp với tuổi nào?
Người mệnh Hỏa trồng cây cẩm nhung đỏ sẽ gặp nhiều may mắn, thịnh vượng và thăng tiến trong sự nghiệp. Đặc biệt, loại cây này cũng giúp họ áp chế được tính cách nóng nảy, hành động cảm tính, cải thiện các mối quan hệ để cuộc sống thoải mái, dễ dàng hơn.
Nếu là người mệnh Mộc, bạn nên lựa chọn cây cẩm nhung xanh vì xanh lá là màu sắc đặc trưng, phù hợp với mệnh của bạn.
3. Ý nghĩa cây cẩm nhung
Dù là một loại cây trồng có phần “thấp bé nhẹ cân” nhưng cẩm nhung đỏ lại ẩn chứa ý nghĩa to lớn. Đó là một tình bạn bền vững theo thời gian, luôn yêu thương và biết quan tâm đến nhau.
Đặc biệt, có người còn cho rằng khi hoa cây cẩm nhung nở mang ý nghĩa của một tình yêu trong sáng thuần khiết nhất. Chúng sẽ khiến bạn thêm yêu đời, tràn trề niềm tin, hy vọng, giữ cho bạn một tinh thần lạc quan đối diện với những khó khăn của cuộc sống. Chính vì lẽ đó, cây cẩm nhung rất phổ biến trong văn hóa tặng quà. Đơn giản vì cẩm nhung luôn mang lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống, nó sẽ là một món quà khó quên đối với người nhận, nhìn cây họ sẽ luôn nhớ đến bạn, hiểu được tình cảm chân thành mà bạn dành cho họ từ đó sẽ khiến cho tình bạn của bạn trở nên tốt đẹp hơn nhiều.
Cẩm nhung luôn mang lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống
Lá cây có nhiều gân giống như tờ đô la xanh. Các gân lá chạy xuyên suốt từ cuống xuống ngọn lá tượng trưng cho sự lưu thông mạnh mẽ của trí tuệ. Trí tuệ thông thái, tinh thần thoải mái sẽ giúp chủ nhân phát lộc, thăng tiến mọi đường. Với sắc đỏ nổi bật, cẩm nhung hứa hẹn là loại cây đem lại may mắn, hạnh phúc cho người sở hữu nữa đó.
4. Công dụng của cây cẩm nhung
Màu xanh, sắc đỏ của lá cây đem lại sự tươi mới, tràn trề năng lượng, thư giãn, do đó, cây rất phù hợp đặt trên bàn làm việc, phòng ngủ, cửa sổ… Hình dáng cây cẩm nhung được xếp vào dạng nhỏ nhắn, do đó, yên tâm rằng, chúng sẽ không chiếm quá nhiều diện tích và ảnh hưởng đến quá trình làm việc của bạn đâu.
Ngoài ra, cây cẩm nhung còn là vị cứu tinh của dân văn phòng nhờ khả năng hấp thụ năng lượng điện từ độc hại từ các thiết bị điện tử. Bạn biết đấy, tiếp xúc trong thời gian dài với nguồn năng lượng phát ra từ các thiết bị như điện thoại, máy tính sẽ gây lão hóa da, nếu không có cách giảm thiểu thì da dẻ, sức khỏe con người ngày một đi xuống. Bởi vậy, dân văn phòng, kể cả những người thường xuyên làm việc với máy tính đều cần sở hữu cho mình loại cây này.
5. Cách chăm sóc cây cẩm nhung
- Đất: Trồng cây cẩm nhung yêu cầu loại đất trồng có chất dinh dưỡng cao, độ ẩm tốt. Có thể tạo hỗn hợp bao gồm: đất thịt, than mùn, phân vi sinh, mùn lá.
- Ánh sáng: Vì là loại cây ưa bóng, mát mẻ nên cần tránh cho cây tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Bạn nên đặt cây ở cửa sổ - nơi ít chịu tác động của ánh nắng mặt trời, thậm chí trồng cây trong điều kiện đèn huỳnh quang, đều ổn. Chỉ cần đem cây phơi nắng buổi sáng 7-10h khoảng 2 lần/tuần là cây đã có thể sống khỏe.
Đem cây phơi nắng buổi sáng 7-10h khoảng 2 lần/tuần là cây đã có thể sống khỏe
- Nước: Thuộc giống cây ưa ẩm, háo nước, cần cung cấp nước thường xuyên, đều đặn. Dùng bình xịt tưới nước kết hợp rửa lá hàng ngày. Tuy nhiên, cần đảm bảo chậu cây thoát nước tốt, không gây ngập úng.
- Nhiệt độ: 18-30 độ C là nhiệt độ lý tưởng cho cây sinh trưởng.
- Phân bón: Sử dụng phân NPK 24-8-16 pha loãng để tưới cho cây 1 lần/tháng.
- Sâu hại: Tỉa lá hư và bắt sâu, bọ thường xuyên cho cây phát triển tốt hơn.
- Bệnh thường gặp: Cây rất khỏe và ít sâu bệnh nhưng với cây để bàn làm việc thì tình trạng hay gặp phải là cây bị héo, thân rũ hết xuống. Nhiều người lầm tưởng là cây đã chết nhưng thực ra đó là hiện tượng thiếu nước trữ ở thân khiến nó không còn căng mọng và héo rũ. Để khắc phục, chỉ cần cho cây vào khay nước với mực nước bằng 1/3 chậu là cây sẽ tươi dần lại.
Cây cẩm nhung bị héo do thiếu nước
6. Nhân giống cây cẩm nhung bằng phương pháp giâm cành
Chuẩn bị:
- Chậu cẩm nhung đang xanh tốt, không bị sâu bệnh.
- Một lọ thuốc kích thích mọc rễ. Loại thuốc này bạn có thể mua ở các tiệm cây cảnh có bán rất nhiều hoặc đặt hàng mua online cũng rất rẻ.
- Chậu cây.
- Đất trồng.
- Phân bón.
Tiến hành giâm cành:
- Bước 1: Cắt một số cây đã vươn dài để giâm cành. Các thân vươn dài này yêu cầu độ dài vào khoảng 4-6cm, không nên chọn các thân quá ngắn hoặc quá non sẽ khó trồng.
- Bước 2: Pha thuốc kích thích tạo rễ và ngâm các thân cây cẩm nhung vừa cắt được trong dung dịch này khoảng 2 giờ sau đó vớt ra để ráo nước.
- Bước 3: Trộn đất trồng phân bón rồi cho vào trong chậu trồng.
Lưu ý: Đất cần đảm bảo tơi xốp, thoát nước tốt. Phân bón có thể dùng phân hữu cơ hoặc phân vi sinh đều được.
- Bước 4: Trồng cành cẩm nhung vào trong đất sao cho một nửa thân trồng bên dưới đất một nửa thân ở trên mặt đất. Dùng tay ấn nhẹ đất để cây không bị đổ. Sau khi trồng, đặt chậu cây ở vị trí mát mẻ tránh ánh nắng chiếu trực tiếp.
- Bước 5: Tưới nước giữ ẩm cho đất thường xuyên để kích thích cây ra rễ mới. Sau khoảng 20 ngày, cây sẽ đâm rễ mới và bắt đầu phát triển như bình thường. Lúc này, có thể đánh cây ra trồng ở chậu mới hoặc tiếp tục trồng ở chậu cũ đều được.