Khi trẻ nhận thức được giá trị hy sinh mà bố mẹ đã dành cho mình, mới phát triển thành người biết ơn và trân trọng cuộc sống.
Như chúng ta đều biết, với tình yêu thương vô điều kiện, bố mẹ luôn hy sinh, dành thời gian, công sức để đảm bảo rằng con có cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ và hạnh phúc. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp trẻ không nhận thức được những điều này.
Trẻ em, đặc biệt là ở độ tuổi nhỏ, thường chưa đủ nhận thức để hiểu hết những gì bố mẹ đã làm cho mình. Trẻ không thể nhìn nhận được những nỗ lực mà bố mẹ bỏ ra hàng ngày để tạo dựng cuộc sống. Những gì trẻ cảm nhận thường chỉ là những nhu cầu hiện tại, và có thể coi đó là điều hiển nhiên.
Khi trẻ lớn lên, bắt đầu hình thành tính cách và mong muốn tự lập. Điều này có thể dẫn đến việc bản thân cảm thấy rằng những gì bố mẹ làm cho mình là điều đương nhiên, và không cần thiết phải thể hiện lòng biết ơn.
Ảnh minh họa.
Trong một số gia đình, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái có thể trở nên căng thẳng do áp lực cuộc sống hoặc sự khác biệt trong quan điểm. Sự thiếu giao tiếp và thấu hiểu cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Trường hợp khác, trẻ lớn lên trong một môi trường mà mọi người xung quanh không coi trọng giá trị của lòng biết ơn và sự hy sinh, sẽ ảnh hưởng. Trẻ học hỏi từ bạn bè, phương tiện truyền thông, sẽ hình thành những giá trị khác nhau.
Vì vậy, bố mẹ cũng có trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ về lòng biết ơn. Nếu bố mẹ không thể hiện, hay dạy trẻ cách bày tỏ lòng biết ơn, trẻ sẽ không có mẫu hình để theo dõi.
Việc thể hiện lòng biết ơn cần phải được nuôi dưỡng từ nhỏ, cần thấy rằng việc biết ơn là một phần quan trọng trong cuộc sống. Để cải thiện tình trạng này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đưa ra những gợi ý hữu ích, giúp bố mẹ có cách dạy trẻ về giá trị của lòng biết ơn, tạo ra một môi trường gia đình đầy yêu thương và thấu hiểu.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui.
"Bố mẹ không mệt, con không cần lo lắng về chuyện này", " Con chỉ cần chăm chỉ học tập thôi", "Mọi thứ của bố và mẹ đều là của con", có phải bố mẹ thường nói những câu này khiến trẻ không hiểu giá trị lòng biết ơn?
Xét theo kinh nghiệm từ gia đình, tôi không nói với các con những câu này. Tuy nhiên, nếu xét về góc độ giáo dục, những câu nói trên chưa thực sự phản ánh đúng tình trạng mà bố mẹ đang trải qua. Ví dụ, bố mẹ rất mệt mỏi về vấn đề nào đó, nhưng luôn nói "Bố mẹ không mệt đâu", có nghĩa bố mẹ chưa thành thật với con.
Khi bố mẹ không cho trẻ quyền được biết về cuộc sống thực tế của gia đình, khến trẻ tin rằng bản thân chưa đủ lớn để nhận biết, lâu dài hình thành tư duy không cần biết về cuộc sống của nhau, làm giảm đi sự biết ơn, do ngay từ đầu đã bị tước đi quyền đó.
Với câu nói "Mọi thứ của bố và mẹ đều là của con", đây là quan niệm sai lầm, đặc biệt theo văn hóa của người Việt. Theo quan điểm trước đây của người Việt, làm việc tích cóp cả đời để lại cho con. Tư duy này khiến trẻ sinh ra sự ỷ lại, làm giảm đi lòng biết ơn.
Sự khác biệt giữa thế hệ, sự nuông chiều của bố mẹ có ảnh hưởng đến cách trẻ em hiểu và cảm nhận về những hy sinh của cha mẹ như thế nào?
Điều quan trọng để xây dựng gia đình tích cực là sự thấu hiểu, với cách cư xử tử tế giữa bố mẹ và các con. Nếu trong giai đoạn thơ ấu, trẻ không được cảm nhận sự hy sinh của bố mẹ.
Giai đoạn này trẻ chưa phải lao động, và bố mẹ đang chia sẻ sức lao động để nuôi dưỡng con, vì vậy trẻ cần hiểu được bản thân đang được nhận thành quả từ công sức của bố mẹ.
Theo các nghiên cứu tâm lý có chia ra 4 kiểu phụ huynh. Trong đó, kiểu phụ huynh nuông chiều thường không dạy con những nguyên tắc, tiêu chuẩn trong cuộc sống hàng ngày. Điều này khiến trẻ mất dần đi lòng biết ơn, trở nên hời hợt, thiếu đi sự cố gắng.
Các nghiên cứu tâm lý có chỉ ra rằng sự thiếu hụt lòng biết ơn có thể dẫn đến những vấn đề tâm lý nào ở trẻ em trong tương lai không?
Thực tế, trẻ thiếu lòng biết ơn thường có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực trong cuộc sống, dẫn đến cảm giác lo âu. Trẻ có thể cảm thấy áp lực và không thể đối phó với những khó khăn, làm gia tăng cảm giác bất an.
Trong khi đó, một số nghiên cứu cho biết, khi trẻ lớn lên thực hành lòng biết ơn sẽ giảm thiếu việc gặp phải các vấn đề tâm lý.
Cụ thể, những trẻ biết ơn thường có cảm giác hạnh phúc hơn. Khi trẻ biết trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống, từ đó tạo ra cảm giác thỏa mãn và tích cực. Cảm giác này giúp trẻ vượt qua những khó khăn và thử thách trong cuộc sống.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng lòng biết ơn có thể làm giảm triệu chứng lo âu và trầm cảm. Nếu trẻ tập trung vào những điều tích cực và những gì đang có, thay vì những gì bản thân thiếu, tâm trạng sẽ cải thiện, cảm thấy thoải mái hơn về bản thân.
Trẻ em có thể học được lòng biết ơn từ đâu, và bố mẹ có thể khuyến khích điều này như thế nào trong cuộc sống hàng ngày?
Trong trường hợp này kèm theo một vấn đề mà bố mẹ nên thẳng thắn nhìn nhận, nếu bố mẹ thường xuyên ép buộc trẻ làm theo ý mình, dần sinh ra bên trong trẻ cảm giác áy náy, bức bối khi ở trong nhà.
Kèm theo đó, bố mẹ không trao cho trẻ quyền hiểu tình trạng gia đình, tâm lý của bố mẹ đang trong trạng thái nào, khiến trẻ không hiểu được để chia sẻ với bố mẹ.
Một trường hợp thân chủ của tôi đang học lớp 9, cậu bé chia sẻ rằng "Con thấy bố mẹ khổ quá, con không hiểu sao luôn cực khổ như vậy, con nghĩ bố mẹ nên đi chơi vì điều kiện nhà cửa, xe đều có rồi" .
Tuy nhiên, sau khi có một cuộc trò chuyện cởi mở giữa đôi bên, sự thật là bố mẹ trong gia đình này đang gặp rất nhiều áp lực, trong giai đoạn kinh tế khó khăn đang phải cố gắng vực dậy. Trong người phụ huynh cũng mang nhiều bệnh, nhưng không thể ngừng làm việc.
Tôi có đặt câu hỏi "Vì sao bố mẹ không cho con biết tình trạng này", phụ huynh trả lời rằng "Các con còn nhỏ" , "Trẻ nhỏ biết những chuyện này sẽ thêm mệt nhọc" .
Hầu hết bố mẹ có ý tốt là không muốn trẻ phải suy nghĩ và lo lắng về gia đình. Tuy nhiên, điều này vô tình tạo ra bên trong trẻ suy nghĩ lo lắng, khó hiểu vì sao bố mẹ gặp phải áp lực, bởi trẻ nhìn thấy mọi thứ trong cuộc sống đều ổn.
Vì vậy, lúc này điều bố mẹ cần làm là chủ động tương tác, kể cho trẻ nghe câu chuyện, bối cảnh gia đình. Việc giao tiếp cởi mở có thể giúp trẻ bồi dưỡng lòng biết ơn tốt hơn.