Trẻ đi học thường nói câu này, bố mẹ tưởng bình thường nhưng dễ khiến con bị bạn xa lánh

Kiều Trang - Ngày 21/05/2024 09:57 AM (GMT+7)

Bố mẹ cần giúp con thay đổi tâm lý xem bản thân là trung tâm.

Trẻ nhỏ trong quá trình khám phá thế giới và xây dựng nhận thức về bản thân, thường có xu hướng xem tất cả mọi thứ trong cuộc sống là của riêng mình. Trẻ tin rằng, mình chính là trung tâm, gia đình và mọi người xung quanh sẽ chỉ xoay quanh mình. Đây là một tâm lý phổ biến và thường xảy ra trong giai đoạn phát triển sớm của nhiều đứa trẻ.

Trong giai đoạn này, trẻ bước vào một cuộc hành trình khám phá sự tồn tại của mình trong một thế giới phức tạp và đầy màu sắc. Tâm lý "tất cả là của con" của trẻ nhỏ xuất phát từ nhu cầu tự bảo vệ và tìm hiểu về bản thân. Trẻ muốn khám phá khả năng và sự tồn tại của mình, điều này dẫn đến sự tập trung vào bản thân và suy nghĩ rằng mọi thứ trong cuộc sống đều liên quan đến mình.

Bố mẹ cần giúp con thay đổi tâm lý xem bản thân là trung tâm (Ảnh minh hoạ).

Bố mẹ cần giúp con thay đổi tâm lý xem bản thân là trung tâm (Ảnh minh hoạ).

Một minh chứng điển hình như thay vì đặt mình vào vị trí của người khác, và hiểu rằng các bạn cũng có quyền sở hữu và tận hưởng đồ chơi, trẻ thường có xu hướng coi đồ chơi là của riêng mình và không muốn chia sẻ. Điều này không hoàn toàn là do trẻ có tính ích kỷ, mà là vì quá trình phát triển tâm lý và nhận thức chưa đầy đủ.

Giai đoạn thời thơ ấu đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của trẻ. Đây là cơ hội để trẻ hiểu rõ hơn về bản thân, khám phá những giới hạn và khả năng của mình, cũng như xây dựng mối quan hệ với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, đối với một số trẻ, tâm lý tập trung vào bản thân có thể kéo dài và gây ra những khó khăn trong việc tương tác xã hội.

Để hiểu sâu hơn về tâm lý này và cách bố mẹ có thể hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ, cùng nghe những chia sẻ thú vị của chuyên gia Tâm lý Quang Thị Mộng Chi dưới đây.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXHamp;NV ĐHQG - TPHCM.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.

Trẻ đi học thường nói câu này, bố mẹ tưởng bình thường nhưng dễ khiến con bị bạn xa lánh - 3

Thưa chuyên gia, trẻ ở độ tuổi nào thì tính chiếm hữu, tâm lý "tất cả là của con" phát triển mạnh mẽ, nguyên nhân do đâu?

Thông thường, trẻ em có tính chiếm hữu mạnh mẽ khi ở trong độ tuổi từ khoảng 2-3 tuổi, thể hiện ở việc trẻ muốn gì phải được nấy, không thích chờ đợi và không muốn cho ai thứ gì của mình. Điều này là một đặc điểm tâm lý tự nhiên của trẻ ở lứa tuổi này. Sau đó, qua những hướng dẫn của bố mẹ và người lớn, trẻ dần học tập cách sống hợp tác, biết chia sẻ.

Tuy nhiên, nếu bố mẹ không khuyến khích trẻ chơi với các bé khác, không khuyến khích việc “xếp hàng”, luân phiên, chia sẻ đồ chơi, đồ ăn với mọi người thì trẻ sẽ không học được những điều này. Và do đó, tính chiếm hữu “tất cả là của con” sẽ bị kéo dài đến lứa tuổi lớn hơn, cho đến khi bố mẹ và những người xung quanh giúp trẻ nhận ra và thay đổi cách hành xử của mình cho phù hợp với yêu cầu xã hội.

Trẻ đi học thường nói câu này, bố mẹ tưởng bình thường nhưng dễ khiến con bị bạn xa lánh - 4

Khi trẻ thường sử dụng câu cửa miệng "Tất cả là của con", đâu là kiểu phản ứng bố mẹ nên có và cần tránh?

Nếu bố mẹ thường xuyên nghe con nói “tất cả là của con” thì cần nghĩ đến việc sẽ giúp con hiểu việc tôn trọng đồ cá nhân của mình và người khác là cần thiết, nhưng việc chia sẻ là cần thiết không kém. Bố mẹ dạy trẻ biết bảo vệ tài sản cá nhân của mình, đồng thời tôn trọng đồ riêng tư của người khác, không tự ý lấy đồ của người khác, nếu muốn dùng thì cần xin phép và đợi sự đồng ý của họ thì mới được dùng.

Tương tự như vậy, con cũng sẽ có quyền bảo vệ sự sở hữu của mình. Tuy nhiên, con muốn mượn đồ của người khác chơi thì cũng phải học cách cho mọi người mượn đồ của mình, muốn được người khác chia sẻ đồ thì cũng phải học cách cho đi. Khi trẻ học được quy tắc ứng xử phù hợp với xã hội thì trẻ sẽ biết cách ứng xử phù hợp nhất.

Trẻ đi học thường nói câu này, bố mẹ tưởng bình thường nhưng dễ khiến con bị bạn xa lánh - 5

Tính chiếm hữu "tất cả là của con" sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ?

Nếu một đứa trẻ chỉ biết nhận và không biết cho, thì sẽ khiến trẻ phát triển thành một người ích kỷ. Thậm chí trẻ chỉ đòi hỏi bố mẹ phải đáp ứng mà không hề có lòng biết ơn, không hề biết trân trọng sự yêu thương và chăm sóc. Với một số bố mẹ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con, thì có thể đứa trẻ mãi luôn đòi hỏi nhiều hơn mà không có điểm dừng. Những đứa trẻ này có thể trở thành người đơn độc vì ích kỷ chỉ biết nghĩ đến mình mà không muốn giúp đỡ ai, không muốn chia sẻ điều gì.

Như vậy, xét trên khía cạnh các mối quan hệ thì đứa trẻ chuyên nhận sẽ không phát triển được những mối quan hệ tích cực, lành mạnh. Điều này ảnh hưởng đến việc học các kỹ năng xã hội, hạn chế khả năng giao tiếp và kết nối ở trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển đời sống xã hội cũng như nhận thức của trẻ.

Trẻ đi học thường nói câu này, bố mẹ tưởng bình thường nhưng dễ khiến con bị bạn xa lánh - 6

Chuyên gia mách một số cách "trị" con có tính này?

Việc một đứa trẻ có tính sở hữu cao là đặc điểm tự nhiên theo mốc phát triển của con người, tuy nhiên, đứa trẻ ấy cần được học để thay đổi, trở thành người có khả năng chia sẻ và biết tôn trọng sở hữu của người khác. Vậy nên, bố mẹ cần nghiêm túc dạy trẻ về việc tôn trọng đồ của người khác, cho trẻ hiểu sở hữu cá nhân của người khác là cần thiết, không phải mình thích gì cũng có thể đòi bằng được.

Song song đó, bố mẹ cũng dạy trẻ cách sống trong cộng đồng, cho trẻ trải nghiệm niềm vui của sự chia sẻ, làm mẫu cho trẻ và cùng trẻ thực hiện việc này. Ví dụ, bố mẹ thường xuyên cho con thấy bố mẹ cho ai đó đồ của mình (như hàng xóm, bạn bè hay những người nghèo khó), đi thiện nguyện, quyên góp đồ cho người khác có hoàn cảnh khó khăn...

Qua những việc nhỏ này, trẻ sẽ học được những bài học lớn, không còn quá coi trọng sự sở hữu vật chất mà hướng đến niềm vui thích khi được chơi chung, được cho đi, được giúp đỡ mọi người. Điều này cần được hướng dẫn cho trẻ từ những giai đoạn mầm non, khi trẻ bắt đầu hướng tới việc chơi cùng với các trẻ khác và bắt đầu thiết lập những mối quan hệ xã hội đầu tiên.

Trẻ đi học thường nói câu này, bố mẹ tưởng bình thường nhưng dễ khiến con bị bạn xa lánh - 7

Trẻ từ nhỏ không được bố quan tâm, lớn lên có thể có 5 thiệt thòi
Con cái sẽ thiệt thòi nếu vắng sự đồng hành của bố ngay từ nhỏ.

Dạy con 3-5 tuổi

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiến thức dạy con