Trẻ hay đặt câu hỏi là tốt, bố mẹ cần cố gắng giải đáp cho con.
Theo nhiều nghiên cứu, trẻ từ 3 tuổi bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ về khả năng ngôn ngữ, một thời kỳ mà não bộ của trẻ hấp thụ và học hỏi từ môi trường xung quanh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đây cũng là thời điểm mà trí tò mò và ham muốn khám phá của trẻ được kích thích mạnh mẽ, khiến trẻ liên tục đặt ra vô số câu hỏi về thế giới xung quanh mình.
Những câu hỏi này không chỉ giới hạn trong những điều đơn giản mà còn mở rộng tới những khái niệm phức tạp và trừu tượng, đòi hỏi bố mẹ phải có sự chuẩn bị và kiến thức để giải đáp. Chính sự bùng nổ của trí tò mò và ngôn ngữ này, là nguyên nhân vì sao nhiều bố mẹ thường rơi vào tình huống "đứng hình" khi đối diện với hàng vạn câu hỏi hóc búa từ con trẻ.
Trẻ hay hỏi chứng tỏ con rất thích khám phá về thế giới xung quanh (Ảnh minh hoạ).
Từ những câu hỏi ngây thơ "vì sao bầu trời màu xanh", đến những thắc mắc sâu xa về sự tồn tại của vũ trụ, tất cả đều là biểu hiện của một bộ não đang không ngừng tìm kiếm thông tin, sự hiểu biết để mở rộng thế giới quan.
Việc đáp ứng đúng và kịp thời những thắc mắc này không chỉ giúp trẻ thỏa mãn trí tò mò, mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển tư duy và kỹ năng ngôn ngữ của trẻ, tạo nền tảng vững chắc cho sự học hỏi và trưởng thành sau này.
Tuy nhiên trước hàng vạn câu hỏi "vì sao" của con, không phải phụ huynh nào cũng có thể dễ dàng giải mã được. Về vấn đề này, chuyên gia Tâm lý Quang Thị Mộng Chi sẽ có những gợi ý và hướng dẫn bổ ích dưới đây.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Trẻ nhỏ có tính tò mò và ham khám phá nên thường sẽ rất hay đặt câu hỏi "vì sao" với bố mẹ. Thưa chuyên gia, trẻ em sẽ học được gì từ việc hỏi và nhận câu trả lời từ bố mẹ?
Việc trẻ thường xuyên đặt câu hỏi để khám phá thế giới là việc rất tự nhiên, thoả mãn mong muốn tìm tòi, học hỏi tri thức mới của trẻ.
Bố mẹ thường xuyên dành thời gian trả lời những câu hỏi của con, hoặc cùng con đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc ấy sẽ giúp con nhanh chóng nắm được các hiện tượng, những quy luật của tự nhiên và xã hội. Điều này giúp trẻ có khả năng hiểu, lý giải và áp dụng vào việc thích nghi với môi trường xã hội.
Đôi khi trẻ sẽ hỏi những câu hỏi hóc búa, phức tạp hoặc nhạy cảm khiến bố mẹ khó trả lời, lúc này bố mẹ nên có và cần tránh những phản ứng ra sao?
Với những câu hỏi hóc búa và phức tạp hoặc nhạy cảm, bố mẹ có thể nói với con: “Câu hỏi này của con khá phức tạp để trả lời cho con hiểu ngay bây giờ, vì vậy, bố mẹ sẽ nói một cách đơn giản nhất để con hiểu, sau này con lớn hơn thì bố mẹ sẽ giải thích cho con được rõ nhé”. Sau đó bố mẹ nói một cách đơn giản, phù hợp với lứa tuổi của con để con có thể hiểu.
Nếu như bố mẹ thấy khó trả lời thì có thể sử dụng sách, truyện, tranh ảnh hay video phù hợp với nội dung câu hỏi và độ tuổi của con để giúp bố mẹ giải thích cho dễ dàng và hiệu quả. Tuyệt đối không la mắng trẻ, không né tránh câu hỏi, càng không nên nói dối trẻ.
Ví dụ, một câu hỏi mà thường bố mẹ hay được con hỏi là: “Con sinh ra từ đâu”. Đây là một câu hỏi rất bình thường nhưng nhiều bố mẹ lại xếp vào nhóm câu hỏi nhạy cảm, và lúng túng không biết trả lời thế nào.
Một gợi ý cho bố mẹ là hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội có khá nhiều video với những hình hoạt hình giải thích về việc con sinh ra thế nào phù hợp với nhiều lứa tuổi của bé, bố mẹ có thể tham khảo.
Nếu bố mẹ trả lời câu hỏi của con trẻ bằng cách nói dối, vậy điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Với con cái, bố mẹ là nhân vật có ảnh hưởng rất lớn, con sẽ rất tin tưởng bố mẹ. Do đó, khi bố mẹ trả lời con không đúng, con sẽ tiếp nhận kiến thức bị sai lệch này và có thể dẫn đến nhận thức sai lệch ở con. Con có thể dùng những kiến thức chưa đúng trong cuộc sống, thì hoàn toàn không có lợi cho con.
Ngoài ra, sau đó khi trẻ biết được sự thật thì khiến trẻ mất đi sự tin tưởng với bố mẹ, điều này là một mất mát lớn mà khó có thể bù đắp được. Vậy nên, trong trường hợp bố mẹ không biết thì cứ nói với con là bố mẹ chưa biết điều đó, và mời trẻ cùng đi tìm hiểu, hoặc hứa trả lời cho trẻ sau khi đã có câu trả lời.
Nếu bố mẹ thấy chưa sẵn sàng nói cho trẻ biết điều gì đó thì có thể khất với trẻ sẽ nói sau, hoặc nói thẳng là giờ chưa tiện nói nên sẽ nói sau đó chứ không nói đại để cho xong việc.
Những điểm quan trọng nhất mà bố mẹ nên nhớ khi đối mặt với "hàng vạn câu hỏi vì sao" của con là gì?
Để trả lời hàng vạn câu hỏi vì sao của trẻ cũng cần có sự kiên nhẫn, dành thời gian để nói chuyện, trao đổi cùng con, do đó, bố mẹ luôn nghĩ về ý nghĩa lớn lao mà những câu hỏi này mang lại sẽ giúp bố mẹ thêm động lực và sự cố gắng trả lời cho con.
Bởi vì, nếu khơi gợi và phát triển được tinh thần ham học hỏi và tìm tòi tri thức sẽ giúp con phát triển nhanh chóng hơn, hứng thú hơn với việc học thì bố mẹ cũng nhàn hơn trong việc dạy con. Song song đó, chúng ta cũng hướng dẫn cho con cách tự học để con có thể tự tìm câu trả lời cho chính mình, phát triển khả năng tư duy ở con, đặc biệt là kỹ năng tư duy phản biện.
Hơn thế nữa, việc bố mẹ và con cái có thời gian trao đổi về những thắc mắc của con sẽ gắn kết hơn tình cảm gia đình, con tin tưởng để chia sẻ suy nghĩ cho bố mẹ. Ngược lại, bố mẹ cũng học được rất nhiều chủ đề thú vị mà con gợi ra, đặc biệt là có thể nắm bắt được tâm tư của con, những điều con đang quan tâm đến để mà có những định hướng kịp thời cho con.