Nhằm giúp trẻ phát huy tài năng tốt, bố mẹ có thể vận dụng 3 cách.
Điều nhiều phụ huynh mong muốn là nuôi dưỡng đứa trẻ có thể giải quyết nhiều vấn đề một cách khôn ngoan và tràn đầy sức sống.
Để hiện thực hóa điều này, việc nuôi dạy trẻ không chỉ đơn thuần là cung cấp kiến thức, mà còn là tạo ra một môi trường khuyến khích sự sáng tạo và tư duy độc lập. Bố mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ được tham gia vào các hoạt động thực tiễn, có thể trải nghiệm và học hỏi thông qua những thử thách hàng ngày.
Cho phép sai lầm và xây dựng khả năng phục hồi
Hãy nghĩ lại thời điểm trẻ đang tập đi, đã bị ngã bao nhiêu lần? Nhưng lúc đó, bố mẹ sẽ kiên nhẫn động viên và khẳng định mọi nỗ lực. Khi trẻ bước đi những bước đầu tiên trong đời, bố mẹ đã vỗ tay cổ vũ và tán thưởng.
Khi trẻ dần lớn lên từng ngày, bố mẹ không còn đủ kiên nhẫn như trước nữa. Một khi trẻ làm không tốt hoặc gặp thất bại, sẽ vô tình thể hiện sự thất vọng, đôi khi là những lời nói không chủ ý hoặc ánh mắt không hài lòng. Những hành động này có thể làm suy yếu lòng tự tin, khiến trẻ cảm thấy xấu hổ và tự ti.
Nếu bố mẹ không để ý đến điều này, trẻ sẽ bắt đầu cho rằng mình chưa đủ giỏi, lo lắng về việc chưa hoàn hảo, cuối cùng có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội chỉ vì sợ mắc sai lầm hoặc thất bại.
Cho phép sai lầm và xây dựng khả năng phục hồi.
Trẻ em thiếu gì nhất? Đó là khả năng phục hồi.
Khả năng phục hồi không chỉ giúp trẻ vượt qua những thất bại, mà còn là nền tảng để phát triển tính kiên cường. Là một đứa trẻ kiên cường, tư duy cởi mở, trẻ sẽ đón nhận mọi thử thách mới, mà không cảm thấy quá lo lắng hay sợ hãi. Với một thái độ tích cực, trẻ có thể thoát ra khỏi những giới hạn trong suy nghĩ một cách tự nhiên, tìm ra và hình thành những chiến lược tối ưu để giải quyết vấn đề.
Việc khuyến khích trẻ chấp nhận thất bại như một phần không thể thiếu trong quá trình học hỏi là rất quan trọng. Bố mẹ nên giúp trẻ nhận ra rằng mỗi lần vấp ngã đều mang lại bài học quý giá. Điều này giúp trẻ phát triển khả năng phục hồi, tạo ra một tâm thế tích cực trong cuộc sống, trưởng thành tự tin, độc lập và sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn.
Cho phép tinh nghịch và sáng tạo
Trong mắt nhiều người, những đứa trẻ nghịch ngợm tương đương với việc gây rắc rối. Trên thực tế, nghịch ngợm là một chuỗi các hoạt động khám phá được khơi dậy bởi trí tò mò.
Ví dụ: Em bé ném đi ném lại những đồ vật trong tầm tay. Trên thực tế, trẻ đang làm một thí nghiệm, hóa ra các vật cứng sẽ phát ra âm thanh khi rơi xuống đất, nhưng những quả bóng xốp mềm thì không. Qua những hành động đơn giản này, trẻ học cách khám phá thế giới xung quanh, hiểu về nguyên lý trọng lực, âm thanh và tính chất của các vật thể.
Trẻ em thích tách rời mọi thứ để hiểu bản chất và cấu trúc của sự vật cũng như quy luật vận hành của mọi thứ. Hành động này không chỉ là sự nghịch ngợm vô nghĩa mà là một quá trình học tập tự nhiên. Khi trẻ tháo rời một món đồ chơi, là đang tìm hiểu cách mà các bộ phận hoạt động với nhau, từ đó phát triển khả năng giải quyết vấn đề và tư duy logic.
Cho phép tinh nghịch và sáng tạo.
Bây giờ là thời đại của trí tuệ nhân tạo, và những tài năng sáng tạo ngày càng cần thiết. Tuy nhiên, sáng tạo không phải là một kỹ năng đơn lẻ mà đòi hỏi một tinh thần thử thách, dám thử, tâm trí không bị ràng buộc bởi những định kiến, sự tự tin rằng mình có thể làm được và sự kiên trì bền bỉ.
Sự nghịch ngợm cho phép đứa trẻ trở về với bản chất ban đầu, tích cực cố gắng làm những điều mình thích và không ngừng khám phá những lĩnh vực mà trẻ muốn học. Khi được khuyến khích, trẻ sẽ cảm thấy tự do để thể hiện bản thân, từ đó phát triển sự sáng tạo và khả năng tư duy độc lập.
Trong quá trình này, trẻ phát huy tối đa trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo, tư duy chủ động, khẳng định bản thân... Những trải nghiệm này sẽ giúp trẻ xây dựng sự tự tin và lòng dũng cảm để đối mặt với những thách thức trong cuộc sống.
Cho phép chơi tự do và phát triển sức mạnh đích thực
Theo một chuyên gia tâm lý, trẻ sẽ dễ dàng tìm thấy niềm đam mê của mình khi được tự do vui chơi hơn là đăng ký các lớp học theo sở thích.
Chơi cũng quan trọng như học. Chơi không hướng tới mục tiêu. Trẻ có thể chơi theo ý muốn, có nhiều cơ hội hơn để khám phá những gì mình giỏi hoặc thích và học cách giải quyết các vấn đề khác nhau, trong khi chơi một cách sáng tạo.
Nếu mỗi phút, mỗi giây đều được lên kế hoạch, trẻ sẽ không có thời gian để suy nghĩ và không biết cách sắp xếp thời gian của mình.
Thông thường, khi một người cảm thấy mình không thể kiểm soát được cuộc sống của mình, dầnmất niềm tin vào bản thân và trở nên lo lắng, bối rối.
Cho phép trẻ vui chơi tự do.
Để nuôi dưỡng một đứa trẻ thực sự có năng lực, lời khuyên từ chuyên gia là bố mẹ không cần đầu tư quá nhiều tiền và công sức, chỉ cần dành 1 hoặc 2 giờ mỗi ngày để cùng chơi, xem con chơi, quan tâm đến sở thích, chu cấp tài liệu để khám phá (sách, phim tài liệu, video, chuyến dã ngoại,..), và đóng vai trò là người hướng dẫn.
Thành công lớn nhất của người mẹ không phải là kiểm soát, mà là dần dần buông bỏ và để con làm chủ thời gian, cuộc sống và cả vận mệnh của chính mình.
Vì vậy, đừng quá vất vả trong việc giáo dục con cái, hãy biết cách buông bỏ đúng lúc và bớt kiểm soát hơn, điều này sẽ có lợi hơn cho sự phát triển của con.