Chuyên gia Việt: Đứa trẻ được giáo dục sớm về tiền và không, khi lớn khác nhau rõ rệt

Kiều Trang - Ngày 08/08/2023 09:25 AM (GMT+7)

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui chia sẻ với bố mẹ cách dạy con về tiền thú vị, hiệu quả.

Việc dạy con về tiền bạc đóng vai trò quan trọng giúp trẻ phát triển khả năng kiểm soát tài chính khi trưởng thành. Angela Merkel, cựu Thủ tướng Đức, từng chia sẻ: "Giáo dục tiền bạc là một khóa học bắt buộc trong cuộc sống và là trọng tâm của giáo dục con cái, cũng giống như tiền bạc là trọng tâm của gia đình".

Việc bắt đầu giáo dục con về tiền bạc không bao giờ là quá sớm. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ có thể được giới thiệu với khái niệm cơ bản về tiền bạc, nhưng cách tiếp cận nên được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi và sự hiểu biết của trẻ.

Từ việc đếm tiền, phân biệt giữa các đơn vị tiền tệ đến việc sử dụng tiền trong trò chơi giả lập, các hoạt động như vậy giúp trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của tiền và cách sử dụng nó.

Nếu muốn con có một tương lai tốt đẹp, bố mẹ đừng để quá muộn khi dạy con về tiền (Ảnh minh hoạ).

Nếu muốn con có một tương lai tốt đẹp, bố mẹ đừng để quá muộn khi dạy con về tiền (Ảnh minh hoạ).

Trong quá trình trưởng thành, sự thiếu hiểu biết về tiền bạc có thể khiến trẻ không nhận ra hoàn toàn ý nghĩa của tiền, không biết cách sử dụng tiền một cách hợp lý và dễ rơi vào những sai lầm. Do đó, dạy con về tiền bạc từ nhỏ có thể giúp trẻ phát triển những kỹ năng quan trọng như tiết kiệm, lập kế hoạch tài chính và quản lý chi tiêu.

Là một nhà giáo dục, tâm lý, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vui luôn hiểu được tầm quan trong của việc giáo dục trẻ về đồng tiền. Đó là lý do mà thạc sĩ muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh về chủ đề này, với mong muốn giúp những ông bố bà mẹ có cái nhìn rộng mở và đúng đắn, để có thể đưa ra những phương pháp giáo dục hiệu quả và phù hợp trên hành trình nuôi dạy con cái trở thành những đứa trẻ tự tin, giỏi giang và độc lập trong tương lai.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXHamp;NV ĐHQG - TPHCM.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.

Chuyên gia Việt: Đứa trẻ được giáo dục sớm về tiền và không, khi lớn khác nhau rõ rệt - 4

Theo chuyên gia, vì sao bố mẹ nên dạy con về tiền? Độ tuổi nào thì thích hợp để dạy con về tiền?

Bố mẹ nên dạy con về tiền, vì kiến thức về tài chính và quản lý tiền bạc là một phần quan trọng của cuộc sống. Dạy con về tiền giúp trẻ hiểu về giá trị tiền bạc, hình thành tư duy tài chính và phát triển kỹ năng quản lý tài chính từ khi còn nhỏ.

Đây là những kỹ năng quan trọng để trẻ có thể đứng vững trước thử thách tài chính trong tương lai, và biết cách sử dụng tiền một cách thông minh.

Độ tuổi thích hợp để bắt đầu dạy con về tiền bạc thường là từ 5-6 tuổi, hoặc khi con bắt đầu có nhu cầu sử dụng tiền để tiêu vặt.

Tuy nhiên, cách tiếp cận và nội dung phải phù hợp với khả năng hiểu biết và phát triển của từng độ tuổi. Ngoài độ tuổi, việc dạy con về tiền còn phụ thuộc vào đặc thù của từng gia đình, ví dụ như trẻ sinh ra trong gia đình bố mẹ làm kinh doanh thì thường sẽ tiếp xúc với tiền sớm hơn so với những gia đình bố mẹ làm ngành nghề khác.

Chuyên gia Việt: Đứa trẻ được giáo dục sớm về tiền và không, khi lớn khác nhau rõ rệt - 5

Đứa trẻ được giáo dục sớm về tài chính và đứa trẻ không được bố mẹ giáo dục sớm, sẽ có sự khác nhau như thế nào khi lớn?

Đứa trẻ được giáo dục sớm về tiền và đứa trẻ không được bố mẹ giáo dục sớm về tiền, có những sự khác nhau rõ rệt khi lớn. 

Khác biệt đầu tiên, đứa trẻ được giáo dục sớm về tiền thường có hiểu biết sâu hơn về giá trị của tiền. Trẻ nhận thức được công việc và thời gian cần để kiếm được số tiền đó, và do đó sẽ có xu hướng đánh giá và sử dụng tiền một cách cẩn thận hơn.

Khác biệt thứ hai là một đứa trẻ được giáo dục sớm về tiền, thường có khả năng tiết kiệm tốt hơn. Trẻ đã được hình thành nhận thức về việc tiết kiệm và biết cách quản lý tiền bạc từ khi còn nhỏ, do đó sẽ có thể tích luỹ được số tiền lớn hơn trong tương lai.

Khác biệt thứ ba là đứa trẻ được giáo dục sớm về tiền, thường phát triển kỹ năng quản lý tài chính tốt hơn. Trẻ hiểu về ngân sách, lập kế hoạch tài chính và biết cách đưa ra quyết định thông minh về sử dụng tiền. Điều này có thể giúp trẻ trở thành người quản lý tài chính cá nhân tự tin, và đạt được mục tiêu tài chính trong cuộc sống.

Chuyên gia Việt: Đứa trẻ được giáo dục sớm về tiền và không, khi lớn khác nhau rõ rệt - 6

Để dạy con tính tiết kiệm, một số bố mẹ có tư tưởng "khóc nghèo" (giả nghèo giả khổ), chuyên gia nghĩ gì về cách giáo dục này?

Tôi không đồng ý với tư tưởng dạy con này, bởi vì nó sẽ gây phản ứng ngược. Cách giáo dục "khóc nghèo" của bố mẹ có thể gây tác động tâm lý, áp lực và căng thẳng đến trẻ.

Trẻ có thể cảm thấy bị giả dối hoặc không tin tưởng vào sự thật từ bố mẹ. Điều này có thể ảnh hưởng đến quan hệ gia đình, và gây khó khăn trong việc xây dựng lòng tin và sự gắn kết giữa con cái với bố mẹ.

Tôi tin rằng, ranh giới giữa tính tiết kiệm và bủn xỉn sẽ không quá xa. Tiết kiệm bằng cách chi tiêu hợp lý, sẽ hoàn toàn khác với việc bố mẹ than thở, giả nghèo giả khổ vì không muốn chi, ngay cả những chi tiêu cần thiết trong cuộc sống hàng ngày như ăn uống... như thế sẽ được gọi là bủn xỉn, keo kiệt chứ không phải là tiết kiệm.

Chuyên gia Việt: Đứa trẻ được giáo dục sớm về tiền và không, khi lớn khác nhau rõ rệt - 7

Bố mẹ nên dạy con hiểu gì về tiền? Chuyên gia có thể gợi ý một vài cách bố mẹ dạy con về tiền phù hợp cho trẻ nhỏ?

Đầu tiên, bố mẹ nên giúp trẻ hiểu rõ về giá trị của tiền bằng cách giải thích rằng, tiền là kết quả của công việc và thời gian mà người khác phải đầu tư để kiếm được nó. Thông qua ví dụ cụ thể, hãy cho trẻ thấy rằng tiền có thể được dùng để mua những thứ cần thiết và đạt được những mục tiêu.

Tiếp theo, bố mẹ hãy dạy trẻ cách tạo ngân sách và quản lý chi tiêu. Hãy giúp trẻ hiểu cách phân bổ tiền cho các mục đích khác nhau, như tiết kiệm, mua sắm và đóng góp xã hội. Đặc biệt là, bố mẹ nên dạy trẻ dùng tiền cho những thứ mình cần, trước khi chi tiêu cho những thứ mình muốn.

Bố mẹ có thể khuyến khích trẻ tiết kiệm, bằng cách giúp trẻ thiết lập mục tiêu tiết kiệm và tạo ra một khoản tiết kiệm, chẳng hạn như bỏ heo đất. Bố mẹ có thể tạo ra một hệ thống thưởng nhỏ để khích lệ những cố gắng, nỗ lực của con trong học tập, cũng như sinh hoạt hàng ngày, và con có thể dùng tiền thưởng đó bỏ heo, tiết kiệm để chi tiêu cho bất kỳ điều gì mà con muốn.

Quan trọng nhất là bố mẹ hãy tạo ra một môi trường mở, và thoải mái để con có thể thảo luận và đặt câu hỏi về tiền bạc. Bố mẹ hãy luôn sẵn sàng lắng nghe và trao đổi ý kiến với con, để có thể giúp con hiểu rõ hơn về tài chính và phát triển những kỹ năng quản lý tiền bạc cần thiết trong cuộc sống.

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia