Lời nói tích cực của bố mẹ sẽ tác động đến con theo chiều hướng tốt, bất kể lứa tuổi nào.
Khi trẻ trưởng thành, mối quan hệ giữa bố mẹ và con thay đổi, đôi khi tốt nhưng cũng có thể xấu đi. Việc nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh trong giai đoạn mới này cần được đầu tư vào việc giao tiếp rõ ràng, tôn trọng và đồng cảm giữa cả hai bên.
Sara Morales Daitter, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình tại The Connective ở Bắc California, cho biết: “Những đứa trẻ trưởng thành thường khao khát lời khẳng định từ bố mẹ, chẳng hạn như thừa nhận lỗi lầm trong quá khứ hoặc bày tỏ sự thấu hiểu.”
Có 6 điều bố mẹ nên nói với con cái đã trưởng thành, để giúp cải thiện mối quan hệ tốt đẹp hơn.
"Bố mẹ xin lỗi"
Nhà trị liệu và tác giả Jor-El Caraballo cho biết, đây là điều mà nhiều đứa trẻ trưởng thành muốn nghe nhất từ bố mẹ.
Caraballo lưu ý: “Khi Thế hệ X, Thế hệ Millennials và một số trẻ Thế hệ Z bắt đầu suy ngẫm nhiều hơn về quá trình trưởng thành của mình, sẽ hoàn toàn đánh giá cao những lựa chọn của bố mẹ đã tác động đến mình như thế nào”.
Vì vậy, việc nhận được sự thừa nhận và lời xin lỗi từ bố mẹ sẽ là một chiến thắng to lớn đối với những đứa trẻ trưởng thành, đang tìm cách phá bỏ một số khuôn mẫu gia đình tiêu cực và tiến về phía trước với tâm lý tốt hơn.
"Bố mẹ cũng đang cố gắng từng ngày"
Nhà trị liệu Nedra Glover Tawwab cho rằng, câu nói trên không nhằm mục đích biện hộ cho bố mẹ, mà chỉ nhấn mạnh rằng dù cố gắng quản lý mọi thứ đến mức tốt nhất, bố mẹ vẫn có thể gặp những lúc khó khăn, thách thức. Điều này hoàn toàn bình thường và không ai là hoàn hảo.
Khi bố mẹ thành thật thừa nhận rằng cũng có những lúc vấp ngã, gặp khó khăn, điều này sẽ tạo ra sự thấu hiểu, thông cảm hơn từ phía con cái. Thay vì đặt ra những tiêu chuẩn hoàn hảo mà bố mẹ phải đáp ứng, con cái sẽ cảm thấy được ủng hộ và có sự gắn kết sâu sắc hơn.
Việc bố mẹ chia sẻ những lúc khó khăn, sẽ giúp con hiểu rằng mọi người đều có những vấn đề riêng và cần sự thông cảm, chia sẻ. Điều này không chỉ củng cố mối quan hệ gia đình, trẻ cũng học cách đối mặt và vượt qua khó khăn một cách lành mạnh hơn.
"Bố mẹ thực sự tự hào về con"
ất kể ở độ tuổi nào, trẻ em luôn khao khát được bố mẹ tự hào về những gì mình đã đạt được. Điều này không chỉ đúng với trẻ nhỏ, mà còn với cả những người trẻ tuổi, thậm chí là những người đã trưởng thành.
Như Caraballo đã nói, nhiều bậc bố mẹ luôn mong muốn con cái vượt qua những gì mình đã đạt được. Tuy nhiên, những kỳ vọng quá cao lại khiến nhiều trẻ bắt đầu cảm thấy mình không đủ giỏi, không thể đáp ứng được những tiêu chuẩn đó.
Khi bố mẹ thể hiện sự tự hào về những thành tựu, dù lớn hay nhỏ, sẽ là một nguồn động lực to lớn để trẻ tiếp tục phấn đấu, cố gắng hơn nữa.
Hơn nữa, khi bố mẹ tự hào về con cái, cũng phản ánh rằng bản thân đã nuôi dưỡng và hướng dẫn trẻ đi đúng hướng. Niềm tự hào sẽ củng cố niềm tin và động lực, giúp trẻ tin tưởng vào bản thân và tiếp tục vươn lên.
"Dù con đi hướng khác, bố mẹ vẫn ủng hộ"
Một số bố mẹ có thể thúc ép con cái đi theo quỹ đạo cuộc sống tương tự như chính mình, bởi tin rằng đó là điều đúng đắn và sẽ mang lại những thành công, ổn định cho con. Tuy nhiên, đây không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất.
Khi trưởng thành, mỗi đứa trẻ sẽ có suy nghĩ, hoài bão và lựa chọn hướng đi riêng, có thể khác biệt hoàn toàn so với bố mẹ. Điều này không có gì sai trái, bởi mỗi cá nhân đều có những đam mê, khả năng riêng. Quan trọng là bố mẹ hiểu và ủng hộ trẻ trên hành trình tìm kiếm con đường sống phù hợp với bản thân.
Như chuyên gia Deit đã nhấn mạnh, "Câu nói khẳng định này ghi nhận hành trình cá nhân và khẳng định quyền tự chủ của trẻ trong việc đưa ra các lựa chọn trong cuộc sống". Khi được bố mẹ tôn trọng và ủng hộ những quyết định của mình, trẻ sẽ cảm thấy mạnh mẽ, tự tin hơn trên hành trình tìm kiếm bản thân và phát triển sở thích, tài năng.
"Con muốn bố mẹ cho lời khuyên hay lắng nghe?"
Khi trẻ đối mặt với những thách thức trong cuộc sống, đôi khi cần phải tự mình tìm ra giải pháp. Đây là một bước quan trọng trong quá trình trưởng thành, giúp trẻ phát triển tính tự lập, độc lập và khả năng giải quyết vấn đề.
Như chuyên gia Tawab đã nhận xét, khi nuôi dạy những đứa trẻ trưởng thành, vai trò của bố mẹ không còn là bảo vệ và chỉ đạo như lúc nhỏ. Thay vào đó, điều quan trọng hơn là lắng nghe, quan sát và hỏi xem trẻ có muốn nhận lời khuyên hay không.
Bởi đôi khi, nếu bố mẹ chỉ một chiều chia sẻ "Bố mẹ có câu trả lời hoàn hảo cho con, con cần phải làm điều này," thì không phải lúc nào điều này cũng mang lại hiệu quả.
Trẻ trưởng thành cần được trao quyền tự quyết, tự do thể hiện suy nghĩ và lựa chọn của mình. Thay vì ép buộc, bố mẹ cần lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, rồi từ đó cùng nhau tìm ra phương án tối ưu.
"Bố mẹ luôn ở bên cạnh con"
Ngay cả khi đã trưởng thành, đối với nhiều người, cảm giác được bố mẹ bảo vệ và tạo ra một môi trường sống êm đềm vẫn luôn là điều an ủi, thư thái. Như chuyên gia Caraballo nhận xét, công việc nuôi dạy con cái không chỉ kết thúc khi trẻ trưởng thành, mà mối quan hệ giữa bố mẹ và con chỉ thay đổi dần theo thời gian.
Khi con cái đã lớn lên, trở nên độc lập, vai trò của bố mẹ cũng cần điều chỉnh cho phù hợp. Caraballo cho rằng, khi bố mẹ già đi, nên tập trung trở lại vào những mục tiêu cá nhân, không thể tiếp tục quá sâu vào cuộc sống của con như trước. Tuy nhiên, đây là một nghệ thuật tinh tế cần phải tìm ra, bởi vẫn cần duy trì sự tham gia tích cực, nhưng ở mức độ và phạm vi thích hợp.
Việc tìm ra ranh giới phù hợp, vừa đảm bảo được sự độc lập cho con, vẫn duy trì được mối quan hệ gắn bó, tin cậy với bố mẹ là một thách thức không hề đơn giản. Đòi hỏi bố mẹ phải linh hoạt, không ngừng điều chỉnh cách thức tương tác và mức độ can thiệp phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con.