Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi sợ đám đông có phải là bình thường, và bố mẹ nên làm gì giúp con bình tĩnh trở lại?
Trong những năm đầu đời, trẻ thường trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, và một trong những trường hợp phổ biến là nỗi sợ đám đông. Đây là việc bộc lộ cảm xúc tự nhiên, nhưng nếu không được hiểu và xử lý đúng cách, có thể ảnh hưởng đến phát triển tâm lý và kỹ năng xã hội.
Trẻ nhỏ thường có tâm lý nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Bởi trẻ chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với các tình huống đông người, cảm thấy lạ lẫm và lo lắng khi phải đối mặt với đám đông.
Một số trẻ có tính cách nhút nhát hoặc hướng nội hơn những trẻ khác, điều này có thể khiến bản thân cảm thấy không thoải mái trong những tình huống đông đúc.
Ảnh minh họa.
Hay khi bố mẹ hoặc người chăm sóc thể hiện sự lo lắng khi gặp đám đông, trẻ có thể học theo và cảm thấy không an toàn trong các tình huống tương tự. Đám đông có thể tạo ra cảm giác bị áp lực, khiến trẻ cảm thấy không thể kiểm soát được tình hình, dẫn đến lo lắng.
Trẻ có thể từ chối tham gia vào các sự kiện, lễ hội hay hoạt động ngoài trời, từ đó hạn chế khả năng giao tiếp và kết nối với bạn bè đồng trang lứa. Nỗi sợ kéo dài có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Khi lớn lên, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với những tình huống xã hội phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng học tập và làm việc.
Nhằm giúp bố mẹ xử lý tốt trong vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui giúp phân tích tình huống cũng như đưa ra lời khuyên hữu ích.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui.
Thưa chuyên gia, liệu việc trẻ nhỏ dưới 3 tuổi sợ đám đông có phải là một phản ứng bình thường trong giai đoạn phát triển? Khi trẻ có một số biểu hiện như khóc, hoảng sợ... bố mẹ có nên đưa con rời khỏi đó ngay lập tức?
Một số trẻ dưới 3 tuổi phát triển khả năng ngôn ngữ tốt. Tuy nhiên, thời điểm này ngôn ngữ chưa được sử dụng thành thạo, vì vậy đôi khi trẻ không thể diễn đạt rõ cho bố mẹ biết bản thân đang cảm thấy thế nào, hay cần điều gì.
Cho nên, khi trẻ có một số biểu hiện như khóc, hoảng sợ... có nghĩa trẻ đang thể hiện nhu cầu bên trong, về vấn đề nào đó mà trẻ không thể diễn đạt bằng lời. Vì vậy, bố mẹ cần tinh tế để hiểu rằng sự hoảng sợ, tiếng khóc của trẻ đang thể hiện điều gì, để kịp thời ứng biến.
Vậy trở lại vấn đề, đây có phải là phản ứng bình thường hay không? Thực tế, điều này còn tùy vào bối cảnh, hoàn cảnh... trẻ đến đám đông hoàn toàn xa lạ hay nơi bình thường như nhà trẻ, nhà thờ,... nơi trẻ thường đến. Và có phải hoàn toàn trẻ gặp đám đông là sẽ khóc hoảng sợ, hay chỉ trong một thời điểm nào đó.
Tùy theo từng trường hợp, bố mẹ cần xác định tiếng khóc của trẻ thể hiện điều gì. Ví dụ klhi đưa trẻ đến tham gia buổi tiệc ở nhà ngoại, bố mẹ có thể ôm con an ủi, cho trẻ biết đây là đám đông an toàn.
Có những dấu hiệu nào cho thấy trẻ đang gặp vấn đề nghiêm trọng hơn cần được chú ý, chứ không chỉ là sự sợ hãi thông thường?
Một số nguy cơ có thể xảy ra như trẻ từng bị bạo hành, xâm hại... khiến bản thân mất an toàn, không chỉ sợ đám đông xa lạ, mà tỏ ra sợ khi tiếp xúc với bất kỳ ai. Như vậy, bố mẹ cần xem xét một số dấu hiệu.
- Trẻ không thể hiện tính cách bình thường như hàng ngày, bản thân trẻ hoảng sợ cực độ.
- Trẻ không thể kiểm soát được bản thân, ngay cả khi có bố mẹ ở bên.
- Trẻ không thể hiểu được lời giải thích của bố mẹ, dường như trẻ đang muốn diễn đạt một thông điệp khác.
Khi thấy trẻ gào khóc trong đám đông, bố mẹ nên làm gì để giúp con cảm thấy an toàn và bình tĩnh lại?
Điều đầu tiên bố mẹ cần làm là nhận diện trẻ tự quấy khóc là do bản tính khó chịu, hay trẻ đang cảm thấy mất an toàn, lo lắng về an nguy của bản thân. Vì vậy, bố mẹ cần xem xét tiếng khóc của con để nhanh chóng đưa ra ứng biến phù hợp.
Tiếp theo, hãy giúp trẻ hiểu rằng bố mẹ đang ở bên bằng cách dùng lời nói, ánh mắt, ôm, vỗ về... Nhằm giúp trẻ thay đổi sự chú ý từ đám đông sang người thân bên cạnh.
Sau khi về đến nhà, khi trẻ đã dịu cảm xúc, hãy bắt đầu trò chuyện, thăm hỏi để dự đoán xem con đang gặp phải vấn đề gì.
Nnhững hoạt động nào mà bố mẹ có thể thực hiện tại nhà để giúp trẻ làm quen với đám đông trước khi tham gia sự kiện?
Theo kinh nghiệm bản thân tôi, trước 3 tuổi tôi thường mang con theo đến những nơi mình đi qua. Vì vậy, đối với đứa trẻ việc tiếp xúc môi trường mới, đám đông trở nên bình thường, vì trẻ đã có thói quen này.
Một số phụ huynh khác có quan điểm là giữ kỹ con ở trong nhà, hay hạn chế cho con tương tác với thế giới bên ngoài.... điều này vô tình tạo ra nổi sợ, mất an toàn khi trẻ phải đi đến một nơi khác, hay tham gia sự kiện, gặp gỡ những người xa lạ.
Vì vậy, bố mẹ nên tạo cơ hội để trẻ trải nghiệm cảm giác ở trong đám đông. Ví dụ, bắt đầu từ việc bế trẻ làm quen bạn bè cùng lứa xung quanh, đẩy xe nôi của trẻ dạo khu công viên gần nhà... giúp trẻ làm quen và nhận ra không phải đám đông nào cũng nguy hiểm.