Truyện cổ tích: Người đánh cá

Thi Thi - Ngày 20/05/2023 20:04 PM (GMT+7)

Câu chuyện nói về bác đánh cá và gã hung thần, cùng với bốn con cá kỳ lạ có màu sắc khác nhau.

Truyện cổ tích: Người đánh cá - 2

Nội dung truyện cổ tích người đánh cá

Tâu bệ hạ,

Ngày xưa có một lão đánh cá khá cao tuổi và nghèo túng đến nỗi không sao kiếm được đủ bữa để nuôi sống gia đình gồm một vợ và ba con. Ngày nào, lão cũng đi đánh cá từ sáng sớm, và tự đặt ra cái lệ là mỗi ngày chỉ buông lưới bốn lần.

Một buổi sáng, lão ra đi từ lúc còn ánh trăng. Đến bờ biển, lão cởi áo quần và buông lưới. Khi kéo lưới vào bờ, lúc đầu lão cảm thấy nặng tay. Những tưởng đánh được một mẻ khá, lão đã khấp khởi mừng thầm, nhưng một lát sau nhận ra không phải cá mà là một bộ xương lừa nằm trong lưới, lão rất đỗi buồn rầu.

Vá lại xong tấm lưới bị bộ xương lừa làm rách nhiều chỗ, lão đánh cá, ngán ngẩm vì một mẻ đánh rủi ro như vậy, buông lưới lần thứ hai. Kéo thấy nặng tay hơn lần trước, lão chắc mẩm lần này lưới sẽ đầy những cá nhưng cũng lại chỉ thấy một cái thúng lớn đầy đá cuội và bùn.

Vô cùng ngao ngán, lão đánh cá kêu lên, giọng đáng thương: “Hỡi số phận, xin thôi đừng giận lão, đừng hành hạ một con người đau khổ đang cầu khẩn mi buông tha! Lão từ nhà đến đây kiếm cá để sống, còn mi thì lại báo cái chết của lão! Lão chẳng có nghề ngỗng gì ngoài cái nghề này nhằm kiếm ăn qua bữa; và mặc dù chăm chút biết bao nhiêu đến nghề nghiệp của mình, lão vẫn không làm sao chu cấp đủ cho gia đình những nhu cầu cần thiết nhất.

Nhưng mà lão đã nhầm khi kêu van mi; mi vốn thích làm tình làm tội những con người trung hậu, mi thích để các vĩ nhân sống trong tối tăm; trong lúc mi ưu đãi những kẻ ác, mi nâng cao những đứa không hề có chút đức hạnh nào đáng cho người ta tin cậy.”

Dứt lời than vãn, lão hất tung cái thúng, và sau khi rửa sạch tấm lưới bám đầy bùn, lão buông lưới lần thứ ba, nhưng lão chỉ kéo lên được đá, vỏ sò và rác rưởi. Không thể nào tả được sự thất vọng của lão; suýt nữa lão trở thành quẫn trí.

Tuy vậy, vì trời bắt đầu sáng, lão không quên đọc kinh như một người Hồi giáo ngoan đạo, và khấn thêm: “Hỡi thượng đế. Người biết rằng mỗi ngày con chỉ buông lưới có bốn lần mà thôi. Con đã ba lần tung lưới mà không thu được một chút kết quả nào. Con chỉ còn một lần nữa thôi; cầu xin Thượng đế làm cho biển cả thuận lợi cho con, như xưa kia Người đã khiến biển thuận lợi cho Môidơ vậy.”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cầu nguyện xong, lão đánh cá buông lưới lần thứ tư. Khi cho rằng chắc cá đã vào, lão kéo cái lưới lên cũng khá vất vả như những lần trước. Tuy vẫn không được gì, nhưng lão nhặt được một cái lọ bằng đồng thau, mà quá sức nặng của nó, hình như chứa đầy một thứ gì. Cái lọ nút kín và niêm phong bằng chì có mang dấu một cái ấn. Điều đó làm lão vui lên. Lão tự nhủ: “Ta sẽ mang bán cho thợ đúc, được tiền ta sẽ mua một đấu lúa mì.”

Lão xem xét cái lọ đủ mọi phía, lão lắc lắc để xem thử những thứ gì đựng bên trong có phát ra tiếng động hay không! Chẳng nghe thấy gì, lại thêm cái dấu ấn trên nắp chì, làm cho lão nghĩ rằng chắc hẳn cái lọ chứa đựng một vật gì quý báu lắm. Lão vớ lấy con dao, và chỉ cố bẩy một tí thôi, lão đã mở được cái nắp.

Lão dốc ngược cái lọ song chẳng có gì rơi ra, điều đó làm cho lão hết sức ngạc nhiên. Lão đặt cái lọ xuống trước mặt, và trong khi lão đang chăm chú ngắm nghía, thì từ miệng lọ tuôn ra một luồng khói khá dày, buộc lão phải thụt lùi về sau vài ba bước.

Luồng khói, ấy bốc cao lên lận mây xanh, trải dài ra mặt nước và ven bờ biển, tạo thành một đám sương mù lớn. Cảnh tượng đó làm cho lão cực kỳ kinh ngạc. Khi khói tuôn hết ra khỏi lọ thì tụ tập lại và trở thành một vật thể rắn, từ đó hình thành một vị thần cao lớn gấp đôi con người khổng lồ cao lớn nhất. Trước sự việc quái đản như vậy, lão muốn co giò chạy; nhưng vì quá luống cuống và khiếp đảm, lão không sao nhấc nổi chân lên.

Thoạt tiên, vị thần thốt lên: “Xalômông, hỡi Xalômông, đấng tiên tri vĩ đại của Thượng đế, xin tha thứ, xin tha thứ, không bao giờ con còn dám chống lại ý muốn của Người. Con xin phục tùng tất cả mệnh lệnh của Người.”

Nghe được mấy lời ông thần vừa nói, lão liền bình tĩnh lại và nói: “Này vị thần linh cao lớn kia ơi, ngài nói gì vậy? Xalômông, đấng tiên tri của thượng đế, qua đời đã hơn một nghìn tám trăm năm nay, và chúng ta hiện đang sống thời tận cùng các thế kỷ. Ngài hãy kể cho tôi nghe chuyện về ngài, nguyên do vì đâu ngài bị nhốt trong chiếc lọ này?”

Nghe hỏi, vị thần nhìn lão một cách kiêu ngạo và trả lời: “Mày hãy nói với ta cho có lễ độ hơn, mày to gan quá đấy, sao dám gọi ta là thần linh cao lớn?”

Lão cãi:

– Phải chăng tôi nói với ngài có lễ độ hơn, nếu tôi gọi ngài là con cú gặp may?

– Tao bảo mày phải ăn nói cho có lễ độ hơn trước khi tao giết.

– Ô hay! sao ngài lại giết tôi? – lão vặn lại – Tôi vừa giải thoát cho ngài, ngài đã quên rồi ư?

– Không, ta nhớ, nhưng điều đó cũng không ngăn trở việc ta giết mày. Ta chỉ có mỗi một ân huệ ban cho mày mà thôi.

– Ân huệ gì vậy? – lão hỏi.

– Ấy là cho phép mày được chọn lấy cách mày muốn chết như thế nào.

– Nhưng tôi đã làm điều gì xúc phạm đến ngài nào? – Lão nói – Thế ra ngài thưởng công cho cái việc tốt lành tôi giúp ngài bằng cách ấy phải không?

– Ta không thể đối xử với mày bằng cách nào khác được – vị thần nói – Mày muốn tin chắc thì hãy nghe câu chuyện ta kể đây:

“Ta vốn là một trong những thần linh nổi loạn chống lại quyền uy của Thượng đế. Tất cả các thần linh khác đều thừa nhận Xalômông vĩ đại, đấng tiên tri của Thượng đế, và đều thuần phục Người, chỉ có Xaca và ta là những kẻ duy nhất không chịu làm điều hèn hạ đó. Để trả thù, nhà vua hùng mạnh ấy sai Átxáp, con của Barakhia, tể tướng của Người, đến bắt ta. Lệnh đó được thực hiện.

Átxáp đến bắt ta, cưỡng bách ta đến trước ngai vàng chúa tể của ông ta. Xalômông con của Đavít; ra lệnh cho ta phải từ bỏ lối sống của mình, phải thừa nhận quyền lực của Người, và phục tùng mệnh lệnh của Người. Ta ngạo nghễ từ chối không tuân theo. Ta thà chịu đựng mọi sự thù ghét của Người còn hơn là thề trung thành và thần phục như Người buộc ta phải làm.

Để trừng phạt ta, Người giam ta vào trong cái lọ đồng này; và để cho ta không thể nào vượt ngục, Người tự tay đóng lên cái nắp bằng chì con ấn của Người có khắc tên Thượng đế. Xong đâu đấy, Người giao cái lọ cho một trong những thần linh chịu thần phục và truyền cho hắn ném ta xuống biển; lệnh ấy đã được thi hành, mặc dù ta chẳng muốn chút nào.

Trong thế kỷ tù đày đầu tiên, ta thề nếu có ai đến giải thoát cho ta trước khi hết hạn một trăm năm, ta sẽ làm cho người đó trở nên giàu có, cho dù ngay cả sau khi đã qua đời. Nhưng một thế kỷ trôi qua, mà chẳng có ai làm giúp ta việc tốt lành ấy cả. Trong thế kỷ thứ hai, ta thề sẽ mở cửa tất cả các kho tàng trên trái đất cho bất kỳ kẻ nào đem lại tự do cho ta, nhưng ta vẫn không được may mắn gì hơn.

Trong thế kỷ thứ ba, ta hứa là sẽ làm cho người giải thoát ta trở thành một ông vua hùng mạnh, hồn thiêng của ta sẽ luôn luôn ở bên cạnh người đó, và cứ mỗi ngày thỏa mãn cho người đó ba điều ước, cho dù tính chất của những điều ước ấy như thế nào; nhưng thế kỷ này lại trôi qua như hai thế kỷ trước, mà ta thì vẫn cứ lâm vào tình trạng như xưa.

Cuối cùng, chán ngán, hay đúng hơn là điên tiết vì thấy mình bị giam cầm quá lâu, ta thề nếu từ đây ai giải thoát ta, ta sẽ giết chết không chút xót thương và sẽ không ban cho một ơn huệ nào ngoài việc cho phép tự chọn lấy cách chết. Chính vì vậy mà ta cho phép mày tự chọn xem mày muốn được ta giết chết bằng cách nào.”

Những lời nói ấy làm lão rất lo âu.

– Khốn nạn thân tôi, – lão kêu lên – sao lại đến chốn này làm ơn cho một kẻ bội bạc! Xin ngài hãy thương xót, hãy nhận ra sự bất công của ngài, và hãy xóa bỏ lời thề quá ư vô lý. Hãy tha tội cho lão, Thượng đế sẽ đại xá cho ngài; nếu ngài rộng lượng cho lão được sống, thì Thượng đế sẽ che chở ngài chống mọi mưu toan ám hại.

– Không! – thần nói – mày nhất định phải chết, mày thích chết cách nào thì hãy chọn đi, để tao kết liễu đời mày.

Thấy thần khăng khăng muốn giết mình, lão đau đớn vô cùng, tiếc thân mình thì ít mà thương ba dứa con sẽ lâm vào cảnh khốn cùng sau khi mất bố thì nhiều. Lão lại cố gắng làm cho vị thần bớt giận: “Ngài ôi! xin ngài hay nghĩ đến việc tôi đã làm cho ngài mà đoái thương tôi.”

– Thì ta đã bảo, chính vì việc làm của mày mà ta bắt buộc phải kết liễu đời mày mà.

– Thật lạ lùng làm sao, – lão đáp, – ai lại cứ khăng khăng lấy oán báo ân. Tục ngữ có câu: người nào làm điều lành cho kẻ không đáng hưởng thì bao giờ cũng bị đền đáp không hay. Thú thật, trước đây tôi cho rằng câu tục ngữ đó sai: không có gì xúc phạm lẽ phải và luật lệ xã hội hơn là câu nói đó. Thế nhưng giờ đây, tôi đau đớn mà nhận ra rằng nó quá ư đúng đắn.

Thần ngắt lời:

– Đừng để mất thời giờ, mọi lý lẽ đều không làm thay đổi được chủ định của ta đâu. Hãy nói nhanh lên, mày muốn được ta giết chết bằng cách nào?

Sự bức bách làm nảy trí thông minh. Lão nghĩ ra một mẹo. Lão nói với thần: “Vì không có cách nào tránh khỏi chết, thôi thì tôi đành phục tùng ý trời vậy. Nhưng trước khi chọn cách chết, tôi cầu xin ngài, hãy vì uy danh vĩ đại của Thượng đế đã được khắc vào con ấn của đấng tiên tri Xalômông, con trai Đavít, mà trả lời thật thà cho tôi biết câu tôi hỏi ngài sau đây.”

Thấy mình lâm vào cái thế không thể nào khước từ lời cầu xin ấy được, hung thần run sợ trong lòng. Hắn bảo lão: “Nào, mày muốn hỏi gì ta thì hỏi nhanh lên!”

Được thần hứa là sẽ nói sự thật, lão liền hỏi: “Tôi muốn biết có thật đúng là ngài đã ở trong cái lọ này không? Ngài có dám thề trước Thượng đế rằng quả đúng là như vậy?”

– Đúng, ta xin thề trước Thượng đế rằng ta đã ở trong cái lọ. Điều đó hoàn toàn không sai.

– Thật thà mà nói, tôi không sao tin được lời ngài. Cái lọ này một bàn chân của ngài thôi cũng không đút lọt, làm sao có thể chứa đựng toàn bộ thân thể ngài cơ chứ!

– Nhưng ta đã thề độc với mày, đúng là với cái hình dạng như mày đang thấy ta đây, ta đã ở trong ấy. Như vậy, mày vẫn không tin ư?

– Vâng, đúng thế, – lão nói – tôi sẽ chẳng bao giờ tin trừ khi ngài cho tôi trông thấy tận mắt.

Thế là thân thể hung thần tự nhiên tan ra, biến thành khói trải dài trên mặt nước và ven bờ biển rồi sau đó tụ tập lại và chui trở vào trong lọ một cách chậm rãi và đều đều cho đến khi không còn gì sót lại ở bên ngoài.

Từ trong lọ vọng ra một tiếng nói: “Hỡi lão đánh cá hay hoài nghi kia, giờ ta đã vào trong lọ, mày tin rồi chứ?”

Không trả lời, lão đánh cá vớ lấy cái nắp chụp nhanh lên miệng lọ rồi kêu to: “Này hung thần, giờ đến lượt mày van ta, và cho mày lựa chọn lấy, mày muốn ta cho mày chết bằng cách nào? Nhưng mà thôi, tốt hơn là ta lại ném mày xuống biển ngay ở chỗ ta vớt mày lên: rồi ta sẽ làm một cái nhà trên bờ này, ta sẽ ở đây để báo cho tất cả những người đánh cá nào đến đây buông lưới, rằng hãy chú ý đừng có vớt lên một hung thần độc ác như mày, kẻ đã thề sẽ giết chết người nào cứu vớt nó trở lại tự do.”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghe những lời xúc phạm đó, hung thần nổi xung, cố hết sức để thoát ra ngoài lọ, nhưng không sao được vì bị cái dấu ấn của đấng tiên tri Xalômông, con vua Đavít, cản lại.

Thấy lão đánh cá có lợi thế hơn mình, hắn buộc lòng phải giấu sự giận dữ. Hắn dịu giọng nói: “Hỡi người ngư phủ, bác hãy cẩn thận, chớ có làm điều bác vừa nói đấy nhé. Những việc ta làm vừa rồi chẳng qua là để đùa chơi một tí thôi, bác chớ có nên coi là chuyện thật.”

– Này hung thần, – bác đáp, – cách đây một lát là đấng vĩ đại nhất, nhưng bây giờ là kẻ bé nhỏ nhất trong tất cả các thần linh, mày hãy biết rằng những lời lẽ giả dối của mày chẳng giúp ích gì cho mày đâu. Mày sẽ trở về với biển cả. Nếu mày đã từng ở dưới biển suốt thời gian như mày đã kể cho ta nghe thì mày cũng có thể ở đấy cho đến ngày phán xét. Ta đã nhân danh Thượng đế cầu xin mày chớ kết liễu đời ta, mày đã bác bỏ mọi lời cầu khẩn của ta thì giờ đây, đến lượt ta đối xử với mày như mày đã đối xử với ta vậy.

Hung thần tìm đủ mọi cách làm động lòng lão đánh cá “Bác hãy mở cái nắp lọ, hãy trả lại tự do cho ta. Ta van bác đấy, ta xin hứa rằng ta sẽ làm hết sức mình cho bác bằng lòng về ta.”

– Mày chỉ là một tên phản trắc, – lão trả lời – Ta sẽ đáng chết, nếu ta còn bất cẩn mà tin ở mày. Rồi mày cũng đến giết ta như một ông vua Hy Lạp nào đó đã giết viên thầy thuốc Đubăng mà thôi. Nếu vừa rồi ta lay chuyển được mày, nếu mày ưng thuận cho điều ta cầu xin, thì giờ đây có lẽ ta sẽ thương hại cho tình cảnh của mày. Nhưng, bởi vì bất chấp cái ơn cực kỳ cao cả là được ta giải thoát cho, mày vẫn một mực đòi giết ta, vậy thì đến lượt ta, ta cũng phải không thương xót. Ta sẽ cứ để cho mày bị nhốt trong lọ này và ném mày xuống biển, để cho mày không được sống đến ngày tận thế: đó là sự trả thù mà ta định đối xử với mày đấy.

– Hỡi người ngư phủ bạn của ta ơi, – hung thần đáp, – một lần nữa ta van bác chớ nên có một hành động tàn ác như vậy. Bác nên nghĩ rằng trả thù ta không đôn hậu, ngược lại lấy ân báo oán mới thật là đáng khen.

– Không, ta sẽ không giải thoát mày đâu. Lý lẽ quá nhiều rồi: ta sắp tống mày xuống đáy biển đây. – lão nói.

– Bác đánh cá ơi, – hung thần kêu lên, – gượm, cho ta nói thêm một lời: ta hứa sẽ không làm gì hại đến bác: hơn nữa, khác xa điều đó, ta sẽ còn bày cho bác một cách để mà trở nên cực kỳ giàu có nữa.

Niềm hy vọng có thể thoát khỏi cảnh nghèo túng làm lão xiêu xiêu. Lão nói:

– Ta có thể nghe, thử xem lời mày nói có lọt tai ta không. Hãy thề trước Thượng đế rằng mày sẽ giữ lấy lời thì ta sẽ mở cái lọ cho mày ra: ta không tin rằng mày cả gan đến nỗi dám vi phạm một lời nguyền như vậy.

Hung thần chịu thề, người đánh cá liền mở nắp lọ. Lập tức khói tuôn ra, và hung thần, sau khi đã lấy lại nguyên hình vẫn theo như cách thức trước, việc đầu tiên là đưa chân đá tung cái lọ xuống biển. Hành động đó làm lão đánh cá phát hoảng: “Này thần linh, thế là thế nào? ngài không muốn giữ trọn lời thề lúc nãy hay sao? Tôi có cần nhắc lại câu mà thầy thuốc Đu-băng từng nói với nhà vua H Lạp xưa: “Hãy để cho tôi sống, Thượng đế sẽ kéo dài tuổi thọ của ngài”?

Sự hoảng hốt của lão đánh cá làm hung thần bật cười: “Không, lão ạ, lão hãy yên tâm, ta hất cái lọ đi cho vui và để xem lão có hoảng lên không thôi. Để lão tin chắc là ta muốn giữ trọn lời hứa, lão hãy vác lưới đi theo ta.”

Hung thần vừa nói vừa đi lên phía trước, lão đánh cá vác lưới theo sau mà lòng vẫn nửa tin nửa ngờ. Họ đi ngang qua trước thành phố, trèo lên một ngọn núi rồi từ đấy đổ xuống một đồng bằng rộng dẫn tới một cái đầm lớn nằm giữa bốn quả đồi.

Đến bờ đầm, hung thần bảo lão: “Lão hãy buông lưới đi, rồi bắt lấy cá”. Người ngư phủ tin chắc mình sẽ đánh được cá bởi vì mắt nhìn thấy vô số cá trong đầm; song điều làm cho lão cực kỳ kinh ngạc là các con cá có bốn màu sắc khác nhau: trắng, đỏ, xanh, vàng. Lão tung lưới và bắt lên bốn con, mỗi con một màu. Chưa hề nhìn thấy những con cá như vậy bao giờ, lão ngắm nghía không biết chán; và cho rằng có thể bán được món tiền đáng kể, lão rất đỗi vui mừng.

Hung thần nói: “Hãy mang những con cá này đến dâng hoàng đế, ngài sẽ cho lão nhiều tiền hơn số lão đã kiếm được suốt đời. Ngày nào, lão cũng có thể đến đánh cá ở đây, song ta báo cho biết trước, là mỗi ngày chỉ được buông lưới một lần thôi, làm khác đi là mang họa vào thân đấy; lão cần nhớ kỹ! Đấy là lời ta khuyên; nếu thực hiện đúng thì lão sẽ thấy nó nhiệm màu”. Nói xong câu đó, thần dậm chân, mặt đất liền nứt ra và đóng lại ngay sau khi nuốt chửng thần.

Lão quyết tâm thực hiện đúng mọi điều khuyên răn của hung thần, chú ý không buông lưới lần nữa. Lão quay trở lại kinh thành, khá bằng lòng với mẻ cá và suy nghĩ miên man về những việc vừa xảy ra cho mình. Lão đi thẳng đến hoàng cung để dâng cá lên hoàng đế…

Bệ hạ thử tưởng tượng sự ngạc nhiên của nhà vua khi nhìn thấy bốn con cá mà người ngư phủ kính dâng.

Hoàng đế bắt từng con lên xem xét một cách chăm chú. Và, sau khi ngắm nghía hồi lâu, nhà vua truyền cho tể tướng: “Khanh hãy mang những con cá này đến chỗ con đầu bếp khéo tay mà hoàng đế Hy Lạp gửi đến biếu ta; ta cho rằng những con cá đẹp thế này ăn chắc sẽ ngon”. Tể tướng thân hành mang cá đến tận tay chị đầu bếp và nói: “Đây là bốn con cá có người vừa mang đến dâng hoàng đế. Người ra lệnh cho mày nấu cho ngài dùng.”

Làm xong công việc được giao, tể tướng trở lại; hoàng đế lại sai ông ta trao cho lão đánh cá bốn trăm đồng vàng. Vị đại thần làm ngay rất chu đáo. Lão đánh cá chưa bao giờ có một lúc trong tay một món tiền to như vậy, bàng hoàng trước niềm hạnh phúc, và tưởng như mình đang trong giấc mơ. Nhưng lão hiểu ngay ra đây là cảnh thực, lão có thể dùng nón tiền này để chi dụng trong gia đình. Lão ra về…

Còn người đầu bếp của vua, chị ta đang ở trong tình cảnh vô cùng bối rối. Thoạt tiên, chị rửa sạch những con cá tể tướng vừa mang lại, bỏ vào xoong, cho dầu và đặt lên lò để rán; đến chừng cho rằng cá đã chín một mặt, chị lật sang mặt kia. Nhưng, kỳ lạ xiết bao! vừa lật những con cá lại thì lập tức tường nhà bếp tự dưng mở ra.

Từ đó bước ra một cô nương trẻ tuổi, xinh đẹp tuyệt trần và hình dáng thanh tú: nàng bận một chiếc áo xa tanh hoa, kiểu Ai Cập, tai đeo hoa, ở cổ là một chuỗi ngọc lớn và những vòng vàng nạm hồng ngọc, tay cầm một chiếc đũa bằng gỗ sim. Nàng đến cạnh cái xoong, và trước sự ngạc nhiên của chị bếp đang đứng im như phỗng, nàng đưa đầu gậy gõ vào một con cá mà nói: “Này cá, này cá, mi có làm phận sự không?”.

Cá không trả lời, nàng nhắc lại câu hỏi đó, thế là cùng một lúc bốn con cá cùng ngẩng đầu lên và cùng nói rất rành mạch: “Vâng, vâng, nếu các ngài đếm thì chúng tôi đếm; nếu các ngài trả nợ các ngài thì chúng tôi trả nợ của chúng tôi, nếu các ngài chạy trốn thì chúng tôi thắng, và chúng tôi lấy làm hài lòng”. Bốn con cá nói xong những lời đó, cô nương trẻ tuổi liền hất đổ cái xoong và quay lại chỗ bức tường mở ra lúc nãy, tường đóng lại ngay trở về nguyên hình như cũ.

Khi chị bếp khiếp đảm vì bấy nhiêu điều kỳ diệu, tỉnh ra khỏi nỗi kinh hoàng và đi nhặt những con cá rơi trên lửa, thì tất cả đều đã cháy đen hơn than, không còn có thể dâng lên nhà vua được nữa. Chị ta hết sức đau khổ và bắt đầu lớn tiếng khóc gào: “Than ôi! Thân tôi rồi sẽ ra sao? Dù tôi kể lại cho hoàng đế nghe những điều tôi vừa thấy, cầm chắc Người cũng chẳng tin nào, và cơn thịnh nộ của Người đối với tôi sẽ ghê gớm đến đâu!”

Chị ta đang rầu rĩ như vậy thì tể tướng bước vào, hỏi cá đã nấu xong chưa. Chị thuật lại tất cả những gì vừa xảy ra, và chúng ta cũng có thể hiểu được. Câu chuyện ấy làm, cho tể tướng hết sức ngạc nhiên; nhưng ông không về tâu lại với hoàng đế mà lại đi bịa ra một lý do nào đó cũng lọt được tai Người. Đồng thời ông sai người đi gọi lão đánh cá đến ngay lập tức.

Khi lão đến, ông bảo: “Này lão đánh cá kia, hãy mang đến cho ta bốn con cá khác giống như những con hôm qua lão mang tới đây, vì một việc không may xảy ra, làm cho những con cá hôm qua không dâng lên hoàng đế được”. Lão đánh cá không nói ra ngay điều hung thần căn dặn, nhưng để khỏi phải nộp cá ngay trong ngày hôm đó, lão tả sự đường xá xa xôi để xin khất đến sáng sớm mai sẽ mang đến nộp đủ.

Lão đánh cá vội vã đi ngay trong đêm đến ven đầm. Lão buông lưới, kéo lên và lại bắt được đúng bốn con cá, mỗi con một màu khác nhau, đúng y như lần trước. Lão liền quay trở về và mang đến cho tể tướng ngay, kịp thời hạn đã hứa. Vị đại thần nhận cá và cũng lại thân hành mang đến cho nhà bếp; rồi một mình ông ở lại cùng chị bếp.

Chị ta bắt đầu mổ cá ngay trước mặt tể tướng rồi đặt lên lò đúng như cách thức chị đã làm bốn con cá ngày hôm qua. Khi cá rán đã chín mặt này, chị lật để rán mặt kia, thì tường nhà bếp tự dưng lại mở ra, và cũng chính cô nương ấy xuất hiện, tay cầm chiếc đũa. Nàng đến cạnh cái xoong, gõ vào mặt con cá và nói lên những lời y như ngay hôm trước; tất cả bốn con cá đều ngẩng đầu và trả lời đúng như câu đã hỏi.

Bốn con cá trả lời xong, cô nương trẻ lại dùng đũa hất đổ cái xoong, rồi lại trở về đúng chỗ bức tường vừa mở ra để cho nàng xuất hiện. Tể tướng chứng kiến tất cả cảnh đó. “Kỳ dị quá, khác thường quá, không thể nào giấu Hoàng đế được, – ông nói, – ta phải đến tâu ngay cho Người rõ điều kỳ lạ này”. Nói xong, ông đi tìm nhà vua ngay và kể lại cho vua nghe một cách trung thực câu chuyện vừa rồi.

Hoàng đế rất đỗi ngạc nhiên, và nôn nóng muốn tự mắt nhìn thấy ngay điều kỳ diệu đó. Vì vậy, nhà vua sai đi tìm lão đánh cá đến và phán: “Này lão kia, lão có thể lại mang đến cho ta thêm bốn con cá nữa màu sắc khác nhau không?”. Lão đánh cá tâu: “Nếu hoàng đế rộng lòng cho hạn trong ba ngày thì lão xin hứa là sẽ làm vừa lòng Người”. Được nhà vua đồng ý.

Lão lại đi đến cái đầm lần thứ ba, và lần này cũng may mắn không kém hai lần trước, bởi vì ngay từ mẻ lưới đầu tiên, lão đã bắt được bốn con cá khác màu. Lão không quên mang đến ngay lập tức cho hoàng đế: Nhà vua càng hài lòng vì không nghĩ là chóng có được cá đến thế, liền hạ lệnh ban cho lão thêm bốn trăm đồng vàng.

Vừa có cá, lập tức nhà vua sai mang đến cung điện của mình tất cả những thứ cần thiết cho việc nấu nướng. Hoàng đế và tể tướng đóng chặt cửa lại, vị đại thần làm cá, cho vào chảo bắc lên bếp, rồi khi cá chín mặt này, tể tướng lật sang rán mặt kia. Thế là tường cung điện nứt ra nhưng lần này không phải là cô nương trẻ tuổi mà là một tên da đen bước ra.

Tên da đen mặc áo quần nô lệ, người cực kỳ cao to, tay cầm một chiếc gậy lớn màu lục. Nó tiến đến cạnh cái chảo bắc trên bếp, đưa gậy gõ vào một con cá và nói giọng dữ tợn: “Này cá, này cá, mi có làm phận sự không?” Nghe hỏi con cá ngẩng đầu lên và đáp: “Vâng, vâng chúng tôi đang làm phận sự; nếu các ngài đếm thì chúng tôi cũng đếm; nếu các ngài trả nợ của các ngài thì chúng tôi trả nợ của chúng tôi; nếu các ngài chạy trốn thì chúng tôi thắng, và chúng tôi lấy làm hài lòng.”

Các con cá chưa nói dứt lời, tên da đen đã đánh đổ cái chảo làm cho cá cháy thành than. Làm xong, nó ngạo nghễ rút lui, trở vào chỗ bức tường mở ra lúc nãy, và bức tường lại khép lại y nguyên như cũ. Nhà vua bảo tể tướng: “Sau khi đã nhìn thấy những việc vừa rồi, đầu óc ta không thể nào thanh thản được.

Chắc chắn những con cá này nói lên một điều gì đó dị thường mà ta muốn làm sáng tỏ”. Nhà vua sai tìm lão đánh cá, người ta dẫn lão đến. Nhà vua nói: “Này lão đánh cá, những con cá ngươi mang đến gây cho ta lắm nỗi băn khoăn. Người bắt những con cá ấy ở nơi đâu?”

– Tâu bệ hạ, thần đánh ở một cái đầm nằm giữa bốn quả đồi phía bên kia quả núi mà ta thấy kia.

– Khanh có biết cái đầm ấy không? – nhà vua quay hỏi tể tướng.

– Tâu bệ hạ, không, và thần cũng chẳng nghe ai nói đến bao giờ, mặc dù từ sáu mươi năm nay thần vẫn đi săn quanh vùng này và từng sang bên kia quả núi ấy.

Hoàng đế hỏi từ hoàng cung đến cái đầm ấy bao xa: lão đánh cá quả quyết đi bộ không quá ba tiếng đồng hồ. Nghe lời quyết đoán ấy, và vì hãy còn đủ sớm để có thể đến nơi trước khi trời tối, nhà vua ra lệnh cho tất cả triều thần lên ngựa: lão đánh cá làm nhiệm vụ dẫn đường.

Họ leo lên núi và khi đổ xuống sườn bên kia, mọi người hết sức ngạc nhiên thấy một cánh đồng rộng từ trước đến hay chưa từng ai đến. Cuối cùng họ đến tận cái đầm nằm giữa bốn quả đồi, đúng như lão đánh cá đã thuật. Nước trong đầm trong leo lẻo đến nỗi có thể nhìn thấy rõ tất cả các con cá giống hệt như những con lão chài từng mang đến hoàng cung dâng vua.

Hoàng đế dừng lại bên bờ đầm, và sau một lúc say sưa ngắm đàn cá, nhà vua hỏi các quan thượng thư và tất cả triều thần, làm sao lại có thể chưa hề có ai trông thấy cái đầm chẳng cách thành phố bao xa này. Các quan đáp họ cũng chưa từng nghe nói đến bao giờ.

Nhà vua phán: “Bởi tất cả các ngươi đều bảo là chưa một ai từng nghe nói đến, và ta cũng ngạc nhiên không kém trước sự mới lạ này, ta quyết định sẽ không trở lại hoàng cung chừng nào chưa hiểu rõ vì tao cái đầm này có ở đây, và vì sao cá trong đầm lại có bốn màu”. Nói xong, nhà vua ra lệnh hạ trại; lập tức hành cung của nhà vua và các lều vải của triều thần được dựng lên ngay bên bờ đầm.

Chập tối, hoàng đế lui về hành cung, cho gọi riêng tể tướng đến bảo: “Khanh này, đầu óc ta băn khoăn kỳ lạ: cái đầm chẳng biết từ đâu dời đến chốn này, tên da đen xuất hiện trong cung điện của ta, những con cá mà chúng ta đã nghe nói đến, tất cả những cái đó kích thích mạnh mẽ tính hiếu kỳ của ta đến nỗi ta không sao nén được lòng nôn nóng muốn biết cho tận tường.

Ta sẽ một mình đi xa nơi hạ trại, ta ra lệnh cho khanh hãy giữ kín không cho ai biết là ta vắng mặt; khanh hãy ở trong hành cung của ta; và sáng sớm mai khi các thượng thư và quần thần đến chầu, khanh hãy cho họ lui về, bảo rằng ta hơi khó ở và không muốn tiếp ai. Những ngày sau đó, khanh cứ tiếp tục nói với họ như vậy cho đến khi ta trở về.”

Tể tướng trình bày nhiều lý do, cố làm cho nhà vua thay đổi ý kiến; ông nói đến những điều nguy hiểm, những nỗi gian lao nhà vua sẽ phải trải qua một cách vô ích. Nhưng mặc cho ông dở hết tài hùng biện, hoàng đế vẫn không thay đổi ý định của mình, lại chuẩn bị thực hiện nó. Người mặc một bộ áo quần thuận tiện cho việc đi bộ, mang theo một thanh gươm, và khi thấy mọi nơi trong trại đều yên tĩnh, vua ra đi một mình không đi cho ai theo hầu.

Nhà vua hướng theo một quả đồi mà đi, và leo lên sườn đồi cũng chẳng khó nhọc bao nhiêu. Đường xuống càng dễ đi hơn; và khi đã tới đồng bằng, nhà vua tiếp tục đi mãi tới khi mặt trời mọc. Trông thấy đằng xa, trước mặt mình có một tòa nhà lớn, nhà vua lấy làm mừng, hy vọng rằng đến đấy sẽ có thể biết rõ được điều đang muốn biết.

Đến gần, nhà vua nhận ra đấy là một cung điện tráng lệ, hay đúng hơn là một lâu đài rồi kiên cố, xây bằng cẩm thạch đen nhánh, mặt ngoài bọc thép mịn và nhẵn bóng như gương. Thú vị vì đi chưa bao lâu đã gặp được một vật ít ra cũng xứng đáng với sự hiếu kỳ của mình, nhà vua dừng lại trước cửa lâu đài và ngắm nghía rất chăm chú.

Tiếp đó, nhà vua đến sát cái cổng có hai cánh cửa, một cánh bỏ ngỏ. Mặc dù có thể tự do bước vào, nhà vua vẫn cho là nên gõ cửa. Nhà vua gõ một tiếng nhè nhẹ và chờ ít lâu: không thấy ai ra, tưởng người ta chưa nghe, nhà vua lại gõ một tiếng nữa mạnh hơn nhưng vẫn chẳng thấy, chẳng nghe ai đến: nhà vua lại đập mạnh hơn nữa, và lần này cũng vẫn chẳng có ai xuất hiện.

Điều đó làm cho nhà vua cực kỳ kinh ngạc, bởi vì không thể nghĩ rằng một tòa lâu đài được bảo quản tốt như thế này lại bị bỏ đi không có ai ở. “Nếu không có ai ở” – nhà vua tự nhủ – “ta chẳng có gì mà sợ; nếu có người thì ta đã có cách để mà tự vệ.”

Cuối cùng, hoàng đế bước vào, và đi băng qua một cái tiền đình. Nhà vua cất tiếng nói to: “Không có ai ở đây sao, để mà tiếp một người khách lạ qua đường muốn xin ngụm nước!”. Nhà vua nhắc lại câu đó hai ba lần: nhưng mặc dù nói khá to, vẫn không có tiếng trả lời. Sự im lặng càng làm cho nhà vua kinh lạ. Nhà vua đi ngang qua một cái sân rất rộng, và đưa mắt nhìn bốn phía xem thử có tìm được ai chăng, nhưng vẫn không hề trông thấy một bóng người.

Không thấy có ai ở sân, hoàng đế bước vào các căn phòng rộng, ở đây những tấm thảm trải đều bằng lụa quý, các bục gỗ và sập ngồi đều bọc vải La Mếchcơ và rèm cửa thì bằng vải Ấn Độ loại đắt tiền nhất, dát vàng và bạc. Nhà vua bước tiếp sang một phòng khách tuyệt diệu, chính giữa là một bể nước lớn có bốn con sư tử bằng vàng ròng, mỗi con chầu một góc.

Miệng các con sư tử phun nước, nước rơi xuống trông chẳng khác gì kim cương và ngọc quý; cảnh tượng ấy hòa hợp nhịp nhàng với một tia nước vọt ra từ trung tâm bể, và lên cao cho tới chạm một cái vòm trang trí hoa văn theo lối Ả Rập.

Bao quanh lâu đài từ ba phía là một khoảnh vườn mà những bồn hoa, những hồ nước, những lùm cây và cơ man là vật trang hoàng đua nhau tô điểm; và cuối cùng, điều làm cho chốn ấy trở thành tuyệt diệu là muôn vàn chim chóc cất tiếng hót vang lừng không gian những khúc hát du dương; đàn chim thường xuyên sống ở đây vì đã có những tấm lưới căng bên trên cây cối và trên cả tòa lâu đài, ngăn không cho chúng bay đi.

Nhà vua thơ thẩn dạo hồi lâu từ gian này sang gian khác, gian nào cũng đều rộng lớn, đều tráng lệ. Khi đi đã mệt, nhà vua ngồi nghỉ ở một phòng làm việc trống rỗng trông ra vườn, và miên man suy nghĩ về những vật đã nhìn và đang nhìn thấy, thì đột nhiên một giọng than vãn và những tiếng rên la ai oán đập vào tai.

Nhà vua nghe rành mạch những lời buồn thảm: “Hỡi định mệnh! mi đã không muốn cho ta hưởng thụ lâu một cuộc đời hạnh phúc, mi đã biến ta trở thành con người bất hạnh nhất loài người, xin thôi đừng hành hạ ta nữa, hãy cho ta chết nhanh để chấm dứt những nỗi đau khổ này. Hỡi ôi! làm sao ta vẫn còn sống đây sau khi đã trải qua bấy nhiêu khổ ải?”

Hoàng đế xúc động vì những lời than thở đáng thương, liền đứng dậy và đi về hướng tiếng nói phát ra. Đến trước cửa một căn phòng rộng, nhà vua vén rèm nhìn vào và trông thấy một chàng trai trẻ khôi ngô ăn mặc rất sang trọng ngồi trên một chiếc ngai hơi cao hơn mặt đất. Mặt chàng ảo não. Nhà vua đến gần và chào.

Chàng trai trẻ đáp lễ bằng cách cúi đầu rất thấp song không đứng lên: “Thưa ngài, – chàng nói với nhà vua, – tôi biết rằng lẽ ra tôi phải đứng lên hầu tiếp ngài với tất cả nghi lễ xứng đáng với cương vị ngài, nhưng vì vấp phải một trở ngại quá to lớn cho nên không thể làm được, mong ngài miễn tội cho.”

– Thưa ngài, – nhà vua đáp, – tôi rất biết ơn những lời tốt đẹp của ngài đối với tôi. Còn về cái việc ngài không tiện đứng lên, cho dù nguyên nhân thế nào đi chăng nữa, xin ngài chớ có bận tâm. Bị lôi cuốn bởi những lời than thở của ngài, xúc động sâu sắc trước nỗi khổ ải của ngài, tôi đến đây mong được giúp đỡ ngài.

Nếu Thượng đế cho tôi được phép làm nhẹ bớt những sự đau đớn của ngài, thì tôi nguyện mang hết sức lực của mình ra làm cho bằng được. Tôi mong ngài hãy vui lòng kể cho tôi nghe những điều bất hạnh của ngài; nhưng trước hết xin hãy nói cho tôi rõ cái đầm ở gần đây trong đó cá có bốn màu sắc khác nhau ý nghĩa ra làm sao, tòa lâu đài này là thế nào, tại sao ngài lại ở đây và vì đâu ngài chỉ có mỗi một mình?

Đáng lẽ trả lời những câu hỏi đó, chàng trai trẻ lại khóc lóc thảm thiết: “Định mệnh mới trớ trêu làm sao! Nó thích hạ xuống thấp những người mà nó từng đưa lên cao. Đâu là những người được hưởng thụ một cách thanh bình hạnh phúc nó ban cho, đâu là những người có cuộc sống luôn luôn yên lành và trong sáng?”

Cảm thương tình cảnh chàng trai trẻ, nhà vua khẩn khoản yêu cầu chàng nói rõ cái gì đã làm cho chàng đau khổ sâu sắc dường ấy, “Than ôi! – chàng trai trẻ đáp, – làm sao tôi có thể không đau buồn, thưa ngài? Làm sao đôi mắt tôi có thể không là những suối lệ chẳng bao giờ khô cạn?” Nói đến đây, chàng vén áo lên để nhà vua trông thấy chàng chỉ là người từ đầu đến thắt lưng, còn từ nửa người trở xuống là bằng cẩm thạch đen.

Hoàng đế hết sức kinh lạ khi trông thấy tình cảnh đáng thương của chàng trai trẻ. Nhà vua nói: “Điều ngài cho thấy đó làm cho tôi kinh rợn và kích thích sự hiếu kỳ của tôi; tôi nóng lòng muốn biết câu chuyện của ngài mà tôi tin là rất kỳ lạ; và tôi tin chắc rằng cái đầm và những con cá kia đều có dính líu vào; bởi vậy xin ngài hãy kể cho tôi nghe; ngài sẽ cảm thấy như được an ủi chừng nào, vì những kẻ đau khổ bao giờ cũng cảm thấy nhẹ nhõm chút ít khi thuật lại những điều đau khổ của mình với người khác.”

– Tôi không muốn từ chối những đòi hỏi đúng đắn của ngài – chàng trai trẻ đáp – mặc dù không thể thuật lại mà không khuấy động những nỗi đau như dao cắt; nhưng xin báo trước để ngài chuẩn bị đôi tai, bộ óc và cả đôi mắt nữa, bởi vì những điều ngài sắp nghe đây vượt xa tất cả những gì mà trí tưởng tượng có thể hình dung là dị thường nhất.

Truyện cổ tích: Người đánh cá - 5

Bài học hay từ truyện cổ tích

Câu chuyện kể trong Nghìn lẻ một đêm khẳng định chính nghĩa luôn thắng cái ác, cũng như thể hiện mong muốn được sống trong cảnh thái bình yên vui, hạnh phúc ấm no của người dân.

Câu chuyện kể trong Nghìn lẻ một đêm khẳng định chính nghĩa luôn thắng cái ác, cũng như thể hiện mong muốn được sống trong cảnh thái bình yên vui, hạnh phúc ấm no của người dân.

Truyện cổ tích: Bợm già mắc bẫy
Câu chuyện phê phán những kẻ ngốc nghếch, bịp bợp, đồng thời ca ngợi sự thông minh của người phụ nữ.

Dạy con 3-5 tuổi

Theo Thi Thi Sưu tầm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Truyện cổ tích cho bé