Bố mẹ áp đặt những tư duy tiêu cực của bản thân lên trẻ sẽ chỉ khiến cho con ngày càng thụt lùi.
Nhà văn vĩ đại nhất nước Anh William Shakespeare đã từng chia sẻ quan điểm của mình rằng, “Tiếng nói của cha mẹ là tiếng nói của thần linh”, điều này có nghĩa là lời nói và tư duy của bố mẹ có ảnh hưởng, sức mạnh nhiệm màu điều khiển cuộc sống của con trẻ.
Không chỉ bố mẹ, mà lời nói của giáo viên hoặc những người mà trẻ ngưỡng mộ cũng chính là nguồn cảm hứng, và trẻ thường bám vào đó để làm kim chỉ nam quan trọng trong hành trình phát triển của bản thân. Tuy nhiên thực tế cuộc sống ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nghe thấy trong nhiều gia đình, bố mẹ đã sử dụng công cụ ngôn ngữ, lối tư duy tiêu cực để giáo dục theo kiểu "trói" trẻ.
Chẳng hạn như một số bậc phụ huynh rất hay nói những câu mang tính hù doạ, đặt ra những cách nhìn, kết cục tiêu cực khi nói chuyện với trẻ nhằm mục đích muốn con biết "sợ" mà cố gắng phấn đấu để trở nên tốt hơn. Câu nói phổ biến như "Nếu không học thì sau này con sẽ đi bán vé số giống như người kia", "Nếu không học thì sau này con sẽ không làm được chuyện gì ra hồn cả",... được nhiều bố mẹ sử dụng trong giao tiếp hàng ngày với trẻ.
Bố mẹ áp đặt những tư duy tiêu cực của bản thân lên trẻ sẽ chỉ khiến cho con ngày càng thụt lùi (Ảnh minh hoạ).
Thay vào đó, những cách nói tích cực, mang tính giáo dục lành mạnh như: “Nếu con học giỏi, con sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người” thì rất ít phụ huynh nói với con.
Theo chuyên gia Tâm lý Quang Thị Mộng Chi, tư duy giáo dục "trói" trẻ như thế này sự thật là không hề có lợi đối với quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên thì nhiều bố mẹ vẫn không biết hoặc cố tình phớt lờ, vì không nghĩ hậu quả của nó lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến con trẻ.
Chính vì lý do đó mà chuyên gia đã đưa ra những phân tích, hướng dẫn cụ thể dưới đây với mong muốn có thể kịp thời giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề này, và từ đó điều chỉnh cách nuôi dạy con cái sao cho phù hợp, mang lại hiệu quả tích cực đối với sự phát triển của trẻ trong tương lai.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Thưa chuyên gia, nhiều bố mẹ ngày nay có xu hướng "trói" con trẻ bằng những lời nói, tư duy tiêu cực như "nếu không học thì sau này sẽ bán vé số, đi quét rác như họ"... Chuyên gia nghĩ đâu là nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh hình thành kiểu giáo dục này?
Những bố mẹ xuất thân từ gia đình khó khăn hoặc đã từng phải vất vả để gây dựng một cuộc sống khá giả hơn, thường phải đi làm khó nhọc không chỉ để mưu sinh mà còn để nuôi dạy con cái. Trong hoàn cảnh đó, với thu nhập ít lại phụ thuộc nhiều vào sức lao động, sau đó thì không có vốn để dành lo cho con cái nên thường sẽ cố gắng gom góp tiền của đầu tư cho con ăn học và mong con thành tài để sau này có cuộc sống sung túc hơn.
Vì lẽ đó mà họ nghĩ rằng con cái phải cố gắng học hành để có một công việc làm với mức thu nhập tốt. Đồng thời, họ cũng sợ con của mình không có ý chí phấn đấu nên hù dọa ra một số những viễn cảnh tiêu cực để con cố gắng hơn. Hoặc cũng có thể không phải là dọa, mà với quan điểm của họ thì nếu không học, cuộc đời con cũng sẽ vất vả như bố mẹ đã từng trải qua.
Khi nói điều này tôi tin rằng những bậc bố mẹ không phải mong điều tiêu cực đến với con mà trái lại, nó còn chất chứa cả sự lo lắng. Bởi lẽ, nhìn trong thực trạng xã hội, những đứa trẻ không được học hành và có bằng cấp chuyên môn hay kiến thức kỹ năng tương ứng thường cũng sẽ làm lao động phổ thông với những công việc như buôn bán thuê, lao công, công nhân rất vất vả với mức thu nhập rất thấp.
Do đó, tôi nghĩ rằng bố mẹ lo lắng cho con và bằng những kinh nghiệm mà mình có thì họ mới nói ra những câu nói như thế. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tôi ủng hộ các bậc bố mẹ liên tục dùng những câu nói này với con cái của mình, vì ít nhiều nó cũng sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của con.
Trẻ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào từ cách giáo dục trên của bố mẹ?
Theo quan điểm của tôi, học hành là một cách để giúp cho mỗi người tiếp thu thêm những kiến thức, giải đáp những thắc mắc, tò mò, giúp chúng ta biết cách sống và làm việc một cách hiệu quả. Nếu như việc học bắt nguồn từ động lực như trên thì hiệu quả học tập sẽ tốt hơn.
Nếu như bố mẹ liên tục ép con học bằng lý do xuất phát từ bên ngoài là sợ phải lao động thì hoàn toàn không tốt cho bé. Trẻ sẽ lớn lên với suy nghĩ những công việc lao động chân tay là không tốt, không đáng được coi trọng. Thêm vào đó, học để có nhiều tiền cũng vẫn là một động lực đến từ bên ngoài, vô tình khiến cho trẻ học vì điểm số, vì bằng cấp chứ không phải vì niềm vui do kiến thức mang lại.
Nếu bắt nguồn từ động lực bên ngoài này, khi trẻ bị điểm thấp thì không thích học nữa, hoặc khi vừa có bằng cấp thì luôn muốn đòi hỏi một công việc với mức thu nhập cao nhưng bỏ ít công sức lao động. Điều này là thiếu thực tế trong môi trường việc làm, dẫn đến chán nản, nhảy việc liên tục hoặc mức hài lòng với công việc không cao.
Ngoài ra, có một số trẻ khi nghe bố mẹ nói như vậy mà bản thân mình không được loại giỏi hoặc khi bị điểm thấp thì cảm thấy chán nản và bế tắc, vì nghĩ rằng nếu không học giỏi thì không còn một con đường nào khác cả, tương lai sẽ vô cùng đen tối. Điều này khiến cho trẻ bị giảm đi ước mơ và sự phấn đấu ban đầu, giảm đi những sáng tạo trong việc tìm ra lối đi riêng của mình.
Đâu là những kiểu phản ứng phổ biến của trẻ khi nghe bố mẹ nói những câu tiêu cực mang tính chất "vùi dập"?
Có một số kiểu phản ứng thường gặp ở trẻ khi nghe bố mẹ nói những câu nói mang tính đe doạ để ép học như: một là, trẻ sẽ lo lắng và áp lực việc học nên vùi đầu vào học nhưng không nhận được niềm vui từ việc khám phá trị thức mà để ý đến thành tích nhiều hơn.
Hai là chán học, vì nghĩ khả năng mình chỉ có thế, tương lai kiểu gì cũng vất vả sẵn rồi, ba là, không thèm quan tâm đến những lời này nữa vì nói nhiều lần riết thành nhàm.
Cũng có một số bạn thái độ khá là khó chịu với bố mẹ khi cứ nghe đi nghe lại một thông điệp, thậm chí là cãi lại bố mẹ, đồng thời với việc giảm đi sự tôn trọng dành cho bố mẹ của mình.
Chuyên gia gợi ý bố mẹ một số cách điều chỉnh trong lời nói, tư duy giáo dục để con trẻ thấy cuộc sống luôn có nhiều con đường, nhiều lựa chọn và phía trước là cả một bầu trời để mình khám phá chứ không chỉ là một cái hố tối tăm?
Thực ra, để giáo dục con có cái nhìn rộng mở thì bố mẹ trước tiên phải có cái nhìn rộng mở, hoặc chí ít là cho con cơ hội được tìm tòi và khám phá, thậm chí mơ mộng những điều mới mẻ mà ngay cả bố mẹ cũng không hề có kinh nghiệm gì.
Bởi lẽ, ngày nay xã hội thay đổi vô cùng nhanh chóng, mỗi chúng ta luôn ngạc nhiên trước sự thay đổi của khoa học công nghệ dẫn đến sự thay đổi cuộc sống và tâm lý của con người, mà hệ quả của nó là sự biến mất của rất nhiều ngành nghề nhưng cũng mở ra rất nhiều cơ hội kiếm thu nhập mới. Dẫu biết rằng mọi sự thành công đều đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và sự nỗ lực, nhưng không phải chỉ có một con đường để dẫn đến thành công.
Do đó, bố mẹ một mặt phải cho con thấy được thực tế cuộc sống để con cố gắng, một mặt cần có những sự động viên, khích lệ con khám phá bản thân và linh hoạt học hỏi ở mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ học ở trường lớp để tìm con đường riêng cho mình. Và dù, con có chọn 1 cuộc đời không giàu có, nhàn hạ như bố mẹ mong thì đó cũng là cuộc đời của con, con đường mà con chọn và chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình.