“Mẹ ơi, con không muốn đi học mẫu giáo”, chuyên gia mách mẹ 5 câu trả lời có tính quyết định đến tương lai

Thi Thi - Ngày 27/09/2024 13:00 PM (GMT+7)

Câu trẻ lời của mẹ trong trường hợp này rất quan trọng, tác động đến nhận thức và tâm lý của trẻ.

Việc trẻ không muốn đi học mẫu giáo là vấn đề khá phổ biến và có thể gây ra lo lắng cho cả phụ huynh. Sự từ chối này thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm tâm lý, môi trường và các yếu tố xã hội. Việc hiểu rõ nguyên nhân và tìm cách giải quyết là rất quan trọng để giúp trẻ vượt qua khó khăn.

Nhiều trẻ nhỏ có thể cảm thấy lo lắng khi phải xa bố mẹ và bước vào một môi trường mới. Những cảm xúc này thường xuất hiện khi trẻ phải rời khỏi không gian an toàn ở nhà, khiến bản thân cảm thấy không an tâm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hay trẻ có thể thiếu tự tin vào khả năng hòa nhập với bạn bè mới, tham gia vào các hoạt động tại trường. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy áp lực và không muốn đến trường.

Trẻ đã quen với việc ở nhà và chơi đùa tự do có thể cảm thấy nhàm chán khi phải tham gia vào các hoạt động có quy định và khuôn khổ tại trường. Sự chuyển đổi từ môi trường tự do sang môi trường học tập có thể là một thách thức lớn.

Nếu trẻ đã từng có trải nghiệm không tốt tại trường, chẳng hạn như bị bạn bè bắt nạt hoặc không được giáo viên chú ý, có thể phát triển tâm lý không muốn quay trở lại. Vậy bố mẹ nên làm gì nếu con nói "không muốn đến trường"? Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi gợi ý cách phản ứng phù hợp.

Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi.

Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi.

“Mẹ ơi, con không muốn đi học mẫu giáo”, chuyên gia mách mẹ 5 câu trả lời có tính quyết định đến tương lai - 3

Thưa chuyên gia, trường hợp trẻ nói “Mẹ ơi, con không muốn đi học mẫu giáo”, người mẹ nên trả lời con thế nào? Chuyên gia có thể gợi ý một số câu trả lời, mỗi câu nói sẽ tác động đến trẻ thế nào? 

Khi trẻ nói “Mẹ ơi, con không muốn đi học mẫu giáo”, thì chắc hẳn con đang có những nỗi lo lắng, sự sợ hãi hay tâm sự nào đó. Bố mẹ nên phản ứng với sự thấu hiểu và khuyến khích, giúp trẻ cảm thấy an toàn và được lắng nghe. Từ đó, con sẽ chia sẻ những tâm sự và nỗi lo của mình để bố mẹ hỗ trợ con vượt qua. Một số câu nói mà bố mẹ có thể chia sẻ cùng con để giúp con cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ.

- “Mẹ hiểu là con đang không muốn đi học, con có thể cho mẹ biết tại sao không?” Câu này giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu và khuyến khích con diễn đạt cảm xúc của mình.

- “Mẹ biết rằng bắt đầu ngày mới ở trường có thể hơi khó khăn. Con có lo lắng điều gì không?” Điều này giúp trẻ mở lòng hơn về lý do đằng sau sự từ chối và mẹ có thể an ủi hoặc giải thích thêm nếu cần.

- “Ở mẫu giáo, con sẽ được chơi với các bạn và học được nhiều điều thú vị. Chúng ta cùng nghĩ về điều mà con thích nhất ở trường nhé! Điều này giúp chuyển hướng suy nghĩ của trẻ từ nỗi lo sang những điều tích cực ở trường.

- “Mẹ biết con là một đứa trẻ rất mạnh mẽ và giỏi giang. Chắc chắn con sẽ có một ngày tuyệt vời ở trường!” Động viên trẻ bằng sự tự tin và khích lệ, giúp trẻ có thêm động lực để đi học.

- “Mẹ có thể làm gì để giúp con cảm thấy thoải mái hơn khi đi học không?” Điều này thể hiện sự quan tâm của mẹ và giúp trẻ cảm thấy có tiếng nói trong quyết định của mình.

Tóm lại, bằng cách lắng nghe, đồng cảm và khuyến khích, người mẹ sẽ giúp con vượt qua sự lo lắng và phát triển sự tự tin khi đi học.

“Mẹ ơi, con không muốn đi học mẫu giáo”, chuyên gia mách mẹ 5 câu trả lời có tính quyết định đến tương lai - 4

Chuyên gia có thể chia sẻ cách bố mẹ nhận biết việc trẻ không muốn đi học do lo lắng hay chỉ là một giai đoạn bình thường không?" 

Để nhận biết liệu việc trẻ không muốn đi học là do lo lắng hoặc chỉ là một giai đoạn phát triển bình thường, bố mẹ có thể quan sát một số dấu hiệu và hành vi của trẻ.

Một số gợi ý giúp bố mẹ phân biệt như: Quan sát tần suất và mức độ từ chối, sự thay đổi trong hành vi hàng ngày của con, triệu chứng về thể lý, phản ứng khi bố mẹ hoặc người thân nhắc tới việc đi học và thái đội khi trẻ ở trường.

Cụ thể, nếu chỉ là lo lắng thông thường, trẻ có thể thi thoảng từ chối đi học, đặc biệt sau kỳ nghỉ dài hoặc khi có thay đổi lớn (ví dụ, chuyển lớp, thay đổi giáo viên). Những biểu hiện này thường không kéo dài và trẻ có thể dễ dàng quay trở lại lịch trình hàng ngày sau một thời gian ngắn.

Còn trường hợp trẻ có lo lắng thì sẽ thường xuyên từ chối đi học trong thời gian dài, với mức độ căng thẳng ngày càng tăng, thể hiện sự kháng cự mạnh mẽ, có thể kèm theo khóc lóc, lo âu, hoặc thậm chí có triệu chứng về thể chất như đau bụng, đau đầu.

Những biểu hiện về hành vi khi ở nhà: Trẻ có thể vui vẻ chơi đùa ở nhà, hoặc thể hiện cảm xúc bình thường với bạn bè, anh chị em. Trẻ không có dấu hiệu căng thẳng quá mức khi được hỏi về việc đi học. Nhưng với Trẻ có lo lắng thì có thể thể hiện những hành vi thay đổi rõ rệt như khó ngủ, hay giật mình, ác mộng, hoặc trở nên dễ cáu kỉnh, lo âu nhiều hơn.

Trẻ có thể bám chặt bố mẹ hơn bình thường và thể hiện cảm giác sợ hãi rõ rệt khi nói đến trường học. Khi đến môi trường mới, thông thường trẻ có thể cảm thấy ngần ngại hoặc sợ hãi lúc đầu nhưng sau vài ngày hoặc vài tuần, trẻ sẽ dần dần quen với môi trường mới và giảm bớt sự lo lắng.

Còn với trẻ có lo lắng thì cho thấy sự kém thích nghi với môi trường mới sau một khoảng thời gian hoặc nỗi sợ hãi tăng lên theo thời gian.Khi đến trường, lúc đầu trẻ có thể có chút khó chịu khi vào lớp nhưng sẽ hòa nhập và chơi với các bạn sau một thời gian ngắn.

Trẻ sẽ dần cảm thấy vui vẻ và tham gia vào các hoạt động ở trường. Nhưng với trẻ có lo lắng thì  có thể tiếp tục gặp khó khăn suốt cả ngày ở trường, thường tỏ ra cô lập, ít giao tiếp với bạn bè hoặc giáo viên, hoặc từ chối tham gia vào các hoạt động nhóm. Trẻ có thể trở nên lo âu suốt thời gian ở trường, không muốn rời bố mẹ.

Nếu bố mẹ nhận thấy con mình có nhiều dấu hiệu lo lắng như trên, điều quan trọng là bố mẹ nên thảo luận với giáo viên hoặc chuyên gia tâm lý để đánh giá và hỗ trợ trẻ kịp thời. Sự lo lắng kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ, vì vậy cần có những can thiệp sớm để giúp trẻ vượt qua.

“Mẹ ơi, con không muốn đi học mẫu giáo”, chuyên gia mách mẹ 5 câu trả lời có tính quyết định đến tương lai - 5

Một số phụ huynh nuôi dạy con theo hướng tự do, ví dụ cho con du lịch, học các kỹ năng khác thay vì đến trường mẫu giáo mỗi ngày... Theo chuyên gia, có sự khác biệt nào giữa trẻ học mẫu giáo và trẻ không học mẫu giáo không?"

Có một số khác biệt quan trọng giữa trẻ được gửi đến trường mẫu giáo và trẻ được nuôi dạy theo hướng tự do, chẳng hạn như du lịch hoặc học các kỹ năng khác ngoài môi trường mẫu giáo. Tuy nhiên, cả hai phương pháp này đều có lợi thế riêng, và tác động của chúng lên sự phát triển của trẻ có thể khác nhau tùy thuộc vào cách bố mẹ áp dụng.

Ví dụ, về kỹ năng xã hội, những đứa trẻ học trong trường mẫu giáo thường xuyên được tiếp xúc với nhiều bạn bè đồng trang lứa, giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, như cách chia sẻ, làm việc nhóm, và giải quyết xung đột. Trẻ sẽ có cơ hội học cách thích nghi với môi trường có cấu trúc và quy tắc xã hội nhất định.

Với trẻ không học mẫu giáo: Trẻ được nuôi dạy tự do có thể không có nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường nhóm liên tục, đặc biệt là với các trẻ cùng lứa tuổi. Dù trẻ có thể học các kỹ năng xã hội qua những trải nghiệm khác, việc thiếu tương tác hàng ngày trong môi trường nhóm có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong việc phát triển kỹ năng giải quyết mâu thuẫn hoặc giao tiếp hiệu quả.

Ngoài ra, những đứa trẻ học mẫu giáo có cơ hội làm quen với những hoạt động mang tính tiếp cận học tập như đếm số, nhận biết chữ cái, phát triển ngôn ngữ, và kỹ năng cầm bút, đồ chữ. Đây là những kỹ năng quan trọng chuẩn bị cho trẻ vào bậc tiểu học.

Đối với những trẻ em không học mẫu giáo thì cũng có thể phát triển các kỹ năng học thuật qua các hoạt động như học qua trải nghiệm du lịch, tương tác với môi trường tự nhiên, hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa khác.

Tuy nhiên, những kỹ năng học thuật này có thể không được phát triển theo cấu trúc cụ thể, dẫn đến sự khác biệt trong cách trẻ tiếp cận việc học khi vào trường học chính thức.

Một lợi thế khác của trẻ học mẫu giáo: Trẻ quen với việc tuân thủ thời gian biểu, nội quy và các quy định trong lớp. Điều này giúp trẻ dễ dàng thích nghi khi chuyển sang môi trường học tập chính thức có tính cấu trúc cao hơn ở bậc tiểu học.

Do đó, những trẻ không học mẫu giáo có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với các yêu cầu về thời gian, kỷ luật và trách nhiệm mà hệ thống giáo dục truyền thống đặt ra khi mới vào lớp 1.

Mặc dù trẻ học mẫu giáo có những lợi thế so với trẻ không học mẫu giáo như trên đã liệt kê, tuy nhiên, trẻ học thông qua trải nghiệm, đi du lịch cũng có nhiều lợi thế như: Tính sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, sự tự tin và tính độc lập cũng như có thời gian gắn kết với gia đình nhiều hơn.

Mặc dù trẻ ở mẫu giáo cũng có cơ hội tham gia các hoạt động sáng tạo như vẽ, tô màu, xây dựng, nhưng các hoạt động này thường được hướng dẫn và có khuôn mẫu. Điều này giúp phát triển tư duy có cấu trúc nhưng có thể ít linh hoạt hơn trong việc giải quyết các vấn đề mới.

Còn trẻ không học mẫu giáo thì được giáo dục theo phương pháp tự do thường có nhiều cơ hội hơn để phát triển tính sáng tạo và tư duy độc lập qua các hoạt động đa dạng như du lịch, khám phá, và học kỹ năng thực tiễn. Điều này giúp trẻ trở nên linh hoạt hơn trong việc giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo.

Tuy nhiên, nếu không có sự hướng dẫn và định hướng phù hợp, trẻ có thể gặp khó khăn khi tiếp cận các nhiệm vụ có cấu trúc hơn. Hơn thế nữa, trẻ không học mẫu giáo sẽ có nhiều trải nghiệm học tập tự do có thể phát triển sự tự tin cao hơn khi được khuyến khích tự do khám phá và học hỏi, so với các bé đi học mẫu giáo thường có những khuôn mẫu nhất định khi tham gia chương trình trên lớp cùng các bạn.

Tuy nhiên, những trẻ không tham gia học mẫu giáo có thể thiếu kinh nghiệm trong việc tương tác và so sánh năng lực của mình với các bạn cùng lứa tuổi, điều này có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng khi trẻ bước vào môi trường học đường chính thức.

Bên cạnh đó, trẻ không học mẫu giáo mà được học thông qua đi du lịch, học các kỹ năng thông qua trải nghiệm có thể có nhiều thời gian hơn để gắn kết cùng gia đình, thúc đẩy sự phát triển tình cảm và sự gắn kết mạnh mẽ với bố mẹ. Điều này cũng có thể tạo ra môi trường học tập an toàn và thân thiện cho trẻ.

Việc trẻ có đi học mẫu giáo hay không sẽ phụ thuộc vào sự lựa chọn của từng gia đình và điều kiện cụ thể. Trẻ học mẫu giáo thường có lợi thế trong việc phát triển các kỹ năng xã hội, học thuật và thích nghi với môi trường có cấu trúc, trong khi trẻ không học mẫu giáo có thể phát triển tính sáng tạo, tính độc lập và khả năng thích nghi với những trải nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, cả hai phương pháp đều có thể thành công nếu bố mẹ biết cách cân bằng và bổ sung những yếu tố thiếu hụt cho con mình.

“Mẹ ơi, con không muốn đi học mẫu giáo”, chuyên gia mách mẹ 5 câu trả lời có tính quyết định đến tương lai - 6

Thưa chuyên gia, những hoạt động nào có thể giúp trẻ xây dựng sự tự tin và khắc phục nỗi sợ hãi khi đến trường?"

Có nhiều hoạt động có thể giúp trẻ xây dựng sự tự tin và khắc phục nỗi sợ hãi khi đến trường, đặc biệt khi trẻ lần đầu tiếp xúc với môi trường mới như trường mẫu giáo. Dưới đây là một số hoạt động hiệu quả mà bố mẹ có thể áp dụng để hỗ trợ trẻ:

- Bố mẹ có thể đóng vai là giáo viên hoặc bạn học, và trẻ sẽ đóng vai học sinh. Qua trò chơi này, trẻ sẽ thực hành các tình huống mà trẻ có thể gặp ở trường, như chào hỏi, tham gia lớp học, hoặc chia sẻ đồ chơi. Trò chơi đóng vai giúp trẻ làm quen với môi trường trường học và cảm thấy thoải mái hơn trong việc tương tác với người khác. Điều này giảm thiểu sự lo lắng về những tình huống mà trẻ chưa biết cách đối phó.

- Bố mẹ có thể chọn những cuốn sách nói về các nhân vật đi học lần đầu hoặc về những trải nghiệm vui vẻ ở trường mẫu giáo. Thông qua việc đọc sách, trẻ có thể hiểu rằng cảm giác lo lắng khi đi học là bình thường và học cách thấy được khía cạnh tích cực của việc đến trường. Những câu chuyện này cũng giúp trẻ nhận thức rõ ràng hơn về những gì sẽ diễn ra ở trường.

- Nếu có thể, bố mẹ có thể đưa trẻ đến thăm trường trước ngày nhập học chính thức. Hãy để trẻ tham quan lớp học, gặp gỡ giáo viên và chơi thử tại sân trường. Việc được trải nghiệm môi trường trước khi bắt đầu học sẽ giúp trẻ thấy an tâm và quen thuộc hơn với không gian. Điều này làm giảm nỗi sợ hãi về những điều không biết hoặc chưa từng trải nghiệm.

- Bố mẹ có thể tạo một lịch trình cố định cho việc chuẩn bị đi học, bao gồm việc thức dậy, ăn sáng, và chuẩn bị đồ dùng học tập. Đồng thời, tạo ra những thói quen trước khi đến trường, như cùng trẻ hát một bài hát yêu thích hoặc chơi một trò chơi nhỏ. Thói quen hàng ngày mang lại cảm giác an toàn và ổn định, giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn khi bắt đầu một ngày mới. Điều này cũng giúp giảm lo âu về sự thay đổi và mới mẻ.

- Bố mẹ có thể đưa trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời như chơi cùng các bạn trong khu phố, hoặc tham gia câu lạc bộ, nhóm bạn nhỏ, nơi trẻ có thể giao tiếp và làm quen với việc tương tác xã hội. Việc trẻ được thực hành các kỹ năng xã hội trong các nhóm nhỏ trước khi đến trường sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong việc kết bạn và giao tiếp với các bạn đồng trang lứa.

- Bố mẹ khen ngợi những nỗ lực nhỏ của trẻ, chẳng hạn như tự mặc quần áo, cất đồ chơi, hoặc làm một việc mà trước đó trẻ cần sự trợ giúp. Khi trẻ đến trường, bố mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ tự mang ba lô hoặc tự tìm chỗ ngồi. Sự khen ngợi đúng lúc giúp xây dựng lòng tự tin và cảm giác độc lập cho trẻ. Khi trẻ tin tưởng vào khả năng của mình, trẻ sẽ dễ dàng đối mặt với những thử thách mới, bao gồm cả việc đi học.

- Dành thời gian lắng nghe và trò chuyện với trẻ về những cảm xúc lo lắng khi đến trường. Bố mẹ có thể hỏi trẻ những câu như: “Con có lo lắng điều gì không?” hoặc “Điều gì làm con thấy hào hứng nhất về trường?” Khi trẻ cảm thấy được thấu hiểu và lắng nghe, trẻ sẽ có cơ hội giải tỏa những lo âu và sẵn sàng đón nhận lời khuyên từ bố mẹ. Điều này cũng giúp trẻ học cách diễn đạt cảm xúc, giúp chúng quản lý lo âu tốt hơn.

- Bố mẹ có thể để trẻ mang theo một món đồ nhỏ từ nhà đến trường, như một chiếc khăn tay, một con thú nhồi bông nhỏ hoặc một tấm hình gia đình. Đồ vật này có thể mang lại cảm giác an toàn khi trẻ cảm thấy lo lắng. Sự hiện diện của món đồ từ nhà giúp trẻ cảm thấy yên tâm và kết nối với gia đình, tạo sự an toàn tâm lý khi ở trường.

Các hoạt động này không chỉ giúp trẻ tự tin mà còn giảm bớt nỗi sợ hãi khi phải rời xa gia đình và thích nghi với môi trường mới. Việc hiểu và đồng hành cùng trẻ trong quá trình này sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và sẵn sàng đối mặt với các thử thách mới tại trường học.

“Mẹ ơi, con không muốn đi học mẫu giáo”, chuyên gia mách mẹ 5 câu trả lời có tính quyết định đến tương lai - 7

Làm được 3 điều sớm, trẻ thích đến lớp mẫu giáo, không quấy khóc đòi bố mẹ
Nếu có điều kiện, hãy cho trẻ tiếp xúc trước với trường và lớp học, nhằm tạo cảm giác an toàn và giúp trẻ thích ứng nhanh hơn.

Dạy con 3-5 tuổi

Theo Thi Thi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiến thức dạy con