Đứa trẻ chưa biết hiếu thuận thường bộc lộ 3 đặc điểm tính cách sau đây, bố mẹ nên chú ý rèn luyện và điều chỉnh.
Quan niệm của người Việt từ xưa luôn đề cao truyền thống biết ơn, tôn trọng, hiếu thảo với bố mẹ, đây là một giá trị đạo đức quan trọng và được dạy cho trẻ từ nhỏ.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có trách nhiệm và biết hiếu thuận với bố mẹ, vì vậy phương pháp giáo dục để con trưởng thành là người có tài và đức luôn được coi trọng.
Trong cuộc sống hàng ngày, đứa trẻ chưa biết hiếu thuận thường bộc lộ 3 đặc điểm tính cách sau đây, nếu bố mẹ nhận thấy, hãy chú ý rèn luyện và điều chỉnh.
Luôn đặt ra nhiều yêu cầu
Nhiều đứa trẻ được bố mẹ yêu thương, nuông chiều từ nhỏ, nên thường sinh ra tâm lý ỷ lại, quen nhờ vả. Trong trường hợp này, việc không hiếu thuận có thể làhậu quả của sự nuông chiều quá mức. Khi trẻ quá quen với điều này, sẽ không nhận ra giá trị của công sức và đóng góp từ người khác.
Để điều chỉnh vấn đề này, ngay từ nhỏ bố mẹ nên xây dựng một môi trường gia đình và giáo dục lành mạnh, nơi mà trẻ được khuyến khích đảm nhận trách nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ đơn giản.
Bố mẹ có thể tạo ra sự cân bằng giữa yêu thương và đòi hỏi, khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động hằng ngày như giữ gìn vệ sinh cá nhân, dọn dẹp phòng ngủ, cùng mua sắm hoặc nấu ăn. Những công việc này giúp trẻ hình thành kỹ năng sống quan trọng, nhận ra giá trị của công sức cá nhân.
Ngoài ra, việc giáo dục về lòng biết ơn cũng rất quan trọng. Bố mẹ nên dành thời gian để trò chuyện với trẻ về những điều tích cực mà mình nhận được từ người khác, như tình yêu, sự chăm sóc và cơ hội phát triển.
Đồng thời, khuyến khích trẻ bày tỏ lòng biết ơn bằng lời cảm ơn và hành động như viết thư cảm ơn, tặng quà... Từ những trải nghiệm này, trẻ sẽ nhận ra rằng lòng biết ơn không chỉ là sự lễ phép, mà còn là giá trị quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Trẻ được bố mẹ yêu thương, nuông chiều từ nhỏ, nên thường sinh ra tâm lý ỷ lại, quen nhờ vả.
Thiếu trách nhiệm và lười biếng
Đây là biểu hiện thường thấy trong gia đình có từ hai con, một số trẻ thường đủn đẩy trách nhiệm khi phạm lỗi, phàn nàn khi được nhờ giúp đỡ. Bố mẹ lại luôn nhắc nhở, thúc giục, vô tình tạo ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình.
Khi trẻ không có ý thức về trách nhiệm của mình, thường trở nên lười biếng, không có động lực để hoàn thành công việc.
Để giúp trẻ cải thiện tính cách này, bố mẹ nên thiết lập một lịch trình rõ ràng và đặt ra các nhiệm vụ phù hợp với khả năng của trẻ. Hãy yêu cầu trẻ hoàn thành công việc theo đúng hạn, để trẻ nhận ra giá trị của lao động, tình thần đoàn kết trong mỗi gia đình. Ngoài ra, bố mẹ nên trò chuyện giúp trẻ hiểu ý nghĩa và lợi ích của trách nhiệm.
Một số trẻ thường đủn đẩy trách nhiệm khi phạm lỗi, phàn nàn khi được nhờ giúp đỡ.
Tính cách ích kỷ
Chúng ta dễ dàng quan sát thấy, người có tính ích kỷ cao thường chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, không muốn chịu thiệt, không quan tâm người khác nghĩ gì, luôn đặt nhu cầu của bản thân lên hàng đầu.
Nếu nhìn vào đứa trẻ từ nhỏ đã có tính cách này, khi trưởng thành sẽ khó hiểu thuận và quan tâm đến người khác. Trẻ thường không thấu hiểu sự quan tâm của bố mẹ đối với sự phát triển và hạnh phúc của mình. Trẻ cũng không đánh giá cao những nỗ lực, hy sinh của bố mẹ.
Đối với những đứa trẻ có xu hướng ích kỷ, bố mẹ nên giáo dục và giải thích về giá trị của việc quan tâm, đồng cảm với người khác. Hãy giáo dục tích cực về việc chia sẻ, hỗ trợ, làm việc nhóm để trẻ có thể học được những giá trị này từ môi trường gia đình.
Trẻ ích kỷ thường không thấu hiểu nỗ lực, hy sinh mà bố mẹ dành cho mình.