Bố mẹ Nga áp dụng một số phương pháp nuôi dạy con khác biệt, mong muốn trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt.
Ở mỗi quốc gia, các bậc phụ huynh lại có cách dạy con khác nhau, tùy thuộc vào văn hóa, lối sống của mỗi gia đình.
Nếu như bố mẹ Nhật Bản coi trọng việc dạy con độc lập từ bé, người Hà Lan đề cao đời sống tinh thần, để đứa trẻ lớn lên hạnh phúc, thì bố mẹ Nga mong muốn nuôi dạy con phát triển một cách toàn diện nhất.
Đặt gia đình lên hàng đầu
Hầu hết chúng ta đều biết gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi đứa trẻ. Đối với người Nga cũng vậy, nền tảng gia đình mang ý nghĩa giá trị hơn bất cứ điều gì khác.
Người Nga thường lựa chọn các dịp cuối tuần, sinh nhật, lễ hội... để tổ chức các buổi họp mặt giữa các thành viên, buổi họp mặt này không chỉ dành cho bố mẹ và con cái mà còn có sự góp mặt của cả họ hàng.
Đối với người Nga, nền tảng gia đình mang ý nghĩa giá trị hơn bất cứ điều gì khác.
Những đứa trẻ từ khi sinh ra, thường được răn dạy rằng gia đình là thứ ý nghĩa nhất trên thế giới này. Khi nói đến anh chị em ruột, sẽ không có khái niệm “ganh tỵ” giữa các anh chị em trong gia đình, thay vào đó là nuôi dưỡng sự chia sẻ, thấu hiểu và yêu thương nhau.
Trong mắt bố mẹ Nga, con cái mãi mãi chỉ là một đứa bé cần đền vòng tay của bố mẹ. Tuy nhiên, người Nga cũng rất khuyến khích con cái tự lập, trải nghiệm cuộc sống mới.
Các gia đình người Nga coi trọng sự gần gũi với thế hệ trước, vì thế điều quan trọng đối với các bậc phụ huynh là con cái tạo được mối liên kết chặt chẽ với ông bà của mình.
Học càng nhiều càng tốt
Quan niệm học nhiều của người Nga không chỉ là tập trung tiếp thu các bài giảng ở trường, mà còn là quá trình trẻ học hỏi trong cuộc sống hàng ngày.
Ngoài các môn chính ở trường, bố mẹ người Nga luôn khuyến khích trẻ học thêm các môn năng khiếu khi về nhà như: đàn, vẽ, múa ba lê, khiêu vũ… Vì vậy từ rất nhỏ, các cô cậu bé đã được đưa đến lớp thể thao, âm nhạc hay ngoại ngữ…
Chúng ta thường thấy ở các kỳ thế vận hội thể thao, vận động viên người Nga luôn nổi bật về các môn mang tính nghệ thuật như trượt băng nghệ thuật, khiêu vũ...
Ngoài ra, người Nga cũng rất chú ý đến việc học văn. Ở Moscow, một số nhà hát và bảo tàng cung cấp vé miễn phí cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Ngoài các môn chính ở trường, bố mẹ người Nga luôn khuyến khích trẻ học thêm các môn năng khiếu khi về nhà như: đàn, vẽ, múa ba lê, khiêu vũ…
Nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật
Trẻ em tự như một tờ giấy trắng, việc bố mẹ nuôi dạy thế nào sẽ hình thành ra những đứa trẻ theo xu hướng đó. Vì vậy, việc xây dựng môi trường, tạo động lực khám phá bản thân để con trẻ tự phát triển là một trong những yếu tố quan trọng trong việc giúp con trưởng thành tốt.
Trong đó, bố mẹ Nga luôn coi trọng việc nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật cho con ngay từ nhỏ. Nhà hát và các buổi biểu diễn đặc biệt dành cho trẻ em được bắt nguồn từ văn hóa Nga.
Người Nga tin rằng tình yêu đối với nghệ thuật biểu diễn, văn chương và nghệ thuật thị giác sẽ giúp phát triển toàn diện nhân cách của đứa trẻ. Bố mẹ Nga khuyến khích trẻ có thể ngồi xem các buổi biểu diễn kéo dài 2 tiếng đồng hồ vào tối.
Cuối tuần, bố mẹ Nga cũng dành thời gian dẫn con đi thăm các viện bảo tàng, phòng trưng bày, triển lãm nghệ thuật và các hoạt động giáo dục khác, để giúp trẻ có thêm động lực, hứng thú với những điều mới lạ trong cuộc sống.
Bố mẹ Nga coi trọng việc nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật cho con.
Đề cao tinh thần trách nhiệm
Như chúng ta đều biết, những đứa trẻ được nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm từ nhỏ thường sẽ biết cách hoàn thành bổn phận của mình trong gia đình, trường học và cộng đồng.
Trẻ ý thức trách nhiệm trước những hành động của mình. Vì vậy, khi phạm lỗi, trẻ thừa nhận, xin lỗi và cố gắng sửa đổi…
Bố mẹ Nga coi trọng đức tính này, vì vậy trẻ em trong các gia đình ở Nga được dạy nấu ăn, lau dọn nhà cửa và giặt quần áo từ 3 tuổi. Những đứa trẻ được dạy cách làm việc nhà thành thạo để biết mình phải làm gì để hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với gia đình và ngôi nhà.
Người Nga luôn dạy con phải có trách nhiệm với hành động của mình, nên bố mẹ thường có thể tin tưởng vào con. Đây là động lực, niềm tin giúp trẻ hoàn thiện bản thân theo hướng tích cực.
Trẻ em trong các gia đình ở Nga được dạy nấu ăn, lau dọn nhà cửa và giặt quần áo từ 3 tuổi.