Trẻ thường xuyên nghe những câu nói này của bố mẹ, tương lai sẽ trở thành một đứa trẻ hạnh phúc.
Tính cách độc lập của trẻ là một ưu điểm quan trọng trong quá trình phát triển và trưởng thành. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ không phụ thuộc vào cảm xúc và sự hỗ trợ từ bố mẹ. Thực tế, sự phụ thuộc của trẻ vào cảm xúc và tình yêu thương của bố mẹ, chính là nền tảng và trạm tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực cho hành trình khôn lớn của con.
Tình yêu thương và sự quan tâm mà bố mẹ dành cho con cái có vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự tự tin, và khả năng chống lại những khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Khi trẻ biết rằng, mình luôn có bố mẹ đồng hành bên cạnh, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và có động lực để phát triển, không ngừng tiến về phía trước, khám phá và vượt qua giới hạn của bản thân.
Bên cạnh những hành động cụ thể, lời ăn tiếng nói của bố mẹ tưởng chừng đơn giản, nhưng lại có tác động không tưởng đến con cái. Vậy làm sao để trẻ cảm thấy được yêu thương? Nhiều chuyên gia khuyến khích bố mẹ hãy nhớ thường xuyên nói 3 câu này với con mỗi ngày.
"Bố mẹ yêu con"
"Bố mẹ yêu con" là một câu nói đơn giản nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. Nó thể hiện tình cảm yêu thương và quan tâm chân thành từ bố mẹ dành cho con cái. Câu nói này không chỉ là một lời khẳng định tình yêu, mà còn là một lời hứa và cam kết về sự ủng hộ và chăm sóc của bố mẹ với con.
Việc bày tỏ tình yêu thương rất quan trọng, đặc biệt khi trẻ làm sai và khiến bố mẹ tức giận. Trong tình huống này, trẻ có thể sợ rằng bố mẹ sẽ không còn yêu thương mình nữa. Vì vậy khi bố mẹ nói "Bố mẹ sẽ luôn yêu thương con dù có chuyện gì xảy ra", điều này mang lại sự an ủi và khích lệ vô cùng lớn cho trẻ.
Trẻ sẽ nhận ra rằng, bố mẹ vẫn yêu thương, quan tâm đến mình và mong muốn trẻ trở nên tốt hơn mỗi ngày. Nhờ vậy mà trẻ được động viên, khuyến khích để xây dựng các hành vi, ứng xử chuẩn mực và suy nghĩ một cách chín chắn hơn.
Tâm hồn của trẻ sẽ tràn đầy niềm vui và sự hạnh phúc. Trẻ sẽ dần trở nên tự tin và không lo ngại trong mọi việc, dám thể hiện ý kiến của mình, có sự sáng tạo độc lập trong cuộc sống. Tuy nhiên, trẻ cũng sẽ hiểu rằng bản thân mình cần có những giới hạn và sự kiểm soát phù hợp, không thể làm mọi thứ tuỳ ý vì điều đó sẽ khiến bố mẹ phiền lòng.
"Sẽ không có vấn đề gì nếu con làm chưa tốt, bố mẹ sẽ cùng con cố gắng nhé"
Khi trẻ làm việc gì đó chưa tốt hoặc bị giáo viên ở trường phê bình, điều quan trọng là bố mẹ không nên nản lòng hay thể hiện sự thất vọng. Thay vào đó, bố mẹ nên sử dụng cách tiếp cận nhìn nhận con cái thông qua việc quan sát con hàng ngày. Khi hiểu rõ con mình, bố mẹ có thể nhận ra những khía cạnh mà con đang gặp khó khăn và cần được người lớn hỗ trợ.
Quan trọng là các bậc phụ huynh không nên la mắng con. Ngược lại, hãy tạo ra một môi trường hỗ trợ và nói với con rằng: "Sẽ không có vấn đề gì nếu con làm chưa tốt, bố mẹ sẽ cùng con cố gắng nhé". Bằng cách này, phụ huynh truyền tải thông điệp rằng tình yêu của bố mẹ dành cho con không bị ảnh hưởng bởi những điều chưa hoàn hảo, và họ sẽ luôn ở bên cạnh trẻ để đồng hành, hỗ trợ con trong quá trình phát triển và tiến bộ.
Hơn nữa, để đảm bảo một môi trường tốt cho con, bố mẹ nên tạo ra sự an lành và quan tâm đến tâm lý của trẻ. Điều này có nghĩa là phụ huynh cần lắng nghe và hiểu cảm xúc của con, đồng thời không áp đặt lên con sự hoàn hảo quá mức. Thay vào đó, hãy tạo ra một quá trình cải thiện từ từ, từng bước một, cho phép con phát triển tự nhiên theo tốc độ của chính mình mà không cảm thấy áp lực.
"Bố mẹ sẽ luôn lắng nghe con"
Thông thường, khi trẻ trở về nhà sau một ngày học tập ở trường, con rất muốn chia sẻ những câu chuyện diễn ra ở lớp với bố mẹ. Lúc này, cách mà bố mẹ lắng nghe và quan tâm đến những gì con nói sẽ phản ánh mức độ quan tâm của bố mẹ dành cho trẻ.
Trong những cuộc trò chuyện với con, đôi khi bố mẹ vì mải mê lo chuyện cá nhân nên có sự lơ là, không thực sự tập trung nghe những điều trẻ chia sẻ. Chính vì như thế mà nhiều tình huống, bố mẹ hay hỏi lại rằng "Con vừa nói gì đấy". Điều này khiến con trẻ cảm thấy mất hứng thú, và không còn muốn tiếp tục kéo dài cuộc trò chuyện với bố mẹ nữa.
Tuy nhiên, khi bố mẹ luôn nói với con rằng "Con hãy nói đi, bố mẹ sẽ luôn lắng nghe con", thì lúc này con trẻ sẽ cảm thấy được bố mẹ dành sự quan tâm, tôn trọng và sẵn sàng ở bên cạnh. Lớn lên trong một môi trường mà con cảm thấy được đánh giá cao và được yêu thương, trẻ sẽ tự tin hơn để tâm sự với bố mẹ về bất cứ điều gì.
Điểm quan trọng ở đây là sự lắng nghe chân thành của bố mẹ sẽ góp phần vào việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa bố mẹ và con cái. Điều này không chỉ giúp con phát triển kỹ năng giao tiếp, mà còn tạo ra một môi trường gia đình ấm cúng và tích cực cho sự phát triển toàn diện của trẻ.