Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, khiến bố mẹ so sánh trẻ không bằng "con nhà người ta".
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng so sánh là cách tốt để giúp trẻ phát huy hết tiềm năng của mình. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây lại chỉ ra rằng so sánh quá mức có thể gây ra những tác động tiêu cực về tâm lý cho trẻ.
Trước hết, cần thừa nhận rằng việc so sánh giữa các trẻ với anh, chị, em, với bạn trẻ ki là điều khó tránh khỏi. Chúng ta là những con người, luôn có xu hướng đánh giá, so sánh bản thân với những người xung quanh.
Đôi khi kỳ vọng quá cao, khiến bố mẹ vô thức so sánh con với trẻ khác.
Điều này được thúc đẩy bởi bản năng tự nhiên của con người là muốn khẳng định bản thân, tìm kiếm sự công nhận từ người khác. Tuy nhiên, khi những sự so sánh này đến từ chính bố mẹ, sẽ có những ảnh hưởng riêng biệt đối với con.
Một số bậc cha mẹ tin rằng, việc so sánh sẽ tạo ra động lực cố gắng, học tập và rèn luyện tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, trẻ cảm thấy bị đe dọa, tự ti về bản thân, thậm chí là ganh tỵ với anh chị em.
Vậy thay vì so sánh con cái, bố mẹ nên tập trung vào điều gì để tạo động lực phát triển lành mạnh cho trẻ? Chuyên gia tâm lý sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích, giúp bố mẹ nhìn nhận vấn đề tổng quát và điều chỉnh theo hướng tích cực hơn.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Vui.
Tại sao bố mẹ lại có hành vi so sánh con cái như vậy? Đâu là những nguyên nhân sâu xa khiến họ nhận thức và hành xử theo cách này?
Thực tế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khiến bố mẹ vô tình so sánh con với trẻ khác.
Đầu tiên, bố mẹ nhận thấy con mình không bằng "con nhà người ta". Ví dụ, trẻ khác học giỏi, hát hay, vẽ đẹp... Do đó, bố mẹ vô thức đặt kỳ vọng con phải giống như vậy mới tốt.
Thứ hai, nguyên nhân này mang yếu tố sâu xa về mặt tâm lý, bố mẹ có những so sánh từ trong quá khứ của chính mình vì vậy có xu hướng áp điều này lên con trẻ.
Ví dụ, người bố khi còn nhỏ thấy các bạn trong xóm đá bóng giỏi, nên rất muốn có thể đá bóng hay như bạn, nhưng tài năng chưa đủ để hoàn thành. Vì vậy, người bố về sau áp lỳ vọng đó lên con mình. Tuy nhiên, trường hợp trẻ không đủ khả năng thực hiện mong ước đó, dẫn đến tâm lý người bố thất vọng, chán nản... Do đó sinh ra tâm lý so sánh "Con không bằng một góc con nhà người ta".
Thứ ba, nhiều phụ huynh tin rằng, khi so sánh liên tục, con sẽ nhận thấy bản thân thua thiệt, từ đó có động lực phấn đấu, cố gắng.
Thứ tư, từ nhỏ, bố mẹ đã bị ông bà so sánh với "con nhà người ta", vì vậy bố mẹ có xu hướng áp lại phương cách này theo vô thức.
Việc bố mẹ liên tục so sánh và nói con không bằng người khác sẽ có những tác động thế đến sự phát triển của trẻ? Ảnh hưởng đến lĩnh vực nào của trẻ (cảm xúc, hành vi, học tập, nhận thức về bản thân...)?
Việc so sánh liên tục sẽ ảnh hưởng mọi mặt đến trẻ.
Trẻ có thể nhận thức rằng bản thân mình không trẻ khác, hay bố mẹ không hiểu gì về mình,... dẫn đến những phán đoán không chính xác.
Tùy theo từng độ tuổi, trẻ sẽ có những nhận thức khác nhau, và dù độ tuổi nào, những nhận thức trên đều tác động tiêu cực đến cảm xúc. Trường hợp, trẻ cho rằng so sánh đó là đúng, bản thân thật tệ, dẫn đến cảm xúc bi quan, tự ti, rút lui bản thân trong học tập, giao tiếp hay tiếp xúc ngoài xã hội...
Trường hợp, trẻ nhận thức rằng bố mẹ đang nghĩ không đúng về mình, dẫn đến việc tức giận, uất ức, dần xa cách bố mẹ, thậm chí sinh ra tâm lý "nổi loạn".
Theo chuyên gia, bố mẹ nên có những cách tiếp cận, giao tiếp như thế nào với con để giúp trẻ phát triển tích cực thay vì so sánh, đánh giá thấp khả năng của con?
Trong trường hợp này, bố mẹ cần hiểu rằng, không có đứa trẻ nào hoàn toàn tệ trong mọi lĩnh vực. Bởi tạo hóa rất công bằng, mỗi đứa trẻ sẽ có tài năng, ưu điểm khác nhau. Điều cần lo lắng nhất là bố mẹ không nhận ra đúng tài năng của con.
Ví dụ, trẻ yêu thích thể thao, nhưng bố mẹ ép buộc con chỉ tập trung học giỏi Toán... để đưa trẻ vào khuôn mẫu và cho rằng con không tài giỏi như bạn khác. Vì vậy, bố mẹ cần tạo điều kiện cho con khám phá bản thân, để trẻ nhận biết bản thân giỏi ở lĩnh vực nào.
Sau khi bố mẹ đã rõ ràng về tư duy, sẽ giúp tiếp cận tài năng của con dễ dàng hơn, đến với con trong sự tôn trọng và khích lệ khai phá được tiềm năng của mình.
Ví dụ: Bố mẹ nhận thấy trẻ có năng khiếu đàn tốt, nhưng trẻ chưa thực sự tập trung vào điều này, hãy khuyến khích trẻ thử thách bản thân đăng ký khóa học mùa hè...
Hay bố mẹ có thể kể trẻ nghe câu chuyện về một cậu bé cùng tuổi chăm chỉ, dành nhiều thời gian để học đàn piano. Sau đó hỏi trẻ "Con có muốn thử sức học đàn, để trở thành người giỏi như bạn không"?... Đây không phải là so sánh, mà là khích lệ giúp trẻ định hình đích đến.
Việc bố mẹ so sánh con cái như vậy có liên quan gì đến tâm lý, cách nuôi dạy của chính bố mẹ khi họ còn nhỏ? Chúng ta có thể làm gì để giúp bố mẹ thay đổi nhận thức và hành vi này?
Thực tế, rất khó để thay đổi suy nghĩ của người lớn. Khi bố mẹ đã tin rằng, đó là cách nuôi dạy đúng thì gần như khó để thay đổi được vấn đề.
Vậy nên làm gì để giúp bố mẹ thay đổi nhận thức và hành vi này? Trước hết, có thể giúp bố mẹ hiểu rằng, so sánh với "con nhà người ta" không phải là cách nuôi dạy con đúng.
Có một vấn nạn khác là, người Việt đang gặp nhiều khó khăn về mặt tâm lý, nhưng bản thân lại không nhận ra, cho rằng đó là điều bình thường. Nhưng thực tế, điều này lại vô tình áp đặt lên trẻ, tạo ra một vòng luẩn quẩn về tinh thần, tâm lý trong cách giáo dục.