6 bài thử thách nhận diện tiềm năng trí tuệ trẻ 6 – 8 tuổi (Phần 2)

Kiều Trang - Ngày 17/08/2023 05:25 AM (GMT+7)

Các bài thử thách dưới đây sẽ giúp ba mẹ nhận diện tiềm năng trí tuệ của con. Ba mẹ hãy cho con hoàn thành bài thử thách nhé.

Mời độc giả đón đọc Phần 1: Tại đây

- Số lượng câu hỏi: 6

- Đối tượng: dành cho trẻ từ 6 – 8 tuổi

Câu 1

Tìm đường (tập trung)

Thử thách:

1. Chỉ vào 5 con vật và nói: “Đây, phía trên bức tranh con sẽ thấy có năm con vật. Và phía dưới bức tranh là năm món ăn mà những con vật này thích ăn. Con nghĩ con khỉ sẽ thích ăn gì?” Sau đó, bạn tiếp tục với con chó, con bò, con ngựa và con heo/lợn (vì heo/lợn là loài ăn tạp nên sẽ còn lại quả táo dành cho nó).

2. Khi trẻ đã chọn ra món ăn yêu thích của từng con vật – dù câu trả lời có đúng hay không – bạn hãy tiếp tục: “Bây giờ con hãy nhìn theo đường này,” chỉ vào đường dẫn của con khỉ, “và thủ tìm hiểu xem con khỉ có lấy được quả chuối hay không, hay nó sẽ lấy được món khác nhé.”

Khi bạn tiếp tục với những con vật khác, bạn có thể rút ngắn các câu hỏi: “Con nghĩ con chó sẽ tìm thấy gì? Con bò thì sao? Còn con ngựa? Và con heo/lợn?” Dĩ nhiên, bạn sẽ hỏi từng câu hỏi sau khi câu hỏi trước đó đã được trả lời.

6 bài thử thách nhận diện tiềm năng trí tuệ trẻ 6 – 8 tuổi (Phần 2) - 1

Cách tính điểm:

- 2 điểm cho năm kết nối chính xác 

- 1 điểm cho ba kết nối chính xác

- 0 điểm cho ít hơn ba kết nối chính xác

Câu 2

Lặp lại dãy số (trí nhớ)

Thử thách:

1. Bạn sẽ nói với trẻ: “Bây giờ ba/mẹ sẽ đọc vài con số. Khi ba/mẹ đọc xong, ba/mẹ muốn con lặp lại chúng. Vậy nên con hãy lắng nghe thật kỹ.” Khi trẻ đã lặp lại dãy số đầu tiên, dù đúng hay không, bạn hãy tiếp tục dãy số thứ hai, rồi đến dãy số thứ ba. Trẻ không được nhìn các con số, vì bài thử thách này kiểm tra bộ nhớ ngắn hạn và bộ nhớ âm thanh. Hãy đảm bảo bạn đọc dãy số không theo bất kỳ nhịp điệu nào, với khoảng ngừng khoảng một giây.

a) 5 – 1 – 6 – 3

b) 4 – 8 – 2 – 9

c) 7 – 5 – 1 – 6

2. Sau đó, bạn nói với con: “Bây giờ mình sẽ làm khác đi nhé. Ba/mẹ sẽ lại đọc một vài con số, nhưng khi ba/mẹ đọc xong, con sẽ lặp lại theo thứ tự ngược lại. Ví dụ, khi ba/mẹ đọc 1 – 2 – 3, con sẽ lặp lại 3 – 2 – 1. Con đã hiểu chưa? Rồi, bây giờ hãy lắng nghe thật kỹ nhé.” Sau đó, bạn tiến hành tương tự như với ba bộ số đầu tiên.

a) 6 – 5 – 1

b) 3 – 7 – 2

c) 8 – 4 – 9 

Cách tính điểm:

- 2 điểm cho tổng cộng năm đáp án đúng

- 1 điểm cho tổng cộng bốn đáp án đúng

- 0 điểm cho ba đáp án đúng trở xuống

Câu 3

Bổ sung ký hiệu còn thiếu (tư duy logic)

Thử thách

1. Chỉ vào ô vuông bên trái ở câu A và hỏi: “Ký hiệu nào trong ô vuông bên phải phù hợp với vị trí có dấu chấm hỏi?”

2. Sau đó, bạn hãy làm tương tự với câu B và C.

6 bài thử thách nhận diện tiềm năng trí tuệ trẻ 6 – 8 tuổi (Phần 2) - 2

Cách tính điểm

- 2 điểm cho ba đáp án đúng

- 1 điểm cho hai đáp án đúng

- 0 điểm cho một hoặc không có đáp án đúng

Câu 4

Điền ký hiệu vào hình (tập trung)

Dụng cụ 

Giấy và bút chì

Thử thách

Cho trẻ xem hình, với mỗi hàng gồm hình tam giác, hình tròn, hình thoi và hình vuông theo thứ tự khác nhau. Sau đó, chỉ vào bốn hình đã điền sẵn ký hiệu ở trên cùng và nói: “Ở đây con có bốn hình khác nhau. Mỗi hình có một ký hiệu nhỏ được vẽ bên trong.

Có một đường thẳng đứng bên trong hình tam giác, một đường kẻ ngang bên trong hình tròn, một vòng tròn nhỏ bên trong hình thoi và hai đường kẻ ngang bên trong hình vuông. Không có hình nào khác có bất kỳ ký hiệu nào như vậy. Bây giờ, con hãy vẽ các ký hiệu này vào bên trong tất cả các hình phía dưới, giống như cách chúng được vẽ bên trong các hình ở phía trên cùng.

Nghĩa là con phải vẽ một đường thẳng đứng bên trong mỗi  hình tam giác, một đường kẻ ngang bên trong mỗi hình tròn, một vòng tròn nhỏ bên trong mỗi hình thoi và hai đường kẻ ngang bên trong hình vuông. Con có hiểu không? Khi ba/mẹ nói ‘bắt đầu’, con hãy cố gắng điền ký hiệu vào tất cả các hình càng nhanh càng tốt. Bắt đầu!”

Thời hạn: hai phút.

6 bài thử thách nhận diện tiềm năng trí tuệ trẻ 6 – 8 tuổi (Phần 2) - 3

Cách tính điểm

- 2 điểm nếu tất cả các hình được điền ký hiệu chính xác trong một phút

- 1 điểm nếu tất cả các hình được điền ký hiệu chính xác trong hai phút

- 0 điểm nếu sau hai phút mà chưa điền hết các hình hoặc điền sai một số hình

Câu 5 

Sắp xếp que diêm theo mẫu (trí nhớ)

Dụng cụ

8 que diêm (nếu không có sẵn que diêm, hãy thay thế bằng giấy và bút chì)

Thử thách

Cho trẻ xem hình “con cá” bằng que diêm và nói: “Con hãy nhìn kỹ hình này và cố nhớ nó.” Hãy để trẻ xem hình trong 10 giây. Sau đó, che bức hình lại, đưa cho trẻ 8 que diêm (hoặc sẽ tốt hơn khi để trẻ tự lấy số que diêm thích hợp ra khỏi hộp) và nói: “Bây giờ con hãy xếp các que diêm giống như hình con vừa xem.”

Nếu không có que diêm, lời hướng dẫn cần được thay đổi cho phù hợp: “Giờ con hãy vẽ lại hình mà con vừa xem.”

Cách tính điểm

- 2 điểm cho một bản sao hoàn toàn chính xác

- 1 điểm nếu bản sao có một lỗi

- 0 điểm nếu bản sao có nhiều hơn hai lỗi

Câu 6 

Sắp xếp tranh theo trình tự thích hợp (tư duy logic)

Thử thách

Chỉ vào loạt ba bức tranh dưới đây và nói: “Con hãy nhìn thật kỹ vào ba bức tranh này, các bức tranh vẽ một chú chó, bàn tay người chủ và một miếng xúc xích. Các bức tranh kể về một câu chuyện nhỏ, nhưng có điều gì đó không đúng, chúng có vẻ đang không đúng thứ tự. Con có thể cho ba/mẹ biết bức tranh nào trong số những bức tranh này sẽ xuất hiện trước, bức nào là bức thứ hai, và bức nào là bức thứ ba không? Và câu chuyện là gì?”

Bạn có thể lược bỏ câu hỏi sau cùng. Việc trẻ tưởng tượng ra được một câu chuyện hay không cũng không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào về điểm số. Nhưng trong những tình huống này, việc khuyến khích trẻ kể một câu chuyện về những gì trẻ nhìn thấy trong tranh luôn là điều tốt vì điều này sẽ kích thích tư duy sáng tạo của trẻ.

6 bài thử thách nhận diện tiềm năng trí tuệ trẻ 6 – 8 tuổi (Phần 2) - 4

Cách tính điểm

- 2 điểm nếu trẻ có được một trong hai câu trả lời đúng

- 1 điểm nếu trẻ chọn trình tự b – c – a 

- 0 điểm nếu trẻ chọn trình tự b – a – c  hay c – a – b vì trong trường hợp đó, trẻ đã bỏ lỡ kết nối thiết yếu giữa b và c

ĐÁP ÁN

Câu 1:

a – 2, b – 3, c – 1, d – 5, e – 4.

Câu 2:

Lặp lại đúng và đầy đủ từng dãy số.

Câu 3:

A – d (6 chữ thập có kích thước bằng nhau)

B – d (hàng trên tăng kích thước, hàng dưới giảm)

C – c (cùng khuôn mẫu ở cả hai hàng)

Câu 4:

Trong vòng một phút.

Câu 5:

Các que diêm được xếp thành hình con cá. Hướng của các que diêm không ảnh hưởng điểm số.

Câu 6:

c – b – a (Con chó nhìn thấy người chủ cho xúc xích, nó ăn hết và nằm xuống ngủ trưa).

a – c – b (Con chó đang ngủ thì thức dậy, nhìn thấy người chủ cho miếng xúc xích thì ngoạm lấy ăn)

CÁCH RÈN LUYỆN

Bài thử thách trên đã giúp ba mẹ bước đầu nhận định về tiềm năng trí tuệ của con ở 3 khía cạnh gồm: khả năng tập trung (câu 1 và 4), khả năng ghi nhớ (câu 2 và 5) và khả năng tư duy logic (câu 3 và 6).

Sau khi ba mẹ hỗ trợ để trẻ hoàn thành bài thử thách, ba mẹ sẽ biết được khía cạnh nào là thế mạnh của con, và con còn phải rèn luyện thêm ở khía cạnh nào. Dưới đây là những bài tập gợi ý để ba mẹ có thể giúp rèn luyện và phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ của con.

Khả năng tập trung

1. Lần theo các đường rối rắm - Việc trẻ lần theo từng đường một mà không bị phân tâm bởi các đường khác giúp tăng cường khả năng tập trung của trẻ. Trẻ nhỏ có thể kết hợp việc dùng ngón tay, còn trẻ lớn được khuyến khích chỉ hoàn thành bài tập bằng mắt

2. Giải mê cung - Bài tập này về bản chất là tương tự bài tập trên, chỉ là có độ khó cao hơn

3. Tô màu theo mẫu - Bài tập này phù hợp với trẻ nhỏ, do độ khó của bài tập không quá cao, trẻ có thể vừa rèn luyện kỹ năng cầm bút, vừa tăng khả năng tập trung khi kiên nhẫn để hoàn thành cả bức tranh.

Khả năng ghi nhớ

1. Lặp lại dãy số hoặc một câu hoàn chỉnh - Bài tập dạng này vô cùng thuận tiện để ra đề, bạn luôn có thể tự đặt câu, và việc tạo ra dãy số thậm chí còn dễ dàng hơn (nhưng hãy đảm bảo là bạn nhớ được chúng).

2. Kể lại câu chuyện - Đọc hoặc kể cho trẻ nghe một câu chuyện ngắn và yêu cầu trẻ kể lại chính xác nhất có thể. Cần đảm bảo là bạn đọc hay kể câu chuyện một cách rõ ràng, không quá nhanh và chỉ một lần.

Tư duy logic

1. Bổ sung các biểu tượng còn thiếu - Tương tự như bạn đã thấy trong bài thử thách phía trên, đối với dạng bài tập này, trẻ cần hiểu được mối quan hệ giữa các hình với nhau. Bài tập dạng này thường có sẵn trên internet.

2. Giải các câu đố logic - Có nhiều câu đố dạng tư duy logic được thiết kế phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau. Thông thường trẻ khá hào hứng đối với việc giải đố. 

3. Rút ra kết luận logic - Bài tập này bao gồm các nhiệm vụ đơn giản giúp củng cố tư duy logic cho trẻ. Bạn sẽ cung cấp cho trẻ hai câu và yêu cầu trẻ rút ra kết luận hợp từ chúng (VD: Bo có thể vào lớp Một khi Bo 6 tuổi. Giờ Bo đã 5 tuổi. Vì thế…?)

6 bài thử thách nhận diện tiềm năng trí tuệ trẻ 6 – 8 tuổi (Phần 2) - 5

Bài viết có sự tư vấn của Thạc sĩ Tâm lý học Hồ Tâm Đan - Chuyên viên Tâm lý trị liệu tại Phòng khám Menthy.

Trắc nghiệm 10 câu biết cách học của trẻ dưới 12 tuổi qua khả năng nghe hiểu
Hãy sử dụng những hiểu biết của mình về con để trả lời các câu hỏi dưới đây. Trong trường hợp các câu hỏi đề cập đến những tình huống chưa từng xảy ra với con, bạn hãy dùng kinh nghiệm và hiểu biết của mình về con để dự đoán thử cách con sẽ phản ứng. Con thường xuyên làm những điều này đến mức nào?

Trắc nghiệm IQ EQ

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trắc nghiệm IQ EQ